Thứ sáu, 22/11/2024 23:49 (GMT+7)
Thứ hai, 08/11/2021 07:00 (GMT+7)

Thúc đẩy phát triển bền vững nghề nuôi biển quy mô công nghiệp hiện đại

Theo dõi KTMT trên

Nuôi trồng thủy sản trên biển (nuôi biển) đang là xu hướng phát triển mạnh thời gian gần đây, ngoài việc giúp tăng trưởng kinh tế biển một cách bền vững còn góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên biển vốn đang bị khai thác quá mức.

Mới đây, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam tổ chức Hội nghị thường niên năm 2021. Dự Hội nghị có Đại sứ Cộng hòa Indonesia tại Việt Nam Denny Abdi; Đại diện Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT); Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ TN&MT); Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam.

Theo nhận định của PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, dịch bệnh Covid-19 đã phần nào gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nuôi biển. Tuy nhiên, với những nỗ lực của Chính phủ và doanh nghiệp, con đường đi đến nền kinh tế nuôi biển công nghiệp và bền vững đã được thiết lập cho 10 năm tới, tầm nhìn đến 2045. 

Phát biểu tại Hội nghị, Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Denny Abdi cho biết, Indonesia có tiềm năng rất lớn với vùng biển rộng 5,8 triệu km2, đường bờ biển dài hơn 95 nghìn km. Hiện nay, trao đổi thương mại về thủy sản giữa 2 nước đạt khoảng 150 triệu USD; Trao đổi thương mại song phương là khoảng 9,1 tỉ USD. Hai nước có nhiều nội dung có thể trao đổi trong thời gian tới như nghiên cứu khoa học về nghề nuôi biển; Hợp tác giữa các doanh nghiệp, ngư dân nuôi biển.

Thúc đẩy phát triển bền vững nghề nuôi biển quy mô công nghiệp hiện đại - Ảnh 1
Nuôi cá lồng bè tại đảo Ông Cụ (TP.Cẩm Phả, Quảng Ninh). (Ảnh: dantri.com.vn)

Có lợi thế bờ biển dài, nhiều đảo, với hơn 805.460 ha mặt nước, ĐBSCL được đánh giá là vùng có tiềm năng rất lớn để phát triển nghề nuôi biển. Ông Trần Ngọc Hải, Đại học Cần Thơ nhận định, mặc dù biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn là trở ngại rất lớn tại khu vực, nhưng môi trường biển và ven biển lại rất thuận lợi cho nuôi biển và nuôi nước lợ so với các nơi khác trong cả nước. Theo Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, thủy sản là ngành được ưu tiên nhất trong cơ cấu nông nghiệp.

Tuy nhiên, trong khi các tỉnh miền Trung phát triển nuôi biển khá mạnh và ngày càng nâng dần lên quy mô công nghiệp thì nghề nuôi biển ở các tỉnh ven biển ÐBSCL vẫn chưa được khai thác hiệu quả... Nguyên nhân là do ô nhiễm, phòng trị bệnh cá biển còn khó khăn; Thị trường cá biển chưa mạnh và giá cả biến động; Vùng nước lợ còn tập trung nuôi tôm; Việc nuôi cá biển còn đơn sơ, nhận thức và kinh nghiệm người nuôi còn hạn chế, chưa mang tính tổng hợp. 

Nhiều chuyên gia nhận định, muốn nghề nuôi biển phát triển, trước tiên cần đồng bộ hạ tầng phục vụ nuôi biển như: Cảng biển, giao thông đường bộ, khu hậu cần, các cơ sở nghiên cứu khoa học... Chuyển dịch dần từ nuôi ven bờ, quy mô nhỏ, tự phát sang quy mô doanh nghiệp, HTX... với sự kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương.

Để gỡ khó, hướng đến phát triển bền vững nghề nuôi biển tại ĐBSCL, nhiều chuyên gia cho rằng, dù có nhiều lợi thế nhưng cần tùy vào điều kiện tự nhiên của từng vùng mà nghiên cứu, phát triển, quy hoạch những đối tượng nuôi chủ lực, phù hợp. Ngoài ra, các địa phương cũng cần có cơ chế, chính sách khuyến khích những nhà đầu tư phát triển nuôi biển xa bờ ở quy mô công nghiệp.

Cũng theo ông Nguyễn Duy Hải, cần chú trọng phát triển thị trường xuất khẩu, tìm đầu ra cho trại nuôi để đạt mục tiêu sản lượng. Đồng thời, xây dựng chính sách thiết thực và cụ thể hỗ trợ về thuế, vốn, mặt nước, kho bãi cho các trại nuôi và doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ. Đặc biệt, cần phát huy tiềm năng, nguồn lực, khoa học công nghệ, các chính sách cho phát triển nuôi cá ĐBSCL và cả nước.

Phát triển nuôi biển trở thành ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn

Đó là mục tiêu chung của "Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành phê duyệt. Trong đó, phát triển nuôi biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái; Tạo ra sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện kinh tế xã hội và nâng cao thu nhập cho cộng đồng cư dân ven biển; Góp phần tham gia bảo vệ an ninh, quốc phòng vùng biển đảo của Tổ quốc.

Bên cạnh đó, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại phục vụ phát triển nuôi biển xa bờ bao gồm các hạng mục hạ tầng thiết yếu vùng sản xuất giống phục vụ nuôi biển, vùng nuôi trồng thủy sản trên biển, công nghiệp hỗ trợ phục vụ nuôi biển, hệ thống quan trắc môi trường nuôi biển tự động...

Đề án đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000 ha, thể tích lồng nuôi 10 triệu m3; Sản lượng nuôi biển đạt 850.000 tấn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 0,8-1 tỉ USD. Đến năm 2030, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8-2 tỉ USD.

Tầm nhìn đến năm 2045, ngành công nghiệp nuôi biển của nước ta đạt ở trình độ tiên tiến với phương thức quản lý hiện đại. Công nghiệp nuôi biển trở thành bộ phận quan trọng trong ngành thủy sản, có đóng góp trên 25% tổng sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 4 tỉ USD.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Ninh, Trung tâm Nghiên cứu, giáo dục môi trường và Phát triển (CERED) nhấn mạnh, kinh tế tuần hoàn là hướng đi tất yếu trong ngành thủy sản Việt Nam. Kinh tế tuần hoàn mang tới cơ hội thúc đẩy tỉ lệ tái chế, tái sử dụng, giảm thiểu đầu vào của mọi chuỗi cung ứng. Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP21) đã khẳng định, kinh tế tuần hoàn là mô hình quan trọng nhất để thích ứng với biến đổi khí hậu. Hiện nay, mới chỉ 8,6% hoạt động sản xuất của con người được áp dụng các tiêu chí tuần hoàn. Để thúc đầy kinh tế tuần hoàn, cần những khuyến nghị, đề xuất xây dựng chiến lược kinh tế tuần hoàn cho các doanh nghiệp từ góc nhìn của người quản lý cấp cao.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Thúc đẩy phát triển bền vững nghề nuôi biển quy mô công nghiệp hiện đại. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới