Tham vấn cộng đồng ĐTM dự án Nhà máy điện rác Greenity Nam Định
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công khai tham vấn cộng đồng Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án Nhà máy điện rác Greenity Nam Định. Dự kiến nhà máy sẽ hoàn thành và tiếp nhận, xử lý rác thải từ tháng 9/2025.
Dự án Nhà máy điện rác Greenity Nam Định được xây dựng tại xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định với tổng vốn đầu tư 1.490 tỷ đồng. Chủ dự án là Công ty Cổ phần Năng lượng Greenity Nam Định. Theo quy hoạch, mỗi ngày nhà máy có thể xử lý khoảng 700 tấn rác thải sinh hoạt hỗn hợp trên địa bàn tỉnh này.
Thông tin từ báo cáo ĐTM cho thấy, trong quá trình thực hiện dự án, chủ dự án đã đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư 6 lần để phù hợp với các quy hoạch ngành điện và được UBND tỉnh Nam Định chấp thuận. Trong lần thay đổi thứ 6, chủ đầu tư đã điều chỉnh tên dự án từ "Xây dựng khu xử lý rác thải" thành "Nhà máy điện rác Greenity Nam Định"; nâng quy mô công suất xử lý rác thải hỗn hợp không độc hại từ 495 tấn/ngày không phát điện thành xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn toàn tỉnh với công suất khoảng 700 tấn hỗn hợp vào lò/ngày (rác vào nhà máy khoảng 950 tấn/ngày).
Dự án cũng bổ sung thêm tổ máy phát điện với công suất 15MW, bổ sung mục tiêu sản xuất điện từ chất thải. Quy mô diện tích tăng từ 4,95ha lên 7,5ha và điều chỉnh tổng vốn đầu tư từ 785 tỷ đồng lên 1.490 tỷ đồng. Khu đất thực hiện dự án tiếp giáp với kênh T5-5 (nguồn tiếp nhận nước mưa và nước thải sau xử lý của dự án) ở phía Bắc, phía Đông và phía Nam giáp kênh mương nội đồng. Dự án cách sông Giáng khoảng 699m về phía Tây, sông Đào khoảng 6km về phía Bắc.
Trong bán kính 500m từ vị trí ống khói của dự án có 17 hộ dân thuộc làng Man, phường Lộc Hòa, TP Nam Định và làng Cư Nhân, xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc. Báo cáo ĐTM cam kết sẽ áp dụng các biện pháp an toàn không gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến các hộ dân này.
Chủ đầu tư cam kết tuân thủ đúng các nội dung về công nghệ xử lý rác thải theo chủ trương đã được UBND tỉnh Nam Định phê duyệt; tuân thủ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ; chịu trách nhiệm đền bù khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại nếu có sự cố.
Sông Hồng