Thanh Hóa: Từ kinh doanh mùa vụ đến "bước nhảy" của du lịch Sầm Sơn
Đã có thời, những con ngựa bạch được sơn sọc đen để giả làm ngựa vằn châu Phi. Năm tháng ấy, du lịch Sầm Sơn đơn điệu, một màu và đầy thị phi. Sau khi tự "sửa mình", du lịch Sầm Sơn thành điểm sáng trong bức tranh du lịch cả nước.
Từ thời kinh doanh mùa vụ
Vốn lọt vào mắt xanh và được người Pháp khai phá nhưng trong suốt gần 1 thế kỷ tiếp theo, du lịch Sầm Sơn tựa như một nàng công chúa đỏng đảnh. Mãi tới đầu năm 1989, mọi việc mới bắt đầu đổi thay khi Thanh Hóa đưa ra chủ trương phát triển du lịch theo tiêu chí “Sầm Sơn – sức khỏe – kinh tế - bạn bè”.
Một hội chợ quy mô lớn cùng cuộc thi người đẹp được tổ chức cùng năm, đánh dấu bước chuyển biến chưa từng có ở xứ Thanh. Một số người nhanh nhạy còn mua ngựa trắng về rồi dùng sơn đen vẽ lên mình chú tuấn mã, biến chúng thành ngựa vằn châu Phi ngay trên bãi biển. Ngựa vằn “fake” trở thành chỉ dấu du lịch không thể bỏ qua của tất cả mọi người khi tới Sầm Sơn. Món đồ lưu niệm được làm từ vỏ tôm hùm xanh, đỏ óng ánh dính chặt trong những chiếc hộp nhựa cứng đã trở thành một thứ mốt thời thượng những năm đầu thập kỷ 90 của nhiều du khách miền Bắc.
Thế nhưng, chừng ấy là chưa đủ để giữ chân du khách lâu dài. Du lịch biển Sầm Sơn chỉ có đúng 90 ngày mùa hạ để đón khách, sau đó cả thành phố lại "ngủ đông" những tháng còn lại trong năm. Hệ quả là dù lượng khách đến Thanh Hóa luôn ở mức cao, nhưng doanh thu du lịch lại kém xa các tỉnh có cùng tiềm năng.
Đến đón đại bàng về làm tổ
Trong nhiều năm qua, bằng nỗ lực không biết mệt mỏi, các cấp chính quyền và người dân TP. Sầm Sơn đã đưa địa phương này thành đầu tàu của du lịch Thanh Hóa, cũng như điểm sáng trong bức tranh du lịch cả nước.
TP.Sầm Sơn bằng nỗ lực của mình, đã thu hút được nhiều "đại bàng về làm tổ" với các đại dự án như dự án nghỉ dưỡng và sân golf cao cấp của Tập đoàn FLC, đại dự án của Tập đoàn Mặt Trời với vốn đầu tư lên tới hơn 1 tỷ USD (khoảng 23.000 tỷ đồng). Từ đó, Sầm Sơn cung cấp được đa dạng các loại hình dịch vụ cho du khách, góp phần làm thay đổi cơ bản bộ mặt thành phố biển này.
Trao đổi với PV, một lãnh đạo TP. Sầm Sơn cho biết: "Nhiều năm qua, chính quyền TP. Sầm Sơn cùng người dân địa phương đã tích cực chung tay cố gắng xây dựng hình ảnh thành phố biển thân thiện, hiện đại và bước đầu được nhiều du khách và các "đại bàng" mến mộ tìm về Sầm Sơn nghỉ dưỡng và đầu tư”.
Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa nhấn mạnh: “Việc xây dựng và phát triển TP.Sầm Sơn trước hết là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân TP. Sầm Sơn; coi nội lực là nhân tố có ý nghĩa quyết định và nền tảng, ngoại lực là nhân tố thúc đẩy rất quan trọng và đột phá, kết hợp nội lực với ngoại lực thành nguồn lực tổng hợp to lớn cho phát triển”.
Trao đổi với PV Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định: “Nói riêng về du lịch, lâu nay, Thanh Hóa chỉ nổi tiếng ở Sầm Sơn. Nhưng văn hóa du lịch chưa quyến rũ du khách. Gần đây, dù được cải thiện nhưng vẫn chưa đủ biến Sầm Sơn thành tọa độ du lịch sánh vai với Đà Nẵng, Hạ Long, Nha Trang... Thiếu sản phẩm du lịch, thiếu tọa độ liên kết chính là vấn đề của Thanh Hóa và Bắc Trung bộ. Nhưng thiếu hụt cũng chính là dư địa tốt cho phát triển. Tôi tin du lịch Thanh Hoá sẽ bùng nổ, trong đó, Sầm Sơn sẽ là điểm đến hấp dẫn, hút khách quốc tế”.
"Thời gian qua, đã có những tác động tích cực thay đổi hình ảnh du lịch Sầm Sơn nhưng chính quyền phải chủ động hơn nữa. Cần quán triệt rằng nếu không tạo lập một môi trường du lịch “đáng tận hưởng”, đáng đầu tư thì du khách sẽ không về Sầm Sơn, không đến Thanh Hóa", PGS.TS Trần Đình Thiên cho biết thêm.
Phải phát triển kinh tế đêm
Có thể nói, du lịch Thanh Hoá chưa hút được khách quốc tế, sản phẩm du lịch chưa đa dạng, doanh thu du lịch khiêm tốn. Cốt lõi là thu hút được những “đại bàng” đủ năng lực tạo chân dung phát triển cho chính nơi mời gọi và được chọn.
Bàn về vấn đề này, PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định: Bên cạnh việc đưa du lịch thoát khỏi hình ảnh mùa vụ, giá rẻ, cần định hướng phát triển mạnh kinh tế đêm, “chớp” thời cơ hậu Covid–19 để phát triển du lịch. Để tận dụng thời cơ “thoát nguy” và “bứt phá”, cần khẩn trương xây dựng một chương trình phát triển kinh tế đêm tổng thể, trong tổng thể chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn tới của Thanh Hoá như một nội dung ưu tiên.
Kinh tế đêm không chỉ là hoạt động giải trí ban đêm mà là tổ hợp phát triển liên ngành, liên tuyến, phải có những điều kiện bảo đảm. Kinh tế đêm phải có sân khấu, có các show diễn và hoạt động văn hoá, giải trí đẳng cấp. Đặc biệt, liên quan đến vấn đề chính sách, cũng giống như phát triển kinh tế ban ngày, cần có nhu cầu về đất đai, nhu cầu nhân lực, công nghệ, nhiều yếu tố đặc thù như ánh sáng, tiếng ồn, bảo đảm an toàn cho du khách, nhà đầu tư phải được phép kinh doanh thâu đêm… Phải có chính sách khác biệt, phù hợp với kinh tế đêm chứ không phải chỉ là những luật lệ sẵn có.
Khi Việt Nam bắt đầu bàn về kinh tế đêm, đã có những khởi xướng xu hướng này, nổi bật trong đó là Tập đoàn Mặt trời. Kinh tế đêm có thể đóng góp tới 20 – 30% doanh thu du lịch. Đây thực sự là mỏ vàng nhưng mỏ vàng thì không dễ khai thác.
Hoàng Đức