Thành phố ô nhiễm nhất thế giới năm 2020 thuộc về quốc gia nào?
Báo cáo thường niên mới nhất của công ty theo dõi chất lượng không khí IQAir cho thấy 100 thành phố ô nhiễm nhất thế giới năm 2020 đều nằm ở châu Á. Việt Nam không có thành phố nào nằm trong danh sách này.
100 thành phố ô nhiễm nhất thế giới
Theo Yahoonews, Ấn Độ có nhiều thành phố ô nhiễm nhất trong danh sách nói trên với 46 thành phố. Trung Quốc có 42 thành phố, còn Pakistan có 6, Bangladesh có 4, Indonesia có 1 và Thái Lan có 1.
Trong số 10 thành phố ô nhiễm nhất, Ấn Độ có tới 9 thành phố, gồm: Ghaziabad, Bulandshahr, Bisrakh Jalalpur, Bhiwadi, Noida, Greater Noida, Kanpur, Locknow và Delhi - khu vực có thủ đô.
Thành phố ô nhiễm nhất thế giới là Hòa Điền ở Tân Cương, tây nam Trung Quốc. Trong 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, Hòa Điền là thành phố duy nhất ghi nhận các mức chất lượng không khí nguy hiểm, xảy ra vào tháng 3/2020.
Thành phố ô nhiễm nhất Indonesia là Nam Tangerang ở tỉnh Banten. Thành phố ô nhiễm nhất Thái Lan là Pai, nằm ở tỉnh Mae Hong Soon.
IQAir xác định chất lượng không khí trung bình của từng thành phố theo các nồng độ bụi mịn PM2.5, chất ô nhiễm có hại nhất với con người. Tháng 9/2021, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo nồng độ PM2.5 toàn cầu cần được giảm một nửa từ 10 xuống 5 microgram/mét khối.
IQAir sử dụng Chỉ số Chất lượng Không khí Mỹ AQI để hình dung nồng độ PM2.5 vượt quá con số 10 microgram/mét khối của WHO năm 2020. Theo chỉ số này, bị phơi nhiễm bụi mịn từ 35,5-55,4 microgram/mét khối là không tốt cho sức khỏe của nhóm người nhạy cảm, phơi nhiễm ít nhất 250,5 microgram/mét khối bị coi là nguy hiểm.
Theo đó, Hòa Điền có nồng độ PM2.5 trung bình là 110,2 microgram/mét khối, bị xếp vào nhóm có hại cho sức khỏe. Thành phố Đức Châu của Trung Quốc (đứng thứ 100 danh sách) có nồng độ bụi mịn trung bình là 50,1 microgram/mét khối.
Hàng triệu người chết hàng năm vì ô nhiễm không khí. Chỉ năm 2012, WHO cho biết có 7 triệu người tử vong vì ô nhiễm không khí.
Trước đó, ngày 17/11, IQAir đã xếp Lahore của Pakistan là thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới. Ô nhiễm không khí trở nên tồi tệ tại Pakistan trong những năm gần đây, khi hỗn hợp khói dầu diesel chất lượng thấp, khói rơm rạ bị đốt và nhiệt độ mùa Đông lạnh giá kết hợp lại thành những đám khói mù tù đọng.
Lahore là thành phố lớn đông đúc với hơn 11 triệu dân tại tỉnh Punjab gần biên giới với Ấn Độ và luôn bị xếp vào nhóm những thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới.
Trong những năm gần đây, người dân đã lắp những thiết bị lọc không khí riêng và kiện chính quyền không có biện pháp hiệu quả làm sạch không khí.
Giải pháp giảm ô nhiễm môi trường tại các thành phố lớn ở Việt Nam
Với tình hình gia tăng ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Bộ TN&MT đã có văn bản đề nghị các TP tăng cường triển khai các giải pháp, trong đó tập trung thống kê, đánh giá hiện trạng ô nhiễm không khí; tăng cường quan trắc, công bố, cảnh báo thông tin tới người dân.
Ngoài ra, Bộ TN&MT cũng đã có các văn bản đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương yêu cầu tiếp tục tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để điểm nóng về ô nhiễm bụi; chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho UBND cấp huyện, cấp xã tuyên truyền, vận động người dân không đốt rác, rơm rạ sau thu hoạch.
Cùng với đó, các bộ, ngành liên quan như: Bộ Giao thông Vận tải cũng đã tham mưu và tổ chức thực hiện một số chương trình, đề án như: Đề án “Kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, TP”; tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ôtô tham gia giao thông và xe ôtô đã qua sử dụng nhập khẩu… Đặc biệt, Bộ TN&MT đề xuất xây dựng và sớm đưa nội dung giáo dục về bảo vệ môi trường, nhất là bảo vệ môi trường không khí vào chương trình đào tạo tại các cấp học.
Đối với UBND các TP, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Bộ TN&MT đề xuất, các địa phương cần ưu tiên bố trí ngay nguồn lực lắp đặt bổ sung các trạm quan trắc môi trường; tiến hành quan trắc thường xuyên, liên tục, định kỳ, tăng tần suất trong các thời điểm giao mùa để cung cấp các nguồn dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường không khí chính thống cho cộng đồng xã hội thông qua các phương tiện truyền thông…
Bên cạnh đó, cần tổ chức các biện pháp kiểm soát, điều tiết các phương tiện giao thông hợp lý, thực hiện thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới lạc hậu, cũ nát không đủ tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường, phát triển hệ thống giao thông công cộng và khuyến khích người dân giảm phương tiện cá nhân, khí thải phát sinh từ các hoạt động xây dựng và phát triển đô thị để giảm thiểu khí thải, bụi phát tán.
Các địa phương cũng cần thống kê, đánh giá nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường tại các điểm nóng xảy ra ô nhiễm không khí, từ các cơ sở công nghiệp; tập trung hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra các chủ dự án, đơn vị quản lý, thi công các công trình xây dựng, các cơ sở sản xuất có lò đốt, ống khói xả thải trên địa bàn thành phố thực hiện đúng quy định.
Ngoài ra, phía Bộ TN&MT cũng khuyến nghị các địa phương cần triển khai kế hoạch tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các hộ gia đình, hộ kinh doanh nhỏ không sử dụng than và bếp than tổ ong trong sinh hoạt, tiến tới kiên quyết cấm sử dụng toàn bộ than tổ ong làm nguyên liệu đốt từ năm 2021.
Nguyễn Linh (T/h)