Thảm họa thiên tai và những con số biết nói
Thảm họa thiên nhiên đang ngày càng trở nên khốc liệt hơn với các đợt lũ lụt, cháy rừng nghiêm trọng xảy ra ở khắp mọi nơi. Thiên tai đã gây thiệt hại lớn, với con số đáng báo động trong năm 2019.
Theo báo cáo công bố ngày 27/12 của quỹ từ thiện Christian Aid, năm 2019 được xem là năm nóng thứ hai từng được ghi nhận trong lịch sử, chứng kiến hàng loạt thảm họa thiên nhiên trên khắp thế giới.
Thống kê của tổ chức này cho thấy có 15 thảm họa có thiệt hại hơn 1 tỉ USD, thậm chí trong số này có tới 7 thảm họa có mức thiệt hại trên 10 tỉ USD, tờ Express đưa tin.
"Thời tiết khắc nghiệt - một trong những hệ quả của biến đổi khí hậu - đã tấn công mọi nơi trên thế giới trong năm 2019. Từ Nam Phi đến Bắc Mỹ, từ châu Đại Dương và châu Á đến châu Âu, lũ lụt, bão tố và hỏa hoạn đã gây ra sự hỗn loạn và tàn phá hủy diệt", Christian Aid đặt vấn đề.
Tổng hợp số liệu chính thức của các tổ chức phi chính phủ và cơ quan cứu trợ, cũng như các nghiên cứu khoa học và báo cáo truyền thông, quỹ từ thiện của Anh cho biết thảm họa thiên tai đã khiến hàng triệu người mất nhà ở và cướp đi sinh mạng của nhiều người trên thế giới trong năm 2019.
Tuy nhiên, theo Christian Aid, thiệt hại trên thực tế có thể sẽ cao hơn nhiều do chỉ mới tính đến các tài sản đã được bảo hiểm.
Trong danh sách các thảm họa thiên tai có mức thiệt hại từ 10 tỉ USD trở lên có các trận lụt ở miền Bắc Ấn Độ, siêu bão Lekima ở Trung Quốc, bão Dorian ở Mỹ, lũ lụt ở Trung Quốc, các trận lũ lụt ở miền trung Tây và Nam nước Mỹ, bão Hagibis ở Nhật Bản, cháy rừng ở bang California (Mỹ).
Trong đó, thảm họa cháy rừng California có mức thiệt hại lớn nhất lên tới 25 tỉ USD, kế đến là siêu bão Hagibis (15 tỉ USD), lũ lụt ở Mỹ (12,5 tỉ USD) và lũ lụt ở Trung Quốc (12 tỉ USD).
Cháy rừng ở Australia thiêu rụi hơn 8,6 triệu ha đất, gần bằng diện tích nước Áo, phá hủy hàng nghìn tòa nhà, cắt đứt mạng lưới điện và viễn thông. Cháy rừng đã khiến ngành du lịch Australia dự báo thiệt hại ở mức tương đương 3,1% GDP nước này. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), tổng thiệt hại và tổn thất kinh tế do cháy rừng tại Indonesia gây ra đã lên tới ít nhất 5,2 tỉ USD, tương đương 0,5% GDP của nước này. Ước tính hơn 900 nghìn người ở Indonesia đã mắc các bệnh về đường hô hấp do bị ảnh hưởng của cháy rừng. Theo thống kê, hơn 942 nghìn ha rừng và đất của Indonesia đã bị đốt cháy trong năm 2019. Các thảm họa riêng lẻ có thể không phải là do tác động trực tiếp từ biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy, sẽ có những yếu tố dài hạn về môi trường khiến cháy rừng dễ xảy ra hơn, nhất là ở phía Nam và phía Đông Australia.
Theo Christian Aid, phần lớn số người chết do thiên tai là ở Ấn Độ và châu Phi. Điều này phản ánh thực tế "những người nghèo nhất thế giới lại là người đang phải trả giá đắt nhất cho hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu".
"Nếu thế giới không thực hiện những hành động khẩn cấp để giảm khí thải, nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng thêm ít nhất 0,5 độ C trong 20 năm tới và tiếp tục tăng 2-3 độ C vào cuối thế kỷ này. Khí hậu toàn cầu sẽ tiếp tục trở nên cực đoan hơn và mọi người trên khắp thế giới sẽ tiếp tục phải trả giá", Christian Aid nhấn mạnh.
Trước những con số biết nói về thiệt hại do thiên tai gây ra, các tổ chức quốc tế cảnh báo, nếu thế giới không thực hiện những hành động khẩn cấp để giảm khí thải, nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng thêm ít nhất 0,5 độ C trong 20 năm tới và tiếp tục tăng 20 độ C đến 30 độ C vào cuối thế kỷ 21. Khí hậu toàn cầu trở nên cực đoan hơn sẽ khiến con người tiếp tục phải trả giá bằng những thiệt hại nặng nề.
Thế giới giờ đây ấm hơn 1,1 độ C so với thời điểm bắt đầu Cách mạng Công nghiệp. Dựa trên tình hình hiện tại, lượng khí thải CO2 cần giảm 7,6% mỗi năm trong thập kỷ tới để ngăn khủng hoảng khí hậu, nhưng chúng vẫn không ngừng tăng lên.
Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc hồi đầu tháng 12/2019 nhấn mạnh sự thiếu hợp tác giữa các quốc gia gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới, trong khi việc hành động vì môi trường đang là yêu cầu cấp bách. Những cư dân chịu ảnh hưởng của khủng hoảng khí hậu ở châu Á - Thái Bình Dương có lẽ không thể đợi thêm một thập kỷ nữa.