Thứ bảy, 23/11/2024 02:47 (GMT+7)
Chủ nhật, 24/11/2019 09:30 (GMT+7)

Biến tiềm năng thành thế mạnh nuôi biển

Theo dõi KTMT trên

Nước ta có tiềm năng nuôi trồng trên biển rất lớn, tuy nhiên, đóng góp của lĩnh vực này còn khiêm tốn.

Với các công nghệ, chính sách đang được xây dựng, nghề nuôi biển sẽ phát triển mạnh trong thời gian đó tạo sinh kế bền vững cho người dân ven biển.

Gần 10 năm nay, vịnh Vân Phong, khu vực nuôi trồng trên biển (thường gọi là nuôi biển) phát triển nhất vùng Nam Trung bộ xuất hiện những lồng nuôi cá bằng nhựa theo công nghệ của Na Uy.

Đây là những khu vực nuôi biển quy mô hiện đại của các doanh nghiệp và Viện nghiên cứu thủy sản. 2 năm trước, bão giật cấp 12 gây thiệt hại nặng nề cho các lồng bè bằng gỗ của ngư dân nhưng các lồng bè bằng nhựa theo công nghệ Na Uy không bị ảnh hưởng gì. Khu nuôi biển công nghiệp của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 có quy mô 10 lồng, chu vi 60 m, bố trí trên diện tích 10 ha mặt biển, sản lượng 150 tấn cá chim vây vàng mỗi năm.

Biến tiềm năng thành thế mạnh nuôi biển - Ảnh 1
Tỉnh Khánh Hòa có tiềm năng để phát triển nuôi biển.

Ông Phạm Đức Phương, phụ trách khu nuôi trồng này cho biết: “Khó hơn là do lưới và lồng rất nặng nên mình phải có phương tiện hỗ trợ như cần cẩu hay tàu lớn mới vận hành được. Nó chỉ có trở ngại lớn nhất là vốn đầu tư ban đầu, tiếp cận công nghệ khó khăn, tuy nhiên quy trình vận hành, làm việc giảm thiểu được chi phí nhân công, nhân lực rất là nhiều.”

Tỉnh Khánh Hòa giàu tiềm năng phát triển nuôi hải sản trên biển vì có đường bờ biển dài gần 400 km. Tỉnh này hiện có gần 70.000 lồng nuôi tôm hùm, cá biển, ốc hương… sản lượng khoảng 10.000 tấn mỗi năm, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.

Tuy nhiên, việc nuôi trồng của các hộ gia đình còn mang tính tự phát, manh mún, công nghệ cũ kỹ, lồng nuôi làm từ gỗ rừng, sử dụng thức ăn tươi. Nhiều vùng nuôi đối mặt với ô nhiễm môi trường, dịch bệnh thường xuyên. Hiện tỉnh Khánh Hòa đã quy hoạch nuôi biển tại 3 vùng vịnh: Vạn Ninh, Nha Trang, Cam Ranh, với các đối tượng nuôi chủ lực là tôm hùm, cá bớp, cá chim vây vàng, cá mú.

Biến tiềm năng thành thế mạnh nuôi biển - Ảnh 2
Thu hoạch cá chim vây vàng.

“Thời tiết thay đổi bất thường, cho nên khuyến khích ngư dân chuyển đổi, nuôi từ lồng truyền thống sang công nghệ lồng của Na Uy. Vệ sinh môi trường cũng tốt và an toàn khi bão lớn xảy ra. Điều này còn cải thiện được việc bà con không đi lấy gỗ rừng, ảnh hưởng vấn đề môi trường” - ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa cho biết.

Ở nước ta, diện tích nuôi biển tăng nhanh, từ gần 39.000 ha vào năm 2010 đã tăng lên gần 250.000 ha vào năm 2018, sản lượng cũng tăng hơn 2 lần, đạt gần 380.000 tấn. Nghề nuôi biển phát triển nhanh và mạnh ở một số địa phương như Quảng Ninh, Khánh Hòa, Phú Yên, Kiên Giang.

Hiện nghề nuôi biển mới ở giai đoạn đầu, trình độ thấp, chủ yếu nuôi ở ven bờ và đã bộc lộ nhiều bất cập. Thị trường tiêu thụ các sản phẩm nuôi biển bấp bênh, xuất khẩu chủ yếu qua đường tiểu ngạch, thiếu sự tham gia của các doanh nghiệp, chưa hình thành được các chuỗi giá trị.

“Chúng ta có những vùng có tiềm năng phát triển nuôi biển rất lớn của Việt Nam, hội tụ tất cả về chất lượng nước, độ sâu của nước và các dịch vụ hậu cần. Quan trọng là cần tổ chức lại sản xuất, làm thế nào đấy để không manh mún, làm thế nào để tập trung được. Quan trọng nhất là làm thế nào để sản xuất không ảnh hưởng môi trường” - PGS.TS Phan Thị Vân, Viện trưởng Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 nói.

Các chuyên gia về kinh tế biển cho rằng, nước ta cần phát triển mạnh công nghiệp nuôi biển vùng xa bờ, hình thành ngành sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, bền vững, tạo sản phẩm hàng hóa, chất lượng cao phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Trước tiên, cần giải quyết các vấn đề về con giống, thức ăn, công nghệ; định hướng và ổn định thị trường tiêu thụ.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cần tạo ra chuỗi giá trị khi phát triển nghề nuôi trồng trên biển.

“Quy hoạch vùng nào mới được nuôi không phải chỗ nào cũng nuôi? Đảm bảo tổng hòa các mối quan hệ, không để phát triển nuôi trồng thủy sản xung đột với những ngành khác. Chúng ta phải xây dựng được mối liên kết bền chặt, trong đó, lực lượng doanh nghiệp phải vào làm nồng cốt, cùng với bà con ngư dân thành lập các hợp tác xã liên kết chặt chẽ, phát triển từng đối tượng ngành hàng. Phải chú ý chuỗi giá trị chứ không chú ý đến sản lượng, quan trọng hơn là tạo sinh kế bền vững” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Bạn đang đọc bài viết Biến tiềm năng thành thế mạnh nuôi biển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới