Thành phố Sóc Trăng đạt chuẩn đô thị loại II: Hướng đến đô thị thông minh
Tỉnh Sóc Trăng xây dựng và phát triển thành phố Sóc Trăng đạt đô thị loại 2 và đang xây dựng những yếu tố nền tảng cơ bản để phát triển đô thị thông minh, thành phố kinh tế-sinh thái, đô thị có điều kiện sống tốt, có sức cạnh tranh cao.
Trung tâm kinh tế của tiểu vùng ven biển Đông
Theo Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 vừa được phê duyệt, thành phố Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) được xác định có vai trò là trung tâm kinh tế của tiểu vùng ven biển Đông. Ngoài ra, thành phố này là trung tâm nuôi trồng, đánh bắt và xuất khẩu thủy, hải sản, trung tâm công nghiệp chế biến nông-hải sản, công nghiệp năng lượng sạch và trung tâm du lịch văn hóa lịch sử.
Ngày 17/3, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng Lâm Hoàng Nghiệp cho biết, Hội đồng thẩm định Đề án đề nghị công nhận TP Sóc Trăng là đô thị loại II (Bộ Xây dựng) đã chấm điểm số trung bình 88,72, công nhận TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng đạt chuẩn đô thị loại II.
Mới đây, đánh giá về đô thị Sóc Trăng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, thành phố Sóc Trăng đã đạt tiêu chí đô thị loại 2, trực thuộc tỉnh. Trong thời gian tới, thành phố chú trọng thực hiện các giải pháp ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và hiện tượng xâm nhập mặn trên địa bàn, nghiên cứu các giải pháp tăng cường sử dụng nước mặt, hạn chế và tiến tới dừng khai thác, sử dụng nước ngầm.
Theo tìm hiểu của phóng viên, vào năm 2005, TP Sóc Trăng được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại III. Đến nay, quy hoạch phân khu của thành phố Sóc Trăng đã đạt 89,37%. Đây là cơ sở để tỉnh Sóc Trăng lập quy hoạch chi tiết triển khai các dự án đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm cho TP Sóc Trăng phát triển đúng hướng đô thị loại II và là nền tảng cơ bản để thành phố trở thành 1 trong 6 đô thị loại I của đồng bằng sông Cửu Long.
Đến năm 2020, TP Sóc Trăng có tổng diện tích khoảng 7.599 ha, gồm 10 phường, quy mô dân số toàn đô thị đạt 203.056 người, tỷ lệ tăng dân số đạt 1,85% và mật độ dân số toàn đô thị là 2.672 người/km2. Trong giai đoạn 2018-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của thành phố đạt 15,81%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông-lâm-thủy sản theo mục tiêu đề ra. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt 89,8%.
Tổng thu ngân sách trên địạ bàn thành phố năm 2020 hơn 933 tỷ đồng, tổng chi ngân sách gần 728 tỷ đồng; cân đối thu chi ngân sách dư. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của thành phố đạt 88,9 triệu đồng/người, cao hơn 1,4 lần so thu nhập bình quân cả nước; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 0,15%. Hiện nay, TP Sóc Trăng có tỷ lệ đất dân dụng bình quân đạt 64,4m2/người; diện tích sàn nhà ở bình quân cho khu vực nội thị đạt 26,67m2 sàn/người; tỷ lệ nhà kiên cố, bán kiên cố khoảng 97,4%.
Hướng tới đô thị thông minh
Nhiều chuyên gia đánh giá, việc công nhận thành phố Sóc Trăng đạt tiêu chí đô thị loại II là hết sức cần thiết, phù hợp với kế hoạch phân loại đô thị Quốc gia, Chương trình phát triển đô thị của tỉnh, đồng thời tạo điều kiện để thành phố Sóc Trăng nâng cao vai trò, vị thế phát triển bền vững trong tương lai. Điều này cũn là cơ sở để thành phố lập Quy hoạch chi tiết triển khai các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm cho thành phố Sóc Trăng phát triển đúng hướng đô thị loại II và là nền tảng cơ bản để thành phố trở thành 1 trong 6 đô thị loại I của Đồng bằng Sông Cửu Long.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, Tiến sĩ Trần Khắc Tâm, đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Tôi được biết, việc xây dựng thành phố Sóc Trăng được tỉnh thực hiện với tầm nhìn dài hạn. Nhiều năm qua, tỉnh đã sử dụng hiệu quả các nguồn lực, lợi thế, tiềm năng của mình để phát triển kinh tế. Khi xác định tầm quan trọng mang tính chiến lược đối với việc phát triển thành phố Sóc Trăng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng nhiệm kỳ 2020-2025 đã có Nghị quyết chuyên đề về xây dựng thành phố Sóc Trăng phát triển bền vững, đạt tiêu chí đô thị loại 2, hướng đến đô thị thông minh, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.
Theo Tiến sĩ Trần Khắc Tâm, tỉnh Sóc Trăng nói chung, thành phố Sóc Trăng hiện đang "thay da đổi thịt" từng ngày. Mặc dù thời điểm qua dịch bệnh phức tạp nhưng nhiều dự án hạ tầng cơ sở quan trọng được phát triển góp phần thúc đẩy kinh tế. Các dự án điện gió lớn, các khu, cụm công nghiệp được xây dựng. Điều này cho thấy Sóc Trăng đã và đang là địa phương có niềm tin lớn từ các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.
“Việc phát triển đô thị thông minh là điều vô cùng cần thiết không chỉ với thành phố Sóc Trăng mà tất cả các thành phố trên cả nước hướng đến. Hiện nay, tại TP Sóc Trăng có dự án tuyến đường Vành đai 1, dự án đường Trần Quang Khải nối dài, Nhà thi đấu tổng hợp, Khu vui chơi triển lãm và Hội chợ tỉnh, mở rộng kè đi bộ giữa 2 cầu C247, cầu 30/4, cầu Khu Hành chính, cầu chữ Y đến đường Hùng Vương, cầu Mạc Đĩnh Chi; cải tạo, nâng cấp đường Trần Hưng Đạo hướng đến Trà Tim. Đồng thời, hình thành Trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý đô thị tại thành phố Sóc Trăng, kết nối đồng bộ hệ thống camera để quản lý, xử lý các vấn đề về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, trật tự an toàn xã hội, phản ánh hiện trường (IOC),… tiến tới kết nối đồng bộ Trung tâm xử lý, điều hành thông tin tập trung, đa nhiệm vụ Sóc Trăng. Đây đều là những nền tảng, tiền đề tốt cho việc phát triển thành phố thông minh mà TP Sóc Trăng đang hướng đến”, Tiến sĩ Trần Khắc Tâm nói.
Cũng theo Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng Trần Khắc Tâm, Sóc Trăng đang có các lợi thế lớn khi các công trình, dự án trọng điểm như Cảng biển nước sâu Trần Đề, cầu Đại Ngãi, các tuyến cao tốc đi qua Sóc Trăng, đường trục Đông - Tây, khu kinh tế biển…đang được gấp rút triển khai. Ngoài ra, tỉnh còn có trên 60 km đường bờ biển với 23 vị trí điện gió. Trong tương lai, Sóc Trăng sẽ trở thành trung tâm sản xuất năng lượng sạch ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Tiến sĩ Trần Khắc Tâm chia sẻ: “Tỉnh Sóc Trăng rất chủ động trong việc phát triển cơ sở hạ tầng để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Mới đây, vào đầu năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu đã gửi kiến nghị đến Bộ GTVT về việc đầu tư dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn đi qua tỉnh này. UBND tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Bộ GTVT chấp thuận giao UBND tỉnh làm chủ đầu tư dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua địa bàn tỉnh dài hơn 56 km. Điều này cho thấy sự quyết tâm của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cũng như lãnh đạo UBND tỉnh”.
Văn Chương