Thế giới tuần qua: Thảm họa cháy rừng lan tới Bắc Cực, Trung Quốc cho nổ đập để xả lũ
Trung Quốc dùng thuốc nổ phá đập để xả lũ, hơn 19 triệu hecta rừng bị đốt cháy tại Bắc cực, rò rỉ hoá chất tại Nga... là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua.
Trung Quốc dùng thuốc nổ phá đập để xả lũ
Trong 40 ngày qua, huyện Hoắc Khâu của tỉnh An Huy, nằm ở hạ lưu sông Hoài Hà, đã hứng lượng mưa lên tới 813mm, gấp gần 3 lần so với lượng mưa 277.2mm ghi nhận trong cùng kỳ năm ngoái.
Ngày 20/7, mực nước ở sông Toánh Hà (Run River), một phụ lưu của sông Hoài Hà đã dâng lên tới 27,65m, vượt quá mức báo động 2,35m, theo Anhui News.
Tình trạng lũ lụt nghiêm trọng tại tỉnh An Huy. (Ảnh: Reuters) |
Để giảm bớt sức ép mưa lũ cho Hoài Hà, giới chức phát lệnh mở tất cả 14 cửa xả lũ ở đập hồ Jiangtang ở An Huy lúc 13h chiều 20/7.
Theo đó, 461 cư dân ở 6 làng thuộc hạ lưu đã được sơ tán ngay khi tất cả các cửa xả lũ ở đập hồ Jiangtang mở hết công suất. Sau khi xả lũ, hơn 20.000 hecta đất nông nghiệp bị ngập lụt.
Trước đó, đài truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV đưa tin giới chức địa phương đã dùng thuốc nổ để phá hủy con đập trên sông Chuhe, tỉnh An Huy vào rạng sáng 19/7 nhằm giảm sức ép từ nước lũ đang dâng cao.
Việc phá đập, đê kè để xả lũ là một trong những biện pháp mà Trung Quốc buộc phải sử dụng đến trong trận lụt lịch sử vào năm 1998, đợt lũ lụt khiến hơn 2.000 người chết và khoảng 3 triệu ngôi nhà bị phá hủy.
Kể từ khi lũ bắt đầu trong tháng 6, hơn 141 người đã thiệt mạng hoặc mất tích, 150.000 ngôi nhà bị hư hại và ước tính thiệt hại kinh tế lên tới hàng trăm triệu NDT chỉ tính riêng ở tỉnh An Huy.
Một số khu vực của thành phố Lục An, cách Hợp Phì khoảng 100km về phía Tây, đã trải qua những cơn mưa cực lớn kể từ ngày 17/7, khiến mực nước ở nhiều con sông ở An Huy tăng vọt và nhiều nơi xuất hiện tình huống nguy hiểm. Ngày 19/7, đê sông gần thị trấn Cố Trấn, quận Dụ An, thành phố Lục An đã bị vỡ.
Theo công bố chính thức, tình hình mưa lũ tại Trung Quốc từ đầu tháng Sáu tới nay đã khiến 38,73 triệu người ở hơn 20 tỉnh thành gánh chịu tai họa, 141 người chết, 29.000 ngôi nhà bị sập và thiệt hại kinh tế trực tiếp lên tới gần 100 tỉ NDT (14 tỉ USD).
Hơn 19 triệu hecta rừng đã bị cháy tại Bắc cực trong năm nay
Sử dụng dữ liệu giám sát vệ tinh, Tổ chức Hoà bình xanh cho biết, trong năm nay, tại Bắc cực đã xảy ra hơn 9.000 vụ cháy với tổng diện tích bị phá huỷ đã lên tới 19 triệu hecta.
Tốc chức Hoà bình xanh cho biết các vụ hỏa hoạn mà họ ghi nhận là "bằng chứng rõ ràng về tình trạng khẩn cấp của biến đổi khí hậu". (Ảnh: Greenpeace) |
Phần lớn các vụ cháy đều ở các vùng xa xôi của miền đông nước Nga và miền đông Siberia, nhưng chúng đang có xu hướng lan rộng khiến nhiều người lo ngại nguy cơ cháy rừng trở thành thảm họa.
Tại Siberia, các vụ cháy đã oanh tạc một khu vực rộng lớn hơn Hy Lạp. Tổ chức Hoà bình xanh tại Nga đang kêu gọi các nhà chức trách làm nhiều hơn để giải quyết các đám cháy đang khiến các thành phố Yakutsk, Ugorsk và Sovetsky cũng như nhiều thị trấn xunh quanh chìm trong khói bụi.
Ông Grigory Kuksin, trưởng phòng quản lý cháy rừng tại Hoà bình xanh cho biết, khu vực Siberia rộng lớn đã trở thành một điểm nóng về khí hậu, nhiệt độ tại đây đang tăng lên nhanh hơn nhiều so với phần còn lại của hành tinh.
Ông kêu gọi các chính trị gia ngừng cắt giảm kinh tế trong việc bảo vệ rừng và hỗ trợ lâm nghiệp quốc gia để bảo vệ sức khỏe và khí hậu của chúng ta.
Nga phát hiện ra một khu mỏ hoang đang ra rò rỉ hoá chất độc hại
Ngày 23/7, các công tố viên Nga đã mở một cuộc điều tra về việc rò rỉ những hóa chất độc hại tại một khu mỏ bị bỏ hoang 16 năm trước ở dãy núi Ural.
Nằm tại khu vực giàu khoáng sản Sverdlovsk, cách thủ đô Moskva 1.400km về phía Đông, mỏ khai thác quặng đồng Levikhinsky bị bỏ hoang từ năm 2004.
Một hỗn hợp có tính axit cao chảy trên mặt đất tạo thành những dòng suối có màu sáng và xâm nhập vào nguồn nước tại địa phương. (Nguồn: AFP) |
Đầu năm nay, khu mỏ này đã trở thành tâm điểm của giới truyền thông sau khi một blogger nổi tiếng chia sẻ hình ảnh về hiện trạng tại đây, cho thấy khu vực này có những vết cháy xém màu đỏ trên mặt đất và những dòng suối màu vàng.
Các cơ quan chức năng Nga đã vào cuộc, xác định doanh nghiệp chịu trách nhiệm quản lý mỏ này.
Theo nhà sinh thái học Andrei Volegov, một sự cố xảy ra năm 1997 đã khiến khu mỏ này bị ngập nước và hậu quả đã không được giải quyết triệt để. Hiện tại, nước tiếp tục chảy qua các hầm mỏ và chảy vào lò phản ứng hóa học gần mặt đất.
Quá trình này tạo ra một hỗn hợp có tính axit cao. Hỗn hợp này sau đó chảy trên mặt đất tạo thành những "dòng suối" có màu sáng và xâm nhập vào nguồn nước tại địa phương.
Ông Volegov cho biết: "Axit sunfuric này đốt cháy mọi thứ trong khu vực, cả đất và cây cối, đồng thời phá hủy bề mặt đất và thảm cỏ, khiến cá bị chết."
Một hồ chứa đặc biệt đã được xây dựng để xử lý chất lỏng chảy ra từ khu mỏ này, nhưng người dân địa phương cho rằng biện pháp này không hiệu quả do chất lỏng độc hại này đã gây ô nhiễm nguồn nước địa phương.
Goldman đạt thỏa thuận trả cho Malaysia 3,9 tỉ USD chấm dứt bê bối 1MDB
Tập đoàn tài chính Goldman Sachs (Mỹ) đã đồng ý trả cho Malaysia số tiền 3,9 tỉ USD để đổi lấy việc chính phủ nước này dỡ bỏ toàn bộ các cáo buộc hình sự nhằm vào Goldman Sachs trong vụ biển thủ tiền tại Quỹ đầu tư nhà nước 1MDB.
Hãng tin Bloomberg dẫn nguồn tin giấu tên cho biết, thỏa thuận này bao gồm khoản tiền mặt 2,5 tỉ USD Goldman Sachs trả cho phía Malaysia và 1,4 tỉ USD từ số tài sản mà 1MDB bị phong tỏa với sự giúp đỡ của Bộ Tư pháp Mỹ và Goldman Sachs.
Goldman đạt thỏa thuận trả cho Malaysia 3,9 tỉ USD chấm dứt bê bối 1MDB. |
Thỏa thuận giúp tập đoàn tài chính Mỹ tiến gần hơn đến việc chấm dứt đe dọa pháp lý lớn nhất kể từ giai đoạn đen tối của khủng hoảng tài chính 2018.
Trước đó, Goldman Sachs đóng vai trò ngân hàng bảo lãnh phát hành đối với hoạt động huy động vốn của Quỹ đầu tư Nhà nước 1MDB thông qua phát hành trái phiếu. Vì lý do này, Goldman Sachs đã bị Bộ Tư pháp Mỹ điều tra và một cựu nhân viên của Goldman Sachs đã thừa nhận vai trò trong vụ bê bối.
Khoản nộp phạt 3,9 tỉ USD thấp hơn so với yêu cầu trước đó, khi chính quyền cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad từng đưa ra yêu sách đòi đến 7,5 tỉ USD.
Covid-19: Thế giới gần 16 triệu ca mắc, nhiều nơi diễn biến phức tạp
Trang thống kê toàn cầu Worldometer cập nhật tình hình Covid-19 vào lúc 7h ngày 25/7/2020 (giờ Việt Nam) như sau: Thế giới có 15.929.670 ca mắc Covid-19 và 641.829 trường hợp tử vong do bệnh này.
Bệnh nhân Covid-19 tại Mỹ. (Ảnh: Time) |
Theo số liệu mới của Worldometer, 10 quốc gia đứng đầu thế giới về nhiễm Covid-19 lần lượt là: (1) Mỹ, (2) Brazil, (3) Ấn Độ, (4) Nga, (5) Nam Phi, (6) Peru, (7) Mexico, (8) Chile, (9) Tây Ban Nha, và (10) Anh.
Trong khi đó, danh sách 10 nước có số ca tử vong do Covid-19 cao nhất toàn cầu gồm: (1) Mỹ, (2) Brazil, (3) Anh, (4) Mexico, (5) Italy, (6) Ấn Độ, (7) Pháp, (8) Tây Ban Nha, (9) Peru, và (10) Iran.
Có thể thấy châu Mỹ là địa bàn nóng số 1 thế giới hiện nay về lây nhiễm Covid-19. Châu lục này hiện chiếm tới một nửa số ca mắc Covid-19 toàn cầu. Riêng Mỹ trong một ngày qua đã có thêm tới 77.089 ca mắc Covid-19 và thêm 1.101 ca tử vong do căn bệnh này. Siêu cường Mỹ hiện ghi nhận 4.247.407 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 148.450 trường hợp tử vong do virus này.
Còn tại châu Á, Ấn Độ và Iran là các ổ dịch hàng đầu. Tình hình Covid-19 ở Ấn Độ đặc biệt nguy hiểm và khó lường. Các nỗ lực chặn dịch tỏ ra chưa hiệu quả lắm tại quốc gia Nam Á này. Tình hình Covid-19 tại Nhật Bản cũng đáng báo động khi nước này liên tiếp ghi nhận nhiều ca nhiễm bệnh mới, đặc biệt là ở thủ đô Tokyo. Cho tới này, quốc gia Đông Bắc Á này đã có 27.956 ca mắc Covid-19 (thêm 927 ca mới sau 1 ngày) và 992 trường hợp tử vong do virus SARS-CoV-2.
Ở Đông Nam Á, Indonesia và Philippines tiếp tục là điểm nóng Covid-19 hàng đầu của khu vực. Indonesia hiện có 95.418 bệnh nhân Covid-19 (tăng 1.761 ca sau 1 ngày) và 4.665 ca tử vong do bệnh này (tăng 89 trường hợp sau 1 ngày).
Việt Nam cũng vừa xuất hiện ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng sau 99 ngày. Hiện bệnh nhân hiện được điều trị tại bệnh viện Đà Nẵng.
Quang Huy