Thế giới cần 5.000 tỉ USD mỗi năm để chống biến đổi khí hậu
Các nhà khoa học cho rằng, thế giới cần 5.000 tỉ USD/năm vào năm 2030 để tài trợ cho các biện pháp chống biến đổi khí hậu. Đồng thời cảnh báo sự chuyển đổi giữa các nền kinh tế là quá chậm để đáp ứng các mục tiêu khí hậu quốc tế.
Theo nghiên cứu, từ hoạt động giao thông vận tải đến nông nghiệp và sản xuất điện, tất cả các lĩnh vực đang bị tụt hậu trong việc giảm lượng khí thải đốt nóng hành tinh với tốc độ cần thiết để hạn chế sự nóng lên toàn cầu xuống 1,5 độ C, và tránh những tác động tiêu cực nhất của tình trạng này.
Không có chỉ số nào trong số 40 chỉ số được đánh giá phù hợp với mục tiêu đặt ra trong Thỏa thuận Paris năm 2015 là kiềm chế mức tăng nhiệt độ trung bình xuống dưới 2 độ C và nhiệt độ lý tưởng là 1,5 độ C, so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Tuy nhiên, nghiên cứu đã ghi nhận một số điểm sáng, 3 việc áp dụng rộng rãi hơn năng lượng gió và mặt trời, và nhiều xe điện hơn trên đường.
Sophie Boehm, một trong các tác giả, cho biết: “Mặc dù có một số dấu hiệu tiến bộ đáng khích lệ trong một số lĩnh vực, nhưng các nỗ lực giảm thiểu khí thải toàn cầu nói chung vẫn đang bị trì trệ một cách đáng tiếc”.
Boehm, từ Viện Tài nguyên Thế giới, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ thực hiện nghiên cứu cho biết, những phát hiện này sẽ cung cấp một "cái nhìn rõ ràng" về nỗ lực cần thiết khi các Chính phủ tiến tới Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26).
Hai báo cáo của Liên Hợp Quốc trong tuần này đã cảnh báo rằng thế giới đang "đi chệch hướng" để giới hạn nhiệt độ tăng, với các cam kết quốc gia hiện tại được đặt ra là sẽ khiến nhiệt độ trung bình tăng 2,7 độ C trong thế kỉ này.
Hội nghị COP26 được coi là cơ hội lớn cuối cùng để kích thích nỗ lực tập thể cần thiết để hạn chế sự nóng lên toàn cầu xuống 1,5 độ C, với các nhà khoa học kêu gọi cắt giảm gần một nửa lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 để đạt được điều đó.
Việc giới hạn 1,5C sẽ không ngăn được thời tiết khắc nghiệt tiếp tục xấu đi hay mực nước biển dâng cao, nhưng nó được coi là yếu tố quan trọng để ngăn chặn các tác động nghiêm trọng đối với con người và hệ sinh thái, bao gồm nạn đói lan rộng và di cư cưỡng bức.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng kêu gọi tăng cường đầu tư đáng kể để chống lại biến đổi khí hậu, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển.
Ước tính, thế giới cần tăng cường đầu tư gấp 8 lần để đáp ứng được nhu cầu cần thiết hàng năm lên đến 5.000 tỉ USD cho hành động khí hậu vào năm 2030, hoặc mức tăng trung bình là 436 tỉ USD/năm trong thập kỉ này.
Theo một đánh giá hàng năm do các nhà phân tích thuộc tổ chức Sáng kiến chính sách khí hậu (CPI) công bố trong tháng này, thế giới đã chi trung bình 632 tỉ USD cho các chính sách khí hậu vào năm 2019 và 2020, tăng 10% so với năm 2017-2018. Tuy nhiên, tỉ lệ tăng này đã chậm lại so với những năm trước đó.
Lan Anh (T/h)