'Thuế carbon' là giải pháp pháp hữu hiệu giảm phát thải nhà kính
Nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam về giảm phát thải CO2 theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Thuế carbon là một trong những chính sách giúp chính phủ làm giảm lượng khí nhà kính thải ra.
Thuế carbon là một loại thuế đánh vào hàm lượng carbon của nhiên liệu (ngành vận tải, năng lượng) và tương tự như kinh doanh khí thải carbon - một hình thức định giá carbon.
Tính đến năm 2018, ít nhất 27 quốc gia và địa phương đã thực hiện thuế carbon. Nghiên cứu cho thấy, thuế carbon có hiệu quả giảm phát thải khí nhà kính (GHG). Còn các nhà kinh tế cho rằng, thuế carbon - giải pháp hiệu nghiệm, hiệu quả nhất để kiềm chế biến đổi khí hậu, với những tác động ít ảnh hưởng nhất đến nền kinh tế.
Thiệt hại trên 10 tỉ USD/năm vì ô nhiễm không khí
Ô nhiễm không khí đã và đang là mối quan ngại lớn với người dân khi các chỉ số chất lượng không khí liên tục trong nhiều ngày tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố lớn, các khu công nghiệp ở ngưỡng cao của thang cảnh báo. Bên cạnh đó, theo một số nghiên cứu, trong 10 bệnh có tỉ lệ tử vong cao nhất tại Việt Nam có 6 bệnh liên quan đến đường hô hấp có nguyên nhân từ ô nhiễm không khí và chất lượng không khí.
Theo PGS.TS Đinh Đức Trường, Trưởng Khoa môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị, Đại học Kinh tế Quốc dân: “Thiệt hại do ô nhiễm không khí được tính trên cơ sở đo lường tổng thu nhập bị mất do chết trước tuổi kỳ vọng vì ô nhiễm không khí và đo lường mức độ chi trả của xã hội cho giảm rủi ro tử vong từ ô nhiễm không khí. Ước tính thiệt hại của ô nhiễm không khí ở Việt Nam năm 2018 là từ 10,82-13,63 tỉ USD (tương đương từ 240.000 tỉ đồng) trở lên, tương đương 4,45%-5,64% GDP năm 2018”, PGS.TS Đinh Đức Trường cho hay.
Ô nhiễm không khí là vấn đề nghiêm trọng của Việt Nam từ nhiều năm qua, đặc biệt trong thời gian gần đây, xu hướng ô nhiễm không khí gia tăng với tần suất ô nhiễm tăng đáng kể. Nguyên nhân gây ô nhiễm trước hết là từ phương tiện giao thông như ô tô, xe máy, do bụi xây dựng, sản xuất điện, thép, hóa chất, xi măng, khai khoáng. Ô nhiễm cũng từ các làng nghề, từ đun nấu bằng than hay củi… Và đáng ngại là không chỉ ở các thành phố lớn, mà nhiều tỉnh xa cũng không khí cũng đã bị ô nhiễm cao.
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam: “Ô nhiễm không khí ở Việt Nam chủ yếu là do bụi mịn PM2.5 và Ozon. Nồng độ PM2.5 trong không khí xung quanh cao trong nhiều năm và chưa có dấu hiệu cải thiện. Bụi mịn PM2.5 rất nguy hiểm. Nó được gọi là “giết người không dao. PM2.5 rất nhỏ, chỉ bằng 1/30 sợi tóc, len sâu vào phổi, vào máu gây nhiều bệnh như bệnh tim mạch, ung thư..." TS Hoàng Dương Tùng cảnh báo.
Tình hình thực hiện thuế carbon của một số nước trên thế giới
Trung Quốc hiện là nơi phát thải khí nhà kính lớn nhất và nhiều thành phố lớn của quốc gia này bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Kế hoạch giao dịch carbon quốc gia của Trung Quốc là một hệ thống giới hạn và thương mại cho lượng khí thải carbon dioxide được triển khai từ cuối năm 2017. Với kế hoạch này, Trung Quốc sẽ hạn chế lượng khí thải từ sáu ngành công nghiệp phát thải carbon dioxide hàng đầu (bao gồm các nhà máy nhiệt điện than và sớm trở thành thị trường lớn nhất trong giao dịch CO2).
Ấn Độ quốc gia có sản lượng điện than chiếm hơn một nửa tổng sản lượng điện toàn quốc, nên nước này đã áp dụng thuế carbon trên phạm vi toàn quốc từ 1/7/2010 với 50 Rupee/tấn (1,06 USD) cho cả than nội địa lân than nhập. Các nhà lãnh đạo Ấn Độ cho rằng, thuế carbon là một bước để giúp Ấn Độ đạt được mục tiêu tự nguyện của họ là giảm lượng CO2 được giải phóng trên mỗi đơn vị tổng sản phẩm trong nước xuống 25% so với năm 2005 và thuế carbon nội địa phải được đưa ra trước thuế carbon toàn cầu và quốc gia này đã áp đặt thuế này trong khi những quốc gia khác còn đang tranh luận.
Với Chính phủ mới ở Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Narendra Modi, thuế carbon đã được tăng thêm từ 100 Rs/tấn lên 200 Rs/tấn trong Ngân sách 2015-2016. Hiện tại thuế carbon ở mức 400 Rs/tấn (khoảng 5,6 USD/tấn với tỉ giá 71,4 Rs/USD).
Vào tháng 10/2012, Nhật Bản đã đưa ra thuế carbon với mục tiêu hành động nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu nguy hiểm. Chính phủ Nhật có kế hoạch sử dụng các khoản thu được tạo ra từ thuế này để tài trợ cho các dự án tiết kiệm năng lượng và năng lượng sạch. Theo tính toán, tác động thuế carbon dự kiến sẽ làm giảm lượng phát thải CO2 vào khoảng 6 - 24 triệu tấn/năm vào năm 2020 (bằng 0,5 - 2,2% lượng khí thải CO2 vào năm 1990), trong đó 1,8 triệu tấn/ năm là kết quả của hiệu ứng giảm sử dụng năng lượng thông qua thuế) và 3,9 - 22 triệu tấn/năm từ hiệu ứng sử dụng doanh thu thuế carbon cho các biện pháp giảm phát thải.
Tại Singapore, theo Đạo luật Định giá carbon, thông qua vào ngày 20 tháng 3 năm 2018 với thuế carbon được quy định bằng 5 đô la Sing (0,365 US$)/ton CO2.
Tại Hàn Quốc, Chính phủ đã đặt mục tiêu, giảm phát thải CO2 vào năm 2020 bằng 4% tổng phát thải của năm 2005. Đối với thuế carbon thì quy định rằng 8% lượng khí thải carbon từ sử dụng năng lượng không phải nộp thuế, còn 92% phải đối mặt với mức thuế bằng hoặc trên 5.55USD/tấn CO₂, trong đó 16% phải đối mặt với mức giá bằng, hoặc trên 33 USD/tấn CO₂.
Tại Canada, Quốc hội đã thông qua Đạo luật Định giá ô nhiễm khí nhà kính vào mùa thu năm 2018, đề cập đến phí, hoặc định giá thay cho thuế CO2. Khoản phí này được bắt đầu tính từ tháng 1 năm 2019 là 20$/tấn CO2 và sẽ tăng thêm mỗi năm 10$ lên đến 50$ vào năm 2022. Thông qua Đạo luật này, các tỉnh có thể linh hoạt tạo ra các giải pháp để xử lý khí thải GHG trong thẩm quyền riêng của họ.
Ở các nước Châu Âu Ngày 10/3/2021 Nghị viện châu Âu (EP) đã ủng hộ thiết lập thuế biên giới carbon để bảo vệ các doanh nghiệp EU trước việc hàng hóa nhập khẩu rẻ hơn từ các quốc gia có tiêu chuẩn về môi trường thấp hơn
Đây là bước đi đầu tiên trong kế hoạch dài hạn nhằm thiết lập một chính sách thuế mà dự kiến có thể phải đối mặt với quá trình phê chuẩn rất khó khăn ở 27 quốc gia thành viên EU.
Thuế biên giới được coi là một phần quan trọng trong Thỏa thuận Xanh của EU, một nỗ lực đầy tham vọng nhằm đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 và đáp ứng những mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.
Cơ chế này nhằm đảm bảo rằng hàng hóa nhập khẩu từ các nước bên ngoài EU không được hưởng lợi thế nếu quá trình sản xuất phát thải lượng khí carbon lớn hơn.
Để đảm bảo tính cạnh tranh công bằng, các sản phẩm nhập khẩu sẽ phải mua giấy phép ô nhiễm từ Hệ thống thương mại khí thải của EU (ETS). Giá khí thải carbon tại EU đã đạt mức cao kỷ lục, một bước tiến mới sau nhiều năm mức giá thấp không đem lại hiệu quả trong việc khuyến khích ngành công nghiệp nặng phát triển theo hướng "xanh" hơn.
Hoa Kỳ là một quốc gia công nghiệp hóa hàng đầu, phát thải GHG lớn thứ hai trên thế giới không thực hiện thuế carbon. Ngày 5/11/2019, Hoa Kỳ đã kích hoạt tiến trình rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris, đưa Hoa Kỳ trở thành quốc gia duy nhất (trong số 187 quốc gia ký thỏa thuận Paris) không tham gia hiệp ước lịch sử này.
Tuy nhiên, bất chấp quyết định của Chính phủ, hàng trăm chính quyền địa phương, các tập đoàn và tổ chức tại nước này đã tham gia phong trào "Chúng tôi sẽ vẫn tham gia" nhằm cam kết cắt giảm khí thải và ủng hộ năng lượng tái tạo. Nhiều tập đoàn năng lượng của nước này đã thiết lập một mức giá nội bộ đối với phát thải CO2 nhằm đánh giá giá trị rủi ro của các dự án trong tương lai khi đưa ra quyết định đầu tư. Giá carbon nội bộ thường được tính cao hơn: Khi doanh nghiệp thải ra một lượng lớn CO2 và khi doanh nghiệp dự kiến phát thải nhiều hơn nữa trong tương lai.
Việt Nam hướng tới một chính sách thuế hợp lý
Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Giám đốc Dự án VNPMR cho biết: Ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu sắp bước sang giai đoạn mới với việc các bên bắt đầu thực hiện Thỏa thuận Paris kể từ năm 2021 trở đi. Trong đó, bao gồm đóng góp về giảm phát thải nhà kính được cam kết trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).
Việt Nam hoàn thành NDC cập nhật và đã gửi cho ban thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Theo đó, bằng nguồn lực trong nước, Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường, tương đương 83,9 triệu tấn CO2. Mức đóng góp giảm nhẹ sẽ tăng lên 27%, tương đương 250,8 triệu tấn CO2 khi nhận được hỗ trợ quốc tế.
Tuy mức đóng góp bằng nguồn lực trong nước tăng 1% nhưng giảm lượng phát thải gần bằng 35% của tổng mức đóng góp giảm phát thải trong NDC năm 2015. Nếu có hỗ trợ quốc tế, mức đóng góp tăng 2% nhưng giảm lượng phát thải tăng thêm 52,6 triệu tấn, chiếm gần bằng tổng lượng giảm phát thải do do quốc gia tự thực hiện trong NDC đầu tiên.
Việt Nam là một trong số ít các nước tăng mức đóng góp về giảm nhẹ phát thải trong NDC cập nhật. Đây có thể nói là nỗ lực rất lớn của Việt Nam nhằm chung tay với cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu, được Ban thư ký Công ước, Tổ chức Đối tác thực hiện NDC đánh giá cao.
Trong giai đoạn tới, định giá carbon là một trong những phương thức để đạt được các mục tiêu về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong NDC. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất một điều về thị trường carbon trong dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, ở các quốc gia khác nhau, khi chi phí năng lượng chiếm một phần lớn hơn trong chi phí sản xuất, những quốc gia đó đã tìm ra những cách mới để giảm việc sử dụng năng lượng hay sử dụng nó một cách hiệu quả hơn. Khi mô hình này liên tục hoạt động, đến năm 2100, việc sử dụng năng lượng sẽ giảm tới 30% so hiện nay.
Các nghiên cứu khác cũng đã kiểm tra việc đánh thuế phát thải carbon sẽ thúc đẩy sự đổi mới trong năng lượng tái tạo. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, điều đó cũng sẽ dẫn đến việc tiêu thụ năng lượng hiệu quả hơn, không chỉ khiến mọi người sử dụng công nghệ hiện có tốt hơn mà còn thúc đẩy đổi mới cách sử dụng năng lượng. Điều này có nghĩa là việc giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu, dù vẫn đang khó khăn, nhưng đã cải thiện hơn so trước đây.
Chính sách thuế là một trong những công cụ hiệu quả được các quốc gia áp dụng, nhằm hướng tới bảo vệ môi trường. Các sắc thuế khá đa dạng về tên gọi cũng như tính chất, bao gồm thuế tài nguyên, thuế TTĐB, thuế năng lượng, thuế xe cộ, thuế carbon, thuế nhiên liệu... Trong đó, mỗi loại thuế đánh vào các đối tượng gây ô nhiễm môi trường khác nhau.
Công cụ kinh tế như thuế môi trường đặt ra “giá” cho ô nhiễm, nên các hoạt động gây hại cho môi trường sẽ phải trả chi phí đắt đỏ hơn. Điều này có thể giúp phủ xanh chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu, thông qua đổi mới trong hoạt động kinh doanh và các công nghệ xanh được sử dụng nhiều hơn.
Thuế carbon là một trong những loại thuế được nhiều quốc gia lựa chọn áp dụng do góp phần sử dụng hiệu quả nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng năng lượng có thể chưa thực sự đầy đủ, nếu chỉ khai thác thông qua giá carbon. Do đó, các quy định thuế khác liên quan đến chất lượng không khí môi trường xung quanh, vấn đề chất thải, tiêu chuẩn khí thải xe cộ, thậm chí là cấm hoàn toàn các loại hàng hóa, thiết bị có chứa chất gây hại cho môi trường là rất cần thiết để nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng năng lượng và bảo vệ sức khỏe con người.
Việc thúc đẩy đầu tư, sản xuất, sử dụng năng lượng tái tạo là rất quan trọng, nhằm mục tiêu hạn chế sự phụ thuộc quá lớn vào nhiên liệu hóa thạch. Các ưu đãi thuế thường được áp dụng ở các quốc gia bao gồm ưu đãi về thuế TNDN, thuế GTGT, thuế nhập khẩu... và các công cụ chính sách được thiết kế cẩn thận, đa dạng để thực hiện các mục tiêu chính về môi trường.
Việc áp dụng chính sách thuế hướng tới phát triển xanh có thể giúp tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước để thực hiện các mục tiêu về môi trường. Bên cạnh đó, việc cải cách theo hướng tăng cường các loại thuế liên quan đến môi trường cũng sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng thuế đối với thu nhập, từ đó giúp thúc đẩy việc làm và khuyến khích tăng trưởng xanh.
Tại Việt Nam, với việc thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của Việt Nam hiện nay, mức chi trả cụ thể là, đối với nhà máy nhiệt điện than, mức thu 4 đồng/kwh (tương đương 2 USD/tấn CO2). Đối với xi măng mức thu là 2.100 đồng/tấn Clinker (tương đương 1,35 USD/tấn CO2).
Việt Nam cũng đã tham gia thị trường chính thống bán tín chỉ carbon. Tính đến cuối năm 2019, Việt Nam có 255 dự án theo cơ chế phát triển sạch và 12 chương trình hoạt động được Ban chấp hành quốc tế về phát triển sạch công nhận. Những dự án, chương trình được ban này công nhận, hoàn toàn được phép trao đổi, mua bán trên thị trường carbon toàn cầu.
Theo ông Cường, hiện đã có trên 70 dự án/chương trình được cấp với tổng lượng khoảng 22 triệu tín chỉ carbon, với lượng giảm phát thải khí nhà kính là 22 triệu tấn CO2 tương đương. Tuy nhiên, khoảng 40 dự án tìm được đối tác để bán tín chỉ cacbon, số còn lại được cấp tín chỉ carbon nhưng chưa tìm được đối tác để bán.
Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội, để doanh nghiệp hướng đến đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tăng thuế carbon sẽ giúp giảm tiêu thụ năng lượng, khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng sạch và huy động nguồn tài chính tư nhân. Tiền thuế carbon cũng có thể dùng cho nghiên cứu và phát triển thiết yếu để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng từ hóa thạch sang tái tạo. Báo cáo của IMF nhấn mạnh, chi phí để đạt được giảm phát thải thông qua phương pháp thuế carbon sẽ thấp hơn chi phí để khắc phục hậu quả thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra.
Những nước không áp chi phí cho khí thải carbon cho doanh nghiệp cũng có thể bị áp thuế carbon khi xuất khẩu hàng hóa sang các nước khác đây sẽ là một thách thức trong tương lai đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ để vào nhóm 30 nền kinh tế có quy mô xuất nhập khẩu hàng đầu thế giới. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá xuất khẩu năm 2019 đạt 264,19 tỉ USD. Trong đó, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp năm 2019 ước đạt 41,3 tỉ USD, xuất khẩu dệt may đạt 39 tỉ USD.
Thanh Thúy