Thứ sáu, 29/03/2024 16:22 (GMT+7)
Thứ sáu, 05/03/2021 06:40 (GMT+7)

Sử dụng ảnh viễn thám phục vụ tính toán phát thải carbon

Theo dõi KTMT trên

Cục Viễn thám Quốc gia vừa nghiệm thu đề tài khoa học: "Nghiên cứu tính toán hàm lượng phát thải carbon sử dụng tư liệu viễn thám phục vụ việc kiểm kê khí nhà kính. Thực nghiệm ảnh VNREDSat-1 và các nguồn ảnh hiện có tại Việt Nam".

Lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF) là một trong năm lĩnh vực phát thải phải được kiểm kê để phục vụ các Thông báo quốc gia cho Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) và được kỳ vọng là căn cứ để giảm phát thải cho việc thực hiện Đóng góp quốc gia tự quyết định (INDC) của Việt Nam. Tuy nhiên, trong những lần kiểm kê trước đây, các số liệu này chưa mang tính liên tục, chưa có tính minh bạch dẫn đến độ tin cậy và tính chính xác của các kết quả kiểm kê chưa cao.

Mặt khác, theo khuyến cáo của UNFCCC, các quốc gia nên sử dụng công nghệ viễn thám để xây dựng bộ dữ liệu hiện trạng sử dụng đất, lớp phủ bề mặt, bản đồ địa lý theo vùng sinh thái và bản đồ thổ nhưỡng để trích xuất số liệu cập nhật phục vụ cho kiểm kê khí nhà kính. Nhưng đến nay quy trình tính toán phát thải carbon sử dụng đầu vào là tư liệu viễn thám cũng như những tiêu chuẩn kỹ thuật cho bộ dữ liệu LULUCF theo hướng dẫn của IPCC phù hợp với điều kiện của Việt Nam vẫn chưa được xây dựng.

Sử dụng ảnh viễn thám phục vụ tính toán phát thải carbon - Ảnh 1
Minh họa một mảnh bản đồ phân vùng khí hậu, tỉ lệ 1: 250.000.

Từ những nhu cầu thực tiễn, nhóm tác giả của Cục Viễn thám Quốc gia đã nghiên cứu và đề xuất các giải pháp triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học: "Nghiên cứu tính toán hàm lượng phát thải carbon sử dụng tư liệu viễn thám phục vụ việc kiểm kê khí nhà kính. Thực nghiệm ảnh VNREDSat-1 và các nguồn ảnh hiện có tại Việt Nam". Đây là nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam về tính toán phát thải carbon sử dụng công nghệ viễn thám và GIS kết hợp phần mềm tính toán phát thải, là cơ sở quan trọng để xây dựng quy trình công nghệ tính toán hàm lượng phát thải carbon tiêu chuẩn của Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu phục vụ kiểm kê khí nhà kính.

Đề tài đã tập trung nghiên cứu sử dụng một số loại ảnh hiện có tại Việt Nam để thử nghiệm tính toán phát thải cho vùng Tây Nguyên với các loại tỉ lệ tương ứng đi kèm các đặc trưng theo tỉnh, theo vùng. Trên cơ sở đó có thể đưa ra quy định dữ liệu đầu vào, quy trình và thực nghiệm phù hợp tính toán phát thải carbon.

Theo ông Lê Quốc Hưng, Phó Cục trưởng Cục Viễn thám Quốc gia, Chủ nhiệm đề tài, sau khi triển khai nghiên cứu, đề tài đã đưa ra tổng quan về phát thải khí nhà kính và các văn bản quy định kiểm kê khí nhà kính phục vụ định hướng nghiên cứu; nghiên cứu được cơ sở khoa học của công nghệ viễn thám trong việc xây dựng dữ liệu tính toán phát thải carbon; phân tích làm sáng tỏ hệ thống phân loại lớp phủ mặt đất bằng dữ liệu ảnh viễn thám, đánh giá khả năng phù hợp cho tính toán phát thải carbon. Đồng thời đề xuất, xây dựng các quy định kỹ thuật của bộ dữ liệu phục vụ tính toán phát thải carbon sử dụng tư liệu viễn thám.

Cùng với đó, trên cơ sở các định hướng, phân tích, kết hợp nghiên cứu  các chức năng và cơ chế tính toán của phần mềm tính toán phát thải khí nhà kính ALU, nhóm nghiên cứu đã đề xuất và hoàn thiện được Quy trình ứng dụng công nghệ viễn thám xây dựng dữ liệu phục vụ tính toán phát thải khí carbon sau quá trình thực nghiệm sử dụng nhiều loại dữ liệu ảnh viễn thám với độ phân giải khác nhau.

Đánh giá về kết quả của đề tài, ông Nguyễn Quốc Khánh, Cục trưởng Cục Viễn thám khẳng định tính hữu dụng của phương pháp tính toán phát thải khí carbon sử dụng tư liệu viễn thám với sự minh bạch, đa thời gian, cập nhật thông tin.  Đây cũng là cơ sở khoa học quan trọng góp phần đưa ra các định hướng về phương pháp tính toán phát thải carbon sử dụng công nghệ viễn thám trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, đề tài cũng góp phần nâng cao năng lực các cán bộ của Cục Viễn thám Quốc gia, với việc tích lũy thêm kinh nghiệm, kiến thức đồng thời nắm bắt xu hướng mới trong kỹ thuật xử lý ảnh viễn thám.

Ông Hà Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ tầng ozone và phát triển kinh tế carbon thấp cho rằng, sản phẩm của đề tài là công cụ mới cho công tác kiểm soát phát thải khí nhà kính tự nhiên bằng ứng dụng công nghệ số, đây là cải tiến trong công nghệ sẽ mang lại hiệu quả về kinh tế cao, tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian và sức lực của người lao động. Cùng với đó, đề tài tạo ra những bước tiến lớn về công nghệ, nâng tầm với các nước khác trên thế giới trong lĩnh vực hoạt biến đổi khí hậu.

Thủy Nguyễn

Bạn đang đọc bài viết Sử dụng ảnh viễn thám phục vụ tính toán phát thải carbon. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong cảnh báo sớm thiên tai
Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt mục tiêu nâng cao độ tin cậy dự báo khí tượng thủy văn hàng ngày trong điều kiện thời tiết bình thường. Đáng chú ý sẽ nâng cao độ tin cậy dự báo khí tượng thủy văn bằng ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Việt Nam quyết tâm sản xuất hydrogen xanh
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 165/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.