Các quốc gia dễ bị tổn thương 'sốt sắng' nhất với hành động khí hậu
Theo Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), các quốc gia dễ bị tổn thương đang đẩy mạnh triển khai các hành động khí hậu, trong bối cảnh phản ứng chậm chạp từ một số nước phát thải khí carbon dioxide nhiều nhất thế giới.
Trong một phân tích mới được công bố trước thềm Hội nghị về khí hậu COP26, UNDP cho biết 93% các nước kém phát triển nhất (LDCs) và các Quốc đảo nhỏ đang phát triển (SIDS) đã đệ trình các kế hoạch khí hậu quốc gia nâng cao (NDC) hoặc có kế hoạch hành động về khí hậu.
Mặt khác, một số quốc gia trong khối G20 gồm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu đã “cố gắng tuân thủ các nguyên tắc cốt lõi của Thỏa thuận Paris để củng cố tham vọng về khí hậu của họ". Được biết, khối G20 chịu trách nhiệm cho hơn 3/4 lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu.
Theo đó, ba thành viên khối G20 đã đệ trình các cam kết mới chỉ trong vài ngày qua, bỏ lỡ thời hạn cuối cùng là ngày 12/10 để đưa vào phân tích của Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC).
Về kế hoạch giảm phát thải, 86% LDCs và SIDS có ý định nâng tham vọng giảm phát thải, tăng từ 40% vào năm 2019. Cơ quan này cũng lưu ý rằng, nhóm 78 quốc gia này chỉ chịu trách nhiệm cho 7% lượng khí thải toàn cầu.
Đối với Quản trị viên UNDP, Achim Steiner, những số liệu này chứng minh rằng nhiều quốc gia đang phát triển trên thế giới đang dẫn đầu cho các hành động khí hậu mang tính quyết định.
“COP26 phải là thời điểm mà tất cả các quốc gia đứng trước thách thức của biến đổi khí hậu, đặc biệt là các quốc gia phát thải cao. Khi cửa sổ hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C thu hẹp, đây là con đường duy nhất của chúng tôi để đảm bảo tương lai của con người và hành tinh”, Achim Steiner nhấn mạnh.
Ngoài ra, báo cáo cũng nêu bật một số tin tức đáng khích lệ.
Trong đó, với cơ chế của hoạt động của Thỏa thuận Paris, hầu hết các quốc gia tuân theo yêu cầu chính là sửa đổi và đệ trình các NDC ngày càng tham vọng, cứ 5 năm một lần.
Tổng cộng, 178 quốc gia đại diện cho 79,3% lượng khí thải toàn cầu, có kế hoạch đệ trình NDC nâng cao. Năm 2019, chỉ có 75 quốc gia làm như vậy. Trong nhóm này, 160 quốc gia đã tăng cường các mục tiêu của họ.
UNDP cũng ghi nhận sự gia tăng kể từ năm 2019 về số lượng quốc gia chuẩn bị và đệ trình các chiến lược dài hạn để đạt được mức phát thải ròng bằng không vào giữa thế kỉ này.
Chẳng hạn, Ả Rập Xê Út đã công bố mục tiêu ròng vào năm 2060 bằng 0 vào đầu tuần này. Trong khi đó, Úc và Trung Quốc đã xác nhận mục tiêu ròng bằng không lần lượt cho năm 2050 và trước năm 2060.
Lan Anh (T/h)