Thứ sáu, 26/04/2024 15:48 (GMT+7)
Thứ tư, 17/11/2021 15:00 (GMT+7)

Chỉ số chất lượng không khí Hà Nội ở mức xấu

Theo dõi KTMT trên

Hà Nội tiếp tục chìm trong bầu không khí đặc quánh của sương mù và bụi bẩn. Lúc 7h sáng nay (17/11), Airvisual thể hiện chỉ số AQI trung bình tại Hà Nội là 120 đơn vị, ngưỡng có hại cho sức khỏe con người.

Sáng 17/11, Hà Nội tiếp tục chìm trong bầu không khí đặc quánh của sương mù và bụi bẩn. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp của đợt ô nhiễm không khí này. Thời tiết ấm lên, các chất ô nhiễm không thể khuếch tán khiến chất lượng không khí tại thủ đô tiếp tục suy giảm.

Lúc 7h, Airvisual thể hiện chỉ số AQI trung bình tại Hà Nội là 120 đơn vị, ngưỡng có hại cho sức khỏe con người. Trong khi đó, kết quả quan trắc của PamAir cho thấy tất cả khu vực nội thành đang có chất lượng không khí báo động. Chỉ số AQI dao động 170-250 đơn vị, ngưỡng rất xấu.

Khu vực có mật độ chất ô nhiễm cao là các quận Cầu Giấy và Hai Bà Trưng, chỉ số AQI trên 250 đơn vị. Điểm quan trắc tại Vân Côn (Hoài Đức) được cảnh báo mức độ ô nhiễm ở ngưỡng nguy hại với hơn 363 đơn vị.

Chỉ số chất lượng không khí Hà Nội ở mức xấu - Ảnh 1
Chỉ số AQI quan trắc được tại các khu vực ở Hà Nội lúc 6h30 sáng 17/11. (Ảnh: PamAir)

Trao đổi với Zing, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, lý giải tình trạng ô nhiễm không khí liên tục tái diễn tại Hà Nội những ngày qua do không khí lạnh đã suy yếu, trong khi mật độ các chất gây ô nhiễm từ hoạt động giao thông và công trình xây dựng không giảm. Do đó, các chất ô nhiễm không thể khuếch tán lên cao.

Đồng thời, độ ẩm cùng nền nhiệt ở Hà Nội tăng cao khiến trạng thái sương mù xuất hiện, khiến mức độ ô nhiễm không khí nặng nề hơn, bầu không khí đặc quánh. Những ngày tới, khi không khí lạnh tràn về, trời sẽ quang trở lại, bụi bẩn được khuếch tán và từ đó, ô nhiễm không khí sẽ giảm.

Theo chuyên gia, tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội tái diễn nhiều năm nay và thường gia tăng tần suất, mức độ ô nhiễm vào thời kỳ thu đông. Thông thường, “mùa ô nhiễm” của Hà Nội bắt đầu từ khoảng tháng 9 nhưng đến năm nay bắt đầu muộn hơn. Nguyên nhân là những tháng trước đó, việc giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 khiến hoạt động giao thông và xây dựng giảm đáng kể.

Những ngày gần đây, khi các hoạt động phát thải gia tăng trở lại, cộng với điều kiện thời tiết bất lợi khiến người dân nhìn rõ ô nhiễm không khí bằng mắt thường. Ông Tùng nhấn mạnh thời tiết không phải nguyên nhân, mà chỉ là một trong những tác nhân khiến tình trạng ô nhiễm không khí gia tăng.

“Nguyên nhân chính vẫn đến từ các hoạt động phát thải của con người. Nếu không có giải pháp lâu dài để giảm thiểu các chất phát thải ra ngoài môi trường thì chỉ còn cách 'nhờ trời' giúp giảm ô nhiễm”, ông Tùng nói.

Cũng trao đổi với Hannoimoi về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế nguồn phát sinh chất gây ô nhiễm không khí. Điển hình, thành phố đã xóa được hơn 98% số lượng bếp than tổ ong, giảm 80% lượng đốt rơm rạ ở ngoại thành, xóa bỏ hàng trăm lò gạch thủ công; thu gom, vận chuyển rác thải hằng ngày đạt 99-100% ở tất cả khu vực trên địa bàn Thủ đô.

Thành phố vừa mới triển khai chương trình đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng không khí.

Ngoài ra, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý cơ sở sản xuất, công trình xây dựng gây bụi bẩn; yêu cầu các đơn vị vệ sinh môi trường tăng cường tưới nước rửa đường, thu gom rác thải... nhằm hạn chế phát sinh ô nhiễm.

“Để cải thiện chất lượng môi trường không khí, chỉ riêng thành phố Hà Nội không thể làm được mà cần sự chung sức từ các bộ, ngành và địa phương khác trong triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp hạn chế phát sinh nguồn gây ô nhiễm ra môi trường”, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Mai Trọng Thái nhấn mạnh.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Hà Nội và khu vực Bắc Bộ duy trì thời tiết tạnh ráo đến hết ngày 21/11. Cuối tuần này, miền Bắc khả năng đón đợt không khí lạnh tăng cường gây mưa dông và giảm nhiệt. Hình thái này có thể giúp chất lượng không khí được cải thiện.

Hà Lan (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Chỉ số chất lượng không khí Hà Nội ở mức xấu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới