Thanh Hóa: Tăng cường các biện pháp phòng, chống ô nhiễm môi trường, nguồn nước dọc sông Mã
Vừa qua, tỉnh Thanh Hóa đã tăng cường các biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải ảnh hưởng đến chất lượng nước sông Mã, giảm thiểu tình trạng cá chết bất thường và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây.
Trước tình trạng trên địa bàn các huyện Bá Thước, Cẩm Thủy xảy ra việc cá tự nhiên và cá nuôi lồng trên sông Mã bị chết hàng loạt với khối lượng tương đối lớn trong thời gian gần đây, gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân, tạo dư luận xấu, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, an ninh nguồn nước. UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành văn bản, giao các sở, ngành liên quan thực hiện một số nội dung chỉ đạo:
Công an tỉnh tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức nắm bắt thông tin của các cơ sở sản xuất dọc sông Mã, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về xả thải ra sông Mã (nếu có) theo quy định; Sở Công thương kiểm tra quy trình vận hành hồ chứa đối với các Nhà máy thủy điện trên sông Mã, nhất là việc duy trì dòng chảy môi trường khi mực nước xuống thấp, nhà máy không vận hành thường xuyên; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá lồng và các giải pháp phòng ngừa trong thời điểm giao mùa, thời tiết bất lợi cho người dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu UBND các huyện Quan Hóa, Bá Thước, Cẩm Thủy tăng cường quản lý chất lượng nguồn nước sông Mã, quản lý các nguồn chất thải từ sản xuất, sinh hoạt ra sông Mã; thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất, trang trại chăn nuôi ven sông Mã, nghiêm cấm việc xả chất thải sinh hoạt, công nghiệp trái phép ra sông Mã. Hướng dẫn, hỗ trợ người dân di chuyển lồng nuôi sang nơi có dòng chảy, các khu vực nước chảy khác như sông, gần cửa khe, suối, mương hoặc di chuyển cá khỏi lồng bè vào các ao để khoanh nuôi; tăng cường oxy bằng các biện pháp đảo nước, bơm nước hoặc sục khí tạo oxy.
Bên cạnh đó, tổ chức thu gom cá chết và tiêu huỷ theo đúng quy định, xử lý môi trường nơi tiêu hủy bằng hóa chất, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh môi trường; tuyên truyền, vận động người dân không ăn, không kinh doanh, buôn bán cá chết; khuyến cáo người dân ven sông tạm thời không sử dụng nước từ sông để phục vụ sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản và làm nước uống cho gia súc, gia cầm. Chỉ đạo vệ sinh lồng bè, dụng cụ nuôi để giảm vật bám, chất bẩn ở trong lồng nuôi để lồng nuôi thông thoáng, khơi thông dòng chảy, nhằm tăng cường oxy hòa tan trong nước; dùng vôi bột để xử lý khu vực có cá nuôi chết, khu vực có lồng bè đã di dời; khuyến cáo cho người dân không thả nuôi mới cá cho đến khi có hướng dẫn cụ thể. Đối với các vùng hạ lưu sông Mã chưa xảy ra hiện tượng cá chết, triển khai các biện pháp để phòng tránh, hạn chế thiệt hại như di chuyền lồng bè, thu hoạch cá nuôi đã đủ kích cỡ…
Đình Đông