Thứ bảy, 21/12/2024 21:57 (GMT+7)
Chủ nhật, 07/02/2021 06:30 (GMT+7)

Thế giới đã làm gì trong 'cuộc chiến' bảo vệ môi trường?

Theo dõi KTMT trên

2020 đã được kỳ vọng là năm thế giới sẽ có những hành động mạnh mẽ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, thế nhưng đại dịch Covid-19 xuất hiện đã khiến tất cả chỉ dừng lại ở hai từ "lẽ ra".

Hãy hành động trước khi quá muộn

Theo Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc, năm 2020 là năm dành cho sự cấp thiết, tham vọng và hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng mà con người phải đối mặt với thiên nhiên, là cơ hội để kết hợp đầy đủ hơn các giải pháp dựa trên thiên với nhiên vào hành động khí hậu toàn cầu.

Năm 2020 cũng là một năm quan trọng đối với các quốc gia cam kết bảo tồn và khôi phục đa dạng sinh học, với việc Trung Quốc tổ chức cuộc họp lần thứ 15 của Hội nghị các bên (COP15) cho Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học ở Côn Minh, tạo cơ hội để năm tiếp theo bắt đầu thập kỷ phục hồi hệ sinh thái của Liên hợp quốc (2021-2030), nhằm tăng cường đồng loạt việc phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái và phá hủy để chống khủng hoảng khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, cung cấp nước và đa dạng sinh học.

Thế giới đã làm gì trong 'cuộc chiến' bảo vệ môi trường? - Ảnh 1
(Ảnh minh họa)

Bởi vậy, ngày Môi trường thế giới năm 2020, Liên hợp quốc đã lấy chủ để “Hành động vì thiên nhiên”, nhằm kêu gọi thế giới hành động khẩn cấp để bảo vệ sự đa dạng sinh học, vì đa dạng sinh học cung cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu hỗ trợ sự sống trên Trái Đất và sự phát triển của loài người.

Những năm qua, hàng triệu loài động thực vật đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do những tác động của con người. Con người hiện tại cần suy nghĩ lại về những tác động của phát triển kinh tế với những vấn đề môi trường. Giải quyết vấn đề môi trường cũng cấp thiết như đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng khí hậu. Ngày Môi trường thế giới năm 2020 diễn ra trong bối cảnh nhiều quốc gia đang tiến hành cách ly xã hội, nhiều người đang phải làm việc ở nhà.

Đại dịch Covid-19 nhắc nhở rằng sức khỏe của con người có liên quan đến sức khỏe của Trái Đất. Virus corona là hợp tử, có nghĩa là chúng lây truyền giữa động vật và con người, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những loại virus tương tự đang có xu hướng gia tăng. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, 60% các bệnh truyền nhiễm được biết đến ở người có nguồn gốc từ động vật (zoonotic), trong đó 75% trong số đó là những bệnh truyền nhiễm khẩn cấp.

Các nhà khoa học dự đoán rằng, nếu chúng ta không thay đổi hành vi để bảo vệ môi trường sống của các loài động vật hoang dã, trong tương lai con người sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ bùng phát các loại virus mới. Do vậy, để ngăn chặn sự gia tăng của các đại dịch mới, chúng ta cần có những biện pháp bảo vệ hệ sinh thái và động vật hoang dã, bằng cách ngăn chặn việc mất môi trường sống, buôn bán bất hợp pháp, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

Ngày Môi trường thế giới năm 2020, Liên hiệp quốc kêu gọi mọi người dân trên toàn cầu, yêu cầu Chính phủ các nước thực hiện cam kết bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, chấm dứt ô nhiễm và thực hiện nghiêm các quy định của Luật môi trường. Các công ty, các nhà sản xuất cần phát triển chuỗi cung ứng bền vững, sản xuất không gây hại cho môi trường. Người dân và các tổ chức xã hội thực hiện các hoạt động bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái tự nhiên đang bị suy thoái. Người tiêu dùng nên suy nghĩ lại về cách thức tiêu thụ và thải bỏ đồ dùng, sản phẩm,... Cùng nhau hành động, chúng ta sẽ tạo ra sức mạnh không chỉ để duy trì sự sống mà còn sống hòa thuận với thiên nhiên.

Trước sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19, ngày 24/2/2020, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành một lệnh cấm toàn diện việc mua bán, tiêu thụ động vật hoang dã nhằm xóa bỏ thói quen xấu tiêu thụ động vật hoang dã quá mức, đồng thời bảo vệ cuộc sống và sức khỏe của người dân một cách hiệu quả.

Còn tại Việt Nam, cũng trong năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã, trong đó yêu cầu dừng nhập khẩu động vật hoang dã cho đến khi có chỉ đạo mới và kiên quyết.

Tháng 5/2020, hơn 217 chuyên gia tại 42 quốc gia trên thế giới đã kêu gọi chính phủ các nước phải thực hiện các biện pháp mạnh tay hơn như đóng cửa các chợ buôn bán động vật hoang dã, tăng cường nỗ lực giảm cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm có nguồn gốc từ các loài động vật hoang dã để giảm thiểu nguy cơ bùng phát một đại dịch tương tự trong tương lai.

Những hành động mà thế giới cần vẫn chưa xuất hiện

Năm 2020 "lẽ ra" phải là một cơ hội hồi sinh phần nào cho khí hậu, nhưng dịch Covid-19 đã làm chậm lại các nỗ lực đổi mới kế hoạch quốc gia về khí hậu.

Biến đổi khí hậu vẫn tiếp tục hoành hành dữ dội, năm 2020 cùng với năm 2016 được xác định là hai năm có thời tiết nóng nhất trong lịch sử, khép lại một thập kỷ với nhiệt độ cao kỷ lục do tác động của biến đổi khí hậu và hiện tượng Trái Đất ấm lên.

Thế giới đã làm gì trong 'cuộc chiến' bảo vệ môi trường? - Ảnh 2
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng đến bảo tồn đa dạng sinh học trên thế giới. (Ảnh minh họa)

Như vậy, tròn 5 năm trước, hơn 190 quốc gia đã thông qua Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, mở đường để thế giới tiến tới một tương lai xanh hơn. Tuy nhiên, 5 năm sau khi Thỏa thuận Paris được ký kết, hàng loạt các cảnh báo cấp bách về thiên tai khí hậu vẫn đang được đưa ra, các chính phủ vẫn dè dặt trong chính sách về khí hậu.

Thậm chí theo báo cáo "United in Science 2020" do Tổ chức Khí tượng Thế giới công bố, nồng độ khí nhà kính vẫn đang ở mức cao kỷ lục và đang trên đà tiếp tục tăng.

Báo cáo cho biết: Lượng khí thải CO2 toàn cầu đã giảm 17% vào đầu tháng 4 do nhiều chính phủ áp đặt lệnh giãn cách xã hội và hạn chế đi lại vì COVID-19. Mức giảm này là "chưa từng có". Tuy đã giảm, lượng CO2 thải ra trong tháng 4 vẫn ở mức cao, tương đương với lượng khí thải của năm 2006. Và đến đầu tháng 6, khi các lệnh hạn chế được nới lỏng, lượng phát thải CO2 hàng ngày trên toàn cầu đã phục hồi bằng với mức phát thải trong cùng kỳ năm 2019.

"Thế giới của chúng ta vẫn đi chệch hướng - còn rất xa - để đáp ứng mục tiêu của Thỏa thuận Paris nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu thêm 1,5 độ C. Nếu mọi thứ vẫn như cũ, nhiệt độ sẽ tăng 3 đến 5 độ so với mức thời kì tiền công nghiệp"- ông Antonio Guterres, Tổng thư ký Liên hợp quốc nói trong một cuộc họp báo.

Hội nghị các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), dự định diễn ra tháng 11/2020 tại Glasgow (Anh), được kỳ vọng là cơ hội để đạt bước đột phá sau COP 25 năm ngoái bị đánh giá là đáng thất vọng. COP26, cũng như năm 2020, trong suốt nửa thập niên qua đã được kỳ vọng sẽ trở thành một sự kiện bản lề, một thời khắc bước ngoặt đối với phong trào chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Thế nhưng, sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2 và đại dịch Covid-19 đã khiến Liên hợp quốc phải thông báo dời ngày tổ chức COP 26 sang tháng 11/2021. Tuy nhiên, dù COP 26 không thể diễn ra như đã định, song một hội nghị khác do Liên hợp quốc cùng Anh và Pháp đồng bảo trợ đã được tổ chức trực tuyến ngày 12/12, đúng 5 năm ngày ký Hiệp định Paris (12/12/2015)... Nhiều nền kinh tế đã sử dụng diễn đàn này để công bố những cam kết khí hậu mạnh mẽ.

Liên minh châu Âu (EU) đưa ra mục tiêu tới năm 2030 cắt giảm 55% lượng khí thải, tăng so với mức 40% trước đây, Vương quốc Anh thông báo vào năm 2030 sẽ cắt giảm 68% khí thải so với mức năm 1990, Trung Quốc cam kết cắt giảm 25% và đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060.

Ít nhất 15 nước đưa ra NDC mạnh mẽ hơn. Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cũng tuyên bố "tình trạng khẩn cấp về khí hậu" để thúc đẩy các hành động quyết liệt trong nước.

Song câu chuyện về chống biến đổi khí hậu luôn là một bức tranh sáng tối đan cài. Brazil và Nga đưa ra NDC mới nhưng không đặt mục tiêu cắt giảm khí thải cao hơn, Indonesia và Australia tuyên bố sẽ không tăng mức cắt giảm, trong khi một số nước phát thải lớn, như Ấn Độ, cam kết đưa ra mục tiêu cao hơn nhưng chưa thực hiện. Nhà hoạt động khí hậu người Thụy Điển Greta Thunberg đã thẳng thắn bày tỏ: “Những hành động mà thế giới cần vẫn chưa xuất hiện”.

Bộ trưởng Doanh nghiệp Anh, đồng thời là Chủ tịch COP 26, Alok Sharma cũng thừa nhận: “Liệu chúng ta đã làm đủ để giữ thế giới không vượt quá mức tăng nhiệt 1,5 độ C chưa, để bảo vệ con người và thiên nhiên khỏi tác động của biến đổi khí hậu? Nếu chúng ta phải thành thật với bản thân, câu trả lời hiện nay là ‘Chưa’"?

“Chưa đủ” dường như là cụm từ luôn đồng hành với câu chuyện chống biến đổi khí hậu. Luôn tồn tại độ vênh giữa kỳ vọng của giới vận động cùng cảnh báo của giới khoa học với thực tế hành động của các chính phủ, đồng thời việc thu hẹp khoảng cách này chưa bao giờ đủ nhanh và dứt khoát như mong muốn.

Với những gì đã xảy ra, 2020 là năm thế giới thực sự cần nhìn nhận những cảnh báo khoa học với một thái độ thật sự nghiêm túc.

Theo báo cáo được Cơ quan Theo dõi biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu (EU - C3S) công bố ngày 8/1/2021, xu hướng nền nhiệt toàn cầu không ngừng tăng lên khi thế giới ghi nhận 6 năm qua là những năm nóng nhất trong lịch sử. Riêng trong năm 2020, nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 1,25 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Thế giới đã làm gì trong 'cuộc chiến' bảo vệ môi trường?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới