Thứ sáu, 22/11/2024 14:23 (GMT+7)
Thứ bảy, 22/05/2021 13:05 (GMT+7)

Khủng hoảng chip điện tử toàn cầu: Cơ hội sản xuất nào cho Việt Nam?

Theo dõi KTMT trên

Theo ông Nguyễn Tử Quảng - CEO Bkav, việc tự chủ chip bằng sản xuất nội địa có lẽ sẽ là quá sức và mang tính phi kinh tế trong vòng nhiều năm nữa.

Khủng hoảng chip quy mô toàn cầu

Sự thiếu hụt chip - "bộ não" quan trọng trong thiết bị điện tử hiện đang gây ra cuộc khủng hoảng trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp sản xuất phụ thuộc vào chất bán dẫn. 

Đặc biệt, tình trạng này đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn kể từ năm ngoái. Ban đầu, nguyên nhân chỉ là do sự trì hoãn tạm thời về nguồn cung khi các nhà máy đóng cửa vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 lần đầu tiên bùng phát. Tuy nhiên, mặc dù hoạt động sản xuất đã trở lại bình thường, nhưng sự gia tăng về nhu cầu mới do các thói quen bị thay đổi trong bối cảnh đại dịch đã thúc đẩy tình trạng này tới "điểm khủng hoảng".

Khủng hoảng chip điện tử toàn cầu: Cơ hội sản xuất nào cho Việt Nam? - Ảnh 1

Trong đó, ngành sản xuất ô tô được xem là một trong số những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, khi chip xử lý giữ vai trò quan trọng với các bộ phận từ pin cho đến điều khiển máy tính trên ô tô. Nhiều nhà sản xuất xe trên thế giới đã buộc phải ở trong tình trạng cắt giảm sản xuất do thiếu chip.

Công ty tư vấn AlixPartners cho biết, tình trạng thiếu chip bán dẫn đang diễn ra hiện nay dự kiến sẽ khiến doanh thu ngành công nghiệp ô tô toàn cầu mất đi khoảng 110 tỉ USD trong năm 2021. Tiêu biểu, Trung Quốc vốn được xem là thị trường sản xuất ô tô lớn nhất thế giới cũng lâm vào cuộc khủng hoảng chip trong năm ngoái. 

Ông Li Shaohua, quan chức cấp cao thuộc Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM) cho biết, tình trạng thiếu chip đã khiến sản lượng ô tô của nước này thiệt hại 5-8% trong hai tháng đầu năm. Còn theo Hiệp hội Đại lý ô tô Trung Quốc (CADA) thông tin, lượng xe tồn kho ở nước này sẽ tiếp tục giảm do sản lượng xe đi xuống và nguồn cung một số mẫu xe hiện nay có thể không đủ để đáp ứng nhu cầu.

Không chỉ ở Trung Quốc, tình trạng thiếu hụt chip còn diễn ra tại nhiều đất nước trên thế giới. Cụ thể, sự cố mất điện vì bão tuyết khiến một số nhà máy tạm ngừng hoạt động, như NXP Semiconductors NV (Hà Lan) hay Infineon Technologies (Đức), chuyên cung cấp chip cho ngành công nghiệp ôtô. Tesla đã dừng một nhà máy ở California hồi cuối tháng 2 vì thiếu linh kiện, trong khi Honda Motor cũng ngừng hoạt động tại 5 nhà máy ở Mỹ và Canada trong khoảng một tuần bắt đầu từ 22/3, do nguồn cung chip bị gián đoạn.

Cuộc khủng hoảng chip không chỉ ảnh hưởng đến ngành sản xuất ô tô mà còn tác động đến lĩnh vực điện thoại và nhiều lĩnh vực khác. Theo Nikkei Asia, tình trạng lại càng trở nên căng thẳng hơn khi một nhà máy Samsung ở Texas đóng cửa sau cơn bão mùa đông. Nhà máy chip này, chịu trách nhiệm cho 5% nguồn cung toàn cầu, phải ngừng hoạt động từ ngày 16/2, gây ảnh hưởng rộng tới chuỗi cung ứng.

"Đang có sự mất cân bằng nghiêm trọng về nguồn cung và cầu chip trong lĩnh vực công nghệ thông tin trên thế giới", Koh Dong-Jin - đồng CEO giám sát bộ phận di động của Samsung phát biểu tại cuộc họp cổ đông ngày 17/3. Ông Koh cũng cho biết, công ty đang cân nhắc không ra mắt Galaxy Note thế hệ mới - một trong những dòng smartphone bán chạy nhất của hãng - trong năm nay, dù chỉ giải thích điều này là để hợp lý hóa các dòng sản phẩm của hãng.

Việt Nam có nên tự sản xuất?

Ở Việt Nam, gần như chưa có doanh nghiệp nào làm ra đầy đủ được một con chip, gồm nghiên cứu, thiết kế, sản xuất... mà đều phải nhập khẩu từ nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc. Vì vậy, theo Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, việc khan hiếm nguồn hàng chip xử lý đang khiến cho nhiều doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện tử, công nghệ trong nước gặp khó khăn. Dự kiến còn kéo dài trong nhiều tháng tới.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Tử Quảng - CEO Bkav cho rằng, cả thế giới đang trong tình trạng thiếu chip, và có dự đoán là cuối năm sau mới hết cuộc khủng hoảng. Ông cũng cho biết, Bkav đã phải gom hàng, nỗ lực tìm kiếm trên khắp thế giới những đối tác thay đổi kế hoạch kinh doanh và vì thế họ dư ra những lô linh kiện không dùng đến nữa. Do vậy, Việt Nam nên là một nước đầu tư sản xuất chip, bởi đây là xu hướng tất yếu về công nghệ trong tương lai.

Khủng hoảng chip điện tử toàn cầu: Cơ hội sản xuất nào cho Việt Nam? - Ảnh 2
Ông Nguyễn Tử Quảng - CEO Bkav. (Ảnh: Bkav)

Tuy nhiên, theo CEO Bkav, việc Việt Nam tự sản xuất chip ngay tại lúc này là chưa phù hợp, nhưng có kế hoạch trong vài năm tới là có thể. Vì để đầu tư một nhà máy sản xuất chip cần nguồn vốn rất lớn, do đó Việt Nam không thể một mình đầu tư hết mà có thể mời nhà đầu tư khắp thế giới.

Lí giải nguyên nhân là do công nghệ sản xuất chip rất khó, đòi hỏi mức độ tinh vi cao độ. Bởi vậy, cần nhiều thời gian để xây dựng và lắp đặt thiết bị cho các nhà máy sản xuất (ít nhất 2 năm), cùng hàng tỉ USD vốn đầu tư. Về chi phí, để xây dựng một nhà máy mới có công suất 50.000 tấm nền silicon (wafer)/tháng, thì cần đầu tư chừng 15 tỉ USD, chủ yếu là các thiết bị chuyên dụng. Ngoài ra, để không bị thua lỗ, ngành sản xuất chip phải có tỉ lệ thành phẩm đạt tiêu chuẩn trên 90% lượng sản phẩm sản xuất ra. Đó là lí do tại sao chỉ có một vài hãng sản xuất tiếp tục chi phối ngành sản xuất này. 

Với Việt Nam, để sản xuất chip nội địa phải hoàn toàn phụ thuộc vào ý đồ và kế hoạch của các nhà sản xuất chip thế giới. Các hãng sản xuất khác, dù là nội địa hay nước ngoài, đều không có năng lực xây dựng các nhà máy sản xuất chip đúng nghĩa tại Việt Nam. Đơn cử như khoản đầu tư bổ sung gần 500 triệu USD công bố mới đây của Intel vào dự án 1 tỉ USD của họ ở Việt Nam cũng chỉ là cho hoạt động lắp ráp chip và thử nghiệm.

Có nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam nên đợi khi có thị trường điện thoại thông minh đủ lớn mới đầu tư sản xuất chip. Dù vậy, việc tự chủ chip bằng sản xuất nội địa có lẽ sẽ là quá sức và mang tính phi kinh tế trong vòng nhiều năm nữa.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Khủng hoảng chip điện tử toàn cầu: Cơ hội sản xuất nào cho Việt Nam?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới