Giải pháp để nghề nuôi cá lồng bè trên biển phát triển bền vững
Nhằm phát triển nghề nuôi cá lồng, bè trên biển bền vững, vừa qua Trung tâm khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa tổ chức diễn đàn "Phát triển nuôi cá lồng bè trên biển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu".
Nhiều tiềm năng nhưng thiếu quy hoạch
Sáng 5/8, tại TP. Nha Trang, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa (Sở NN&PTNT) tổ chức diễn đàn khuyến nông chủ đề "Phát triển nuôi cá lồng bè trên biển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu". Diễn đàn có sự tham gia đại diện các Cục, Vụ, Viện, Trung tâm, Hiệp hội nuôi biển thuộc Bộ NN&PTNT; đại diện Trung tâm Khuyến nông và nông dân 5 tỉnh: Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên và Khánh Hòa; đại diện HTX, tổ hợp tác, các doanh nghiệp.
Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thông tin, đối với việc nuôi cá biển, Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế với bờ biển dài trên 3.260 km và trên 1 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế biển, hơn 4.000 hòn đảo lớn nhỏ, nhiều eo vịnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nghề nuôi biển.
Cùng với đó, Tổng cục Thủy sản cho biết, Việt Nam có nhiều vùng vịnh kín, bãi triều ven biển và một phần ở các hải đảo, vùng biển xa bờ. Tổng diện tích tiềm năng nuôi cá, hải sản trên biển khoảng 500.000 ha; trong đó, diện tích nuôi vùng bãi triều ven biển 153.300 ha; diện tích nuôi vùng vũng vịnh, eo ngách và ven đảo là 79.790 ha và nuôi vùng biển xa bờ 100.000.
Theo thống kê, năm 2021 diện tích nuôi cá biển khoảng 9.000 ha cho sản lượng khoảng 57.837 tấn, chủ yếu các loài thủy sản như: cá song, cá giò, cá hồng, cá vược, cá tráp, cá chim vây vàng, cá ngừ, cá măng biển...
Nghề nuôi biển mang nhiều lợi ích cho ngư dân, tuy nhiên nghề này ở nước ta vẫn còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch chi tiết, điều kiện cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, trình độ kỹ khoa học - thuật sản xuất của người dân vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.
Thông tin về kết quả một số mô hình nuôi cá lồng bè trên biển và giải pháp phát triển trong thời gian tới, đại diện trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: mô hình nuôi cá mú trong lồng biển tại Quảng Ninh đem lại hiệu quả kinh tế tính cho 100 m3 lồng/vụ nuôi đạt trên 84 triệu đồng, nhờ tuyển chọn kỹ nguồn giống và đảm bảo quy trình chăm sóc.
Cùng với đó, các mô hình nuôi cá Hồng Mỹ trong lồng trên biển tại Hải Phòng, cho lợi nhuận đạt trên 110 triệu đồng. Có được kết quả này là nhờ nông dân chịu khó học hỏi áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuât mới, mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất để thực hiện tốt mô hình.
Trong khi đó, mô hình nuôi cá giò trong lồng HDPE trên biển tại Quảng Ngãi và Khánh Hoà sau chu kỳ nuôi từ 12 tháng, cá đạt cỡ thương phẩm trên 5 kg/con, năng suất đạt trên 10 kg/m3, doanh thu cho một lồng nuôi trên 250 triệu đồng. Mô hình nuôi cá mú trân châu trong lồng HDPE trên biển tại Kiên Giang sử dụng phương pháp cho ăn bằng thức ăn cá tạp kết hợp thức ăn công nghiệp thời gian đầu cho kết quả cao đã khẳng định sự thích nghi của mô hình với điều kiện biến đổi khí hậu....
Tuy nhiên, theo Tổng cục Thủy sản, nuôi biển nói chung và cá biển nói riêng còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch chi tiết, điều kiện cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, trình độ kỹ thuật sản xuất của người dân chưa đáp ứng được yêu cầu. Khoa học công nghệ trong sản xuất giống còn hạn chế, chưa chủ động hoàn toàn. Công nghệ nuôi và hệ thống lồng bè thích ứng với thời tiết Việt Nam chưa phát triển. Một số đối tượng nuôi chưa có quy trình chuẩn hoặc chưa được nghiên cứu thử nghiệm.
Theo ông Nguyễn Xuân Hòa, nông dân nuôi biển trên vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa bày tỏ, người nuôi chủ yếu nuôi theo quy trình truyền thống, quy mô nhỏ. Hầu hết lồng nuôi làm từ vật liệu gỗ truyền thống; một số vùng nuôi nằm chồng lấn với các quy hoạch khác theo định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; một số đối tượng chưa có quy trình nuôi chuẩn hoặc chưa được nghiên cứu nuôi thử nghiệm, đa số ngư dân sư dụng thức ăn tươi, mật độ nuôi tại các vùng nuôi chưa đảm bảo dẫn đến môi trường nuôi bị ô nhiễm…
Trong quá trình nuôi, việc sử dụng cá tạp làm thức ăn, dễ gây ô nhiễm môi trường; Lao động tham gia nuôi cá lồng trên biển thiếu hiểu biết về khoa học kỹ thuật, thiếu kinh nghiệm trong vận hành và hạn chế về ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường; Doanh nghiệp lớn tham gia nuôi biển còn hạn chế…
Phát triển bền vững cần đồng thời triển khai nhiều giải pháp
Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, việc đưa công nghệ mới, đưa giải pháp mới, cách nhìn mới trong nuôi biển cần phải có chiến lược. Bởi không chỉ phát triển cho ngư dân mà còn phát triển tổng hợp kinh tế - xã hội, đặc biệt vấn đề môi trường biển. Việc nuôi biển không chỉ riêng của Tổng cục Thủy sản, Khuyến nông Quốc gia, mà tất cả các cơ quan của Bộ và các địa phương.
Để nghề nuôi biển đạt yêu cầu trong thời gian tới, Tổng cục Thủy sản đề xuất cần có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển. Cùng với đó, đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu vào các vùng nuôi tập trung, vùng nuôi giống nuôi biển tiềm năng. Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện Luật Thủy sản 2017 và các quy định hiện hành và tổ chức lại sản xuất áp dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật mới từ khâu con giống cho đến đầu ra của sản phẩm.
Theo Tiến sĩ Huỳnh Minh Sang, Viện Hải dương học cho biết, ngày càng có nhiều công nghệ mới được phát triển và ứng dụng vào ngành nuôi trồng thủy sản. Các công nghệ mới và đột phá sẽ nâng cao sản lượng và chất lượng thủy sản toàn cầu. Đồng thời, có thể cách mạng hóa ngành nuôi trồng thủy sản nếu như được nhìn nhận và phát triển đúng hướng.
Bàn về giải pháp gỡ khó cho nông dân, ông Hoàng Văn Lợi, Công ty TNHH MTV Dịch vụ và Công nghệ nuôi trồng thủy sản cho biết, đến nay, cả nước có 91.180 lồng bè, trong đó có 68.080 lồng bè nuôi thủy sản nước mặn lợ và 23.100 lồng bè nuôi thủy sản nước ngọt. Tuy nhiên, đa phần là loại lồng truyền thống làm bằng vật liệu tre, nứa, mét, gỗ và sắt thép.
Vì vậy, giải pháp là phải đảm bảo an toàn lồng nuôi hiện nay. Hiện có lồng nuôi bằng nhựa HDPE hình tròn, hình vuông do công ty sản xuất có độ bền rất cao, lên đến 30 - 40 năm đối với khung lồng và 10 năm với hệ thống túi lưới. Điều này, giúp người nuôi có thể điều chỉnh lồng chìm khi gặp mưa bão, giảm thiểu rủi ro do thiên tai.
Thanh Vũ