Hướng giải quyết mới của WHO về chất lượng không khí
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa đưa ra hướng dẫn mới về chất lượng không khí nhằm giảm thiểu số người tử vong do ô nhiễm không khí.
Mức độ ảnh hưởng của ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng đến sức khỏe con người. Sau 16 năm kể từ 2005, WHO đã đưa ra bằng chứng về thiệt hại do ô nhiễm không khí gây ra với các bệnh về tim mạch và đường hô hấp.
WHO cho rằng, con người sống trong điều kiện ô nhiễm không khí, thậm chí dưới mức khuyến nghị cũng có thể mắc bệnh ung thư phổi, đột quỵ. Ước tính có khoảng 7 triệu người tử vong với lý do trên. Có thể thấy nguy cơ bệnh tật do ô nhiễm không khí được đánh giá ngang bằng với những rủi ro sức khỏe toàn cầu lớn khác.
WHO khuyến nghị 194 nước thành viên giảm tối đa nồng độ những chất gây ô nhiễm không khí với 6 chất chính, trong đó có bụi mịn và NO2 (nitơ dioxide), hai hợp chất sinh ra từ quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch.
Theo hướng dẫn mới, WHO đã giảm mức giới hạn nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình hằng năm được khuyến nghị từ 10 mcg/m3 xuống 5 mcg/m3. WHO cũng giảm mức giới hạn nồng độ bụi mịn PM10 được khuyến nghị từ 20 mcg/m3 xuống 15 mcg/m3.
WHO cho rằng, nếu mức độ ô nhiễm không khí hiện tại giảm xuống mức được đưa ra trong hướng dẫn mới nói trên, thế giới có thể tránh được 80% trường hợp tử vong liên quan đến bụi mịn PM2.5.
Mặc dù các nhà khoa học rất hoan nghênh với hướng dẫn mới này của tổ chức nhưng cũng rất lo lắng để đáp ứng được tiêu chuẩn của hướng dẫn.
Tiến sĩ Aidan Farrow, một chuyên gia nghiên cứu về ô nhiễm không khí thuộc Đại học Exeter của Anh, cho rằng: Điều quan trọng là liệu các Chính phủ có thực thi các chính sách có tác động mạnh mẽ nhằm giảm phát thải chất gây ô nhiễm, ví dụ như ngừng đầu tư vào các dự án than đá, dầu mỏ và khí đốt, đồng thời ưu tiên các kế hoạch chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch hay không?
Nguyễn Linh