Thứ sáu, 29/03/2024 16:40 (GMT+7)
Thứ năm, 13/05/2021 15:58 (GMT+7)

Tham vấn xây dựng Nghị định chi tiết về giảm nhẹ phát thải và bảo vệ tầng ozon

Theo dõi KTMT trên

Ngày 13/5, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội thảo trực tuyến tham vấn dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đã chủ trì hội thảo.

Tham dự có ông Murooka Naomichi, Phó Trưởng Đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA cùng hơn 100 đại biểu đến từ đại sứ quán Nhật bản tại Việt Nam, đại diện các tổ chức quốc tế; đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Tư pháp, Kế hoạch đầu tư, Tài chính, Công thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Y tế, Tài nguyên và Môi trường; đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng các doanh nghiệp có liên quan; các tổ chức phi chính phủ và các chuyên gia.

Tham vấn xây dựng Nghị định chi tiết về giảm nhẹ phát thải và bảo vệ tầng ozon - Ảnh 1
Thứ trưởng Lê Công Thành phát biểu tại điểm cầu trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Nghị định của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon sẽ quy định chi tiết các Điều 92, 92 và 139 của Luật bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020. Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có nhiều điểm mới so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 như: Bổ sung nội dung về thích ứng với BĐKH, bảo vệ tầng ozon, quy định chi tiết hơn các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK), tổ chức và phát triển thị trường carbon trong nước phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ozon.

“Quy định về ứng phó với BĐKH trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là căn cứ pháp lý quan trọng để thực hiện các biện pháp nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đặt ra trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam; là tiền đề phát triển thị trường carbon trong nước; quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozon, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát theo điều ước quốc tế về bảo vệ tầng ozon mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên” – Thứ trưởng nhấn mạnh.

Tại hội thảo, đại diện Cục Biến đổi khí hậu – cơ quan soạn thảo đã trình bày các nội dung chính của dự thảo Nghị định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, tổ chức và phát triển thị trường carbon trong nước, bảo vệ tầng ozon. Song song là các bài trình bày về kinh nghiệm quốc tế đến từ đại diện Trung tâm Hợp tác Môi trường Hải ngoại Nhật Bản (OECC), Ngân hàng thế giới (WB) và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP.

Tham vấn xây dựng Nghị định chi tiết về giảm nhẹ phát thải và bảo vệ tầng ozon - Ảnh 2
Ông Makoto Kato, chuyên gia cao cấp của OECC Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chính sách giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Hội thảo đã đón nhận nhiều ý kiến tham vấn, góp ý hoàn thiện dự thảo Nghị định. Trong đó, tập trung vào làm rõ tính khả thi của các nội dung dự thảo, đặc biệt là lộ trình và giải pháp thực hiện để đạt được mục tiêu về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính quốc gia, vận hành thị trường carbon, và kiểm soát các chất làm suy giảm tầng ozon, chất gây hiệu ứng nhà kính được trong khuôn khổ Nghị định thư Montreal; những thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện các quy định này.

Trách nhiệm của các Bộ, ngành, doanh nghiệp trong việc thực hiện các nội dung dự thảo Nghị định cũng được đề cập tới, trong đó nhấn mạnh sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, doanh nghiệp nhằm thực hiện và quản lý các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Các công tác cần triển khai như kiểm kê khí nhà kính, đo đạc - báo cáo - thẩm định (MRV) hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thí điểm và tiến tới thời điểm vận hành thị trường carbon, quản lý hiệu quả các chất làm suy giảm tầng ozon; đặc biệt là huy động sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế cũng như sự hỗ trợ tham gia các quốc gia, các tổ chức quốc tế cho các hoạt động nêu trên.

Tham vấn xây dựng Nghị định chi tiết về giảm nhẹ phát thải và bảo vệ tầng ozon - Ảnh 3
Hơn 100 đại biểu trong và ngoài nước đã tham dự hội thảo trực tuyến.

Quá trình góp ý cho dự thảo, nhiều đại biểu cho rằng, cần làm rõ căn cứ lựa chọn đối tượng phải thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bởi điều này có tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế của VCCI, nếu thực hiện theo các quy định trong dự thảo Nghị định thì hạn ngach phát thải khí nhà kính cũng chính là tài sản của doanh nghiệp, nhưng lại có sự điều chỉnh hẳng năm. Hơn nữa, dự thảo cũng chưa đưa ra thời gian công bố hạn ngạch để doanh nghiệp có thể chủ động đưa ra kế hoạch sản xuất kinh doanh, nguyên tắc phân bổ hạn ngạch cũng chưa rõ ràng… Những điều này cần làm rõ hơn để sau này khi tuyên truyền áp dụng tránh gây hiểu lầm.

Nhiều ý kiến cũng đề nghị cần giải thích nhiều thuật ngữ hơn nữa, bởi Nghị định mang tính chuyên ngành cao, có nhiều điểm mới áp dụng tại Việt Nam và nhiều thuật ngữ không phổ biến. Điều này gây khó khăn cho các đối tượng chịu điều chỉnh khi tiếp cận với nội dung dự thảo.

Đại diện đơn vị soạn thảo, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, Bộ TN&MT sẽ tiếp thu các ý kiến tại hội thảo và tiếp tục trao đổi với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan để hoàn thiện nội dung dự thảo Nghị định trong thời gian tới. Dự kiến sau khi Chính phủ thông qua, Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 cùng với Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Khánh Ly

Bạn đang đọc bài viết Tham vấn xây dựng Nghị định chi tiết về giảm nhẹ phát thải và bảo vệ tầng ozon. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Còn ai dám... ‘úp mặt’ vào sông quê!
Xin mượn lời bài hát “khúc hát sông quê” của nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo để mở đầu cho bài viết này: “Con cá dưới sông, cây trồng trên bãi… Bầy trẻ thơ tắm mát phía thượng nguồn, một dòng xanh trong chảy mãi tới vô cùng”…

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.