Thứ sáu, 22/11/2024 17:43 (GMT+7)
Thứ ba, 15/08/2023 09:24 (GMT+7)

Thanh Hóa: Sản phẩm OCOP là mũi nhọn xây dựng nông thôn mới

Theo dõi KTMT trên

Mục tiêu từ nay đến 2025, Thanh Hóa phấn đấu phấn đấu mỗi xã có nhiều sản phẩm OCOP và toàn tỉnh có thêm nhiều sản phẩm OCOP có thương hiệu, có giá trị và sức cạnh tranh cao.

Tại Thanh Hóa, chỉ trong 2 năm (2021 - 2022) và 6 tháng đầu năm 2023, Thanh Hóa đã có thêm 4 đơn vị cấp huyện, 42 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 57 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 13 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 282 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP. Ước đến hết năm 2023, Thanh Hóa sẽ có 13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 363 xã đạt chuẩn NTM. Trong đó, có 80 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt 22,04% số xã), 17 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (đạt 4,68%).

Nếu tính số xã đạt chuẩn NTM nâng cao và xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, Thanh Hóa chiếm hơn 50% toàn khu vực Bắc Trung bộ với 80/134 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 14/23 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Xét về số huyện đạt chuẩn NTM, Thanh Hóa cũng chiếm đến 40% với 12/30 huyện đạt chuẩn NTM toàn vùng Bắc Trung bộ.

Thanh Hóa: Sản phẩm OCOP là mũi nhọn xây dựng nông thôn mới - Ảnh 1
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa thăm quan các gian hàng OCOP.

Đó là kết quả của việc Thanh Hóa đã làm rất tốt công tác huy động nguồn lực cho việc xây dựng NTM. Tổng huy động nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2021 - 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 hơn 18.795 tỷ đồng. Ngoài ra, Thanh Hóa cũng là tỉnh duy nhất cả nước có Bí thư Tỉnh ủy là Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh là Phó Trưởng ban. Các xã xây dựng NTM đều bố trí 1 công chức theo dõi thực hiện Chương trình (465 cán bộ/465 xã) phụ trách, theo dõi chương trình xây dựng NTM làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

Từ sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, công tác thông tin truyền thông luôn được đẩy mạnh liên tục ở mọi cấp, ngành, lĩnh vực. Chỉ tính riêng mình hoạt động của hội nông dân trong thời gian qua, các cấp hội trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên và triển khai các hoạt động thiết thực để thực hiện chương trình. Cụ thể: Xây dựng 765 tổ tự quản về bảo vệ môi trường; hướng dẫn, xây dựng các mô hình thu gom, phân loại và xử lý chất thải hữu cơ thành phân bón tại 120 xã, thị trấn; triển khai 2 tiểu dự án của Trung ương Hội về “thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại cộng đồng dân cư ven biển” và “thu gom phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón”; tổ chức, tập huấn về kinh tế hợp tác, nông nghiệp tuần hoàn cho 520 hội viên; hướng dẫn, hỗ trợ thành lập 68 hợp tác xã và 430 tổ hợp tác; phối hợp để hỗ trợ, giúp hội viên, nông dân được vay vốn, tập huấn chuyển giao KHKT, cung ứng vật tư chậm trả để phát triển sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập và đời sống của hội viên, nông dân...

Hoạt động kiểm tra, giám sát cũng được quan tâm, phát huy vai trò của cộng đồng, tổ giám sát cộng đồng, ban phát triển thôn trong thực hiện chính sách, các dự án của chương trình theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng", để các chính sách, dự án triển khai đạt hiệu quả cao.

Thanh Hóa: Sản phẩm OCOP là mũi nhọn xây dựng nông thôn mới - Ảnh 2
Thanh Hóa cũng đã hình thành 16 điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, có những sản phẩm đã xuất khẩu thị trường quốc tế.

Nhiệm vụ căn cơ của Thanh Hóa thời gian tới trong việc xây dựng NTM ngoài việc tiếp tục huy động người dân tham gia vào xây dựng NTM là việc chuyển đổi tư duy làm nông nghiệp của người dân sang sản xuất nông nghiệp gắn liền với liên kết, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Nhờ những chính sách từ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, đời sống người dân được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh tăng lên 51,7 triệu đồng năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm giảm 4,4 lần so với năm 2010, còn 6,08% năm 2022.

Một trong những mũi nhọn trong xây dựng NTM tại Thanh Hóa là chú trọng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng bền vững. Trong giai đoạn 2021-2022 và 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 282 sản phẩm OCOP được công nhận cho 223 chủ thể OCOP trên địa bàn 193 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Trên cơ sở khảo sát đánh giá tại các cơ sở sản xuất và các chủ thể OCOP cho thấy, sản phẩm sau khi được công nhận xếp hạng OCOP cấp tỉnh đều tăng trưởng cả quy mô, số lượng và doanh thu bán hàng (khoảng 15-20%). Dự kiến hết năm 2023, Thanh Hóa sẽ nâng con số sản phẩm OCOP lên 407.

Từ đó, Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 17 huyện đạt chuẩn NTM, 4 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, 88% số xã đạt chuẩn NTM (tương ứng 410 xã), 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao (tương ứng 165 xã), 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (tương ứng 41 xã). 559 sản phẩm OCOP từ 3-4 sao trở lên, 5 sản phẩm được Trung ương công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao.

Theo báo cáo Sơ kết tình hình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến nay cả nước có 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 5 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Riêng vùng Bắc Trung bộ có 1.037/1.380 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 134 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 23 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; toàn vùng có 30 huyện đạt chuẩn NTM.

Hoàng Đức - Lê Hoa

Bạn đang đọc bài viết Thanh Hóa: Sản phẩm OCOP là mũi nhọn xây dựng nông thôn mới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới