Thứ năm, 28/03/2024 15:19 (GMT+7)
Thứ tư, 29/01/2020 07:30 (GMT+7)

Những thảm họa tự nhiên khốc liệt nhất năm 2019

Theo dõi KTMT trên

CO2 trong bầu khí quyển tăng cao cùng với các hiện tượng thời tiết cực đoan khiến thiên tai, thảm họa hoành hành khắp thế giới. Cháy rừng, lũ lụt, nắng nóng kỷ lục - tất cả khiến bức tranh thiên tai năm 2019 hiện lên đầy ám ảnh. Thảm họa thiên nhiên không chỉ gây thiệt hại về người và của mà còn khiến môi trường tự nhiên bị tổn thương nghiêm trọng, gia tăng tác động của biến đổi khí hậu.

Những thảm họa tự nhiên khốc liệt nhất năm 2019 - Ảnh 1
Cháy rừng ở Úc tháng 11/2019. (Ảnh: BBC)

Cháy rừng trên diện rộng

Năm 2019 chứng kiến hàng trăm nghìn vụ cháy rừng diễn ra trên khắp thế giới. Vụ việc đáng chú ý nhất là cháy rừng Amazon ở Nam Mỹ. Theo số liệu của Trung tâm nghiên cứu vũ trụ quốc gia Brazil (INPE), năm 2019 ghi nhận gần 80.000 vụ cháy rừng Amazon, trong đó khoảng 40.000 vụ thuộc địa phận Brazil, 19.000 vụ xảy ra ở Bolivia, 11.000 ở Paraguay và 6.700 vụ thuộc địa phận Peru. Ước tính, hơn 906.000 hecta rừng Amazon đã bị thiêu rụi trong năm 2019.

Amazon là rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới, trải dài trên 8 quốc gia, chiếm đến 40% diện tích Nam Mỹ. Ðây là nơi sinh sống của hơn 30 triệu người, cũng là nơi cư trú của rất nhiều loài động vật có vú, chim, bò sát, động vật lưỡng cư quý hiếm trên thế giới. Rừng Amazon cung cấp 20% lượng oxy của trái đất, được ví như lá phổi xanh của hành tinh. Cháy rừng Amazon trên diện rộng không chỉ ảnh hưởng đến người dân trong khu vực, đe dọa hệ sinh thái rừng nhiệt đới mà còn tác động mạnh đến tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Tổ chức môi trường Greenpeace cho biết cháy rừng và biến đổi khí hậu là một vòng tròn luẩn quẩn. Các vụ cháy rừng tăng, khí thải nhà kính cũng tăng. Ðiều này làm cho nền nhiệt độ trái đất tăng lên. Nhiệt độ tăng làm xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán kéo dài, cháy rừng lại xảy ra thường xuyên hơn. Cháy rừng thải ra một lượng lớn khí CO2, CO và khói bụi. Theo số liệu của Hệ thống quan trắc khí quyển Copernicus thuộc Uỷ ban châu Âu (CAMS), các vụ cháy rừng ở Amazon thải ra khoảng 579 megaton (1 megaton = 1 triệu tấn) khí CO2, cao nhất kể từ năm 2010. Lượng khí CO (carbon monoxide) - loại khí sinh ra khi gỗ rừng bị đốt cháy trong tình trạng thiếu oxy, có khả năng gây chết người - gia tăng mạnh sau các vụ cháy rừng. Theo bản đồ của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA), khí CO nở rộ ở khu vực Tây Bắc rừng Amazon, đang di chuyển dần về phía Tây Nam và phía Ðông. Cả Nam Mỹ đang bao trùm bởi khí độc CO.

Không chỉ Amazon, thảm họa cháy rừng còn đe doạ tính mạng của hàng triệu người ở Úc. Hơn 150 đám cháy bùng phát vào đầu tháng 11/2019 ở cả bờ Ðông và bờ Tây nước Úc đã thiêu rụi hàng trăm căn nhà, gây thiệt hại ước tính hơn 30 triệu USD. Giới chức hai bang Queensland và New South Wales, nơi các đám cháy diễn ra khốc liệt nhất, phải ban bố tình trạng khẩn cấp trong 7 ngày, buộc người dân đi sơ tán, phong tỏa các tuyến đường và đóng cửa các cơ sở công cộng.

Các đám cháy dữ dội đến mức thay đổi thời tiết địa phương, tạo ra mây lửa không gây mưa nhưng có thể tạo ra sấm chớp. Các đám cháy lan đến vùng ngoại ô thành phố Sydney, nơi cư trú của hơn 5 triệu người. Cháy rừng vẫn thường xuyên xảy ra vào mùa khô ở Úc, nhưng đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước Úc phải nâng dự báo mối đe dọa từ cháy rừng đối với khu vực Sydney đến mức “thảm hoạ” - thang cao nhất trong đánh giá về mức độ nguy hiểm của cháy rừng. Khói mù và bụi mịn tăng cao khiến chất lượng không khí giảm sút nghiêm trọng ở các thành phố lớn đông dân như Sydney, Brisbane.

Những thảm họa tự nhiên khốc liệt nhất năm 2019 - Ảnh 2
Người dân ở Kampar, tỉnh Riau, Indonesia chạy khỏi nhà khi các đám cháy đến gần. (Ảnh: The Guardian)

Ngoài Nam Mỹ và Úc, cháy rừng còn hoành hành dữ dội ở khu vực Ðông Nam Á. Từ đầu tháng 9/2019, hàng nghìn hecta rừng thuộc đảo Borneo và Sumatra, Indonesia đã bốc cháy. Indonesia huy động hàng chục ngàn nhân viên cứu hoả vẫn không kiểm soát hết các đám cháy. Cháy rừng kéo dài hàng tháng trời khiến phần lớn khu vực Ðông Nam Á bị bao phủ bởi khói bụi độc hại.

Indonesia đã buộc phải đóng cửa hàng trăm trường học ở Sumatra, hơn 1.300 trường học tại Borneo. Khói dày đặc buộc hàng loạt chuyến bay phải huỷ bỏ. Khói mù cũng là nguyên nhân gây ra hơn 200.000 ca nhiễm trùng đường hô hấp ở Indonesia. Nước láng giềng Malaysia và Singapore cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ các đám cháy ở Indonesia. Gần 1.500 trường học ở Malaysia thuộc khu vực ảnh hưởng nặng nề bởi các đám cháy buộc phải đóng cửa để đảm bảo an toàn cho trẻ em. Chất lượng không khí của Singapore giảm xuống mức có hại cho sức khỏe.

Siêu bão hoành hành

Siêu bão Idai càn quét miền Ðông và Nam châu Phi được Liên Hợp Quốc đánh giá là tệ nhất trong lịch sử Nam bán cầu. Siêu bão Idai cướp đi sinh mạng của hơn 900 người, khiến 1,7 triệu người ở Mozambique và 920.000 người ở Malawi bị ảnh hưởng. Cơn bão mang theo lượng nước khổng lồ, gây lụt sâu tới 6m, tàn phá trên diện rộng. Ngoài thiệt hại về người và của, siêu bão Idai còn gây ra thảm hoạ nhân đạo trên diện rộng. Mozambique đối mặt với nguy cơ dịch bệnh bùng phát do thiếu nước sạch và các điều kiện vệ sinh cần thiết.

Những thảm họa tự nhiên khốc liệt nhất năm 2019 - Ảnh 3
Siêu bão Idai đổ bộ vào một số quốc gia châu Phi gây ngập sâu đến 6m, hàng trăm người thiệt mạng. (Ảnh: World Vision)

Tháng 8/2019, siêu bão nhiệt đới Lekima cướp đi sinh mạng của 90 người khi quét qua Trung Quốc, Philippines, quần đảo Ryukyu và Ðài Loan. Trung Quốc là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi Lekima làm chết 72 người, hàng trăm người mất tích, hơn 2 triệu người phải sơ tán, ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 12,8 triệu người. Lekima gây lũ lụt nghiêm trọng, hư hại cầu đường, 13.000 ngôi nhà bị sụp đổ, 119.000 ngôi nhà bị hư hại, 996.000 hecta hoa màu bị ảnh hưởng, ước tính thiệt hại hàng tỉ USD.

Cũng đạt cấp bão 5 giống Lekima, siêu bão cuồng phong Hagibis đổ bộ vào Nhật Bản vào đầu tháng 10/2019 khiến hơn 90 người thiệt mạng. Nhật Bản phải ra lệnh sơ tán hơn 6 triệu người trên cả nước. Siêu bão mang theo lượng mưa nặng hạt và sức gió mạnh nhất trong vòng 60 năm qua làm ngập lụt hàng chục nghìn ngôi nhà, gần 88.000 ngôi nhà bị sập và hư hại. Mỗi năm Nhật Bản đón khoảng 20 cơn bão lớn nhỏ nhưng đây là lần hiếm hoi Tokyo phải nâng mức cảnh báo lên màu đỏ - mức cao nhất về ảnh hưởng của bão.

Sóng nhiệt tấn công các châu lục

Năm 2019 chứng kiến những đợt sóng nhiệt huỷ diệt cướp đi mạng sống của hàng trăm người tại nhiều châu lục. Hai đợt sóng nhiệt dữ dội nhất càn quét nhiều quốc gia ở châu Âu vào tháng 6 và tháng 7/2019. Nhiệt độ cao kỷ lục trên 40 độ C được ghi nhận ở Bỉ, Pháp, Ðức, Anh, Hà Lan và Luxembourg. Sóng nhiệt làm tử vong ít nhất 870 người, giết chết hàng ngàn vật nuôi trong các trang trại. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng châu Âu (ECMWF), sóng nhiệt xảy ra trên khắp Bắc Âu do áp suất khí quyển cao hút không khí nóng từ phía Bắc châu Phi, Bồ Ðào Nha và Tây Ban Nha, làm tăng nhiệt độ và tăng độ ẩm. Các nhà khoa học lo ngại, sóng nhiệt sẽ diễn ra thường xuyên hơn với mức độ khắc nghiệt hơn trong những năm tới.

Những thảm họa tự nhiên khốc liệt nhất năm 2019 - Ảnh 4
Người dân Pháp tập trung ở đài phun nước để giải nhiệt trong đợt nắng nóng kỷ lục hồi tháng 6/2019. (Ảnh: The Sun)

Cùng chung số phận với châu Âu, một số quốc gia ở châu Á cũng hứng chịu những đợt sóng nhiệt gây chết người. Tại Ấn Ðộ, tháng 6/2019, sóng nhiệt tấn công làm 90 người thiệt mạng. Nhiệt độ ghi nhận được ở khu vực phía Bắc Ấn Ðộ vào thời điểm đó lên tới 49 độ C, gần với mức kỷ lục 51 độ C vào năm 2016. Tại Nhật Bản, sóng nhiệt được xếp vào loại thảm hoạ tự nhiên. Mỗi năm, hàng trăm người Nhật phải nhập viện do tác động của nắng nóng trên 41 độ C. Một đợt sóng nhiệt kỷ lục hồi tháng 7/2019 cướp đi sinh mạng của 160 người Nhật.

Kim Minh

Bạn đang đọc bài viết Những thảm họa tự nhiên khốc liệt nhất năm 2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bảo vệ môi trường – Nền tảng để phát triển kinh tế bền vững
Nhiều chuyên gia khẳng định rằng, bảo vệ môi trường chính là một trong những trụ cột để phát triển kinh tế xã hội bền vững. Khi kinh tế xã hội phát triển giúp chúng ta có đủ điều kiện để đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ vững độc lập chủ quyền của dân tộc.

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.
Cùng VPBank khám phá lễ hội ẩm thực Pháp Balade en France
Từ ngày 5 đến 7/4/2024, lễ hội ẩm thực Pháp Balade en France với quy mô lớn nhất từ trước đến nay sẽ diễn ra tại công viên Thống Nhất. Lễ hội với quy mô tăng gấp rưỡi so với năm ngoái, nhằm quảng bá ẩm thực Pháp và Thế vận hội Mùa hè Paris 2024.