Thái Bình: Thêm 4 sản phẩm đủ điều kiện đạt OCOP ở huyện Đông Hưng
Huyện Đông Hưng (Thái Bình) đã có 22 sản phẩm OCOP hạng 3 sao và 4 sao. Mới đây, huyện này có thêm 4 sản phẩm được Hội đồng chấm điểm và đánh giá đủ điều kiện đạt tiêu chuẩn OCOP.
Tại hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2024 huyện Đông Hưng, có 3 chủ thể đăng ký bình xét sản phẩm OCOP năm 2024 gồm: Hộ kinh doanh Trần Văn Đức (xã Nguyên Xá) với sản phẩm bánh cáy Thiên Đức; cơ sở sản xuất bánh kẹo Việt Hương (xã Nguyên Xá) với sản phẩm bánh cáy và sản phẩm kẹo lạc vừng thương hiệu Việt Hương; Công ty TNHH Mỹ nghệ Phương Đông (xã Đông Phương) với bộ sản phẩm đồ gia dụng thủ công mỹ nghệ.
Tại hội nghị, các thành viên Hội đồng đã tiến hành thẩm định hồ sơ, xem xét đánh giá trực tiếp trên sản phẩm với các tiêu chí: Tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm, sức mạnh cộng đồng, khả năng tiếp thị, câu chuyện về sản phẩm, cảm quan, dinh dưỡng, tính độc đáo, tiêu chuẩn sản phẩm và khả năng xuất khẩu.
Kết quả chấm thẩm định, các thành viên Hội đồng đã đánh giá, sản phẩm bánh cáy Thiên Đức đủ điều kiện đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao; sản phẩm bánh cáy, kẹo lạc vừng Việt Hương và bộ sản phẩm đồ gia dụng thủ công mỹ nghệ đủ điều kiện đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Đây là cơ sở để các chủ thể tiếp tục hoàn thiện hồ sơ và chuyển Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh làm căn cứ xét duyệt quyết định cấp tỉnh cho các sản phẩm.
Phát triển sản phẩm OCOP là một trong những mục tiêu để tỉnh Thái Bình hướng tới phát triển bền vững nền nông nghiệp và kinh tế tại địa phương. Thời gian qua, tỉnh này cũng chủ động mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng công nghệ hiện đại, gia tăng sản xuất gắn với bảo vệ môi trường. Nhiều sản phẩm OCOP đã vươn ra khỏi địa bàn, chiếm lĩnh nhiều thị trường lớn ở trong nước.
Việc xây dựng, phát triển chuỗi giá trị nông sản theo thế mạnh của từng địa phương gắn với chương trình OCOP đã mang lại hiệu quả cao. Sau khi được chứng nhận sản phẩm OCOP, nhiều sản phẩm có nguồn gốc từ nông sản, chăn nuôi, thủy sản được đầu tư cải tiến chất lượng, đa dạng mẫu mã, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Có thể thấy, việc xây dựng sản phẩm OCOP đã, đang và sẽ là hướng đi đúng đắn tại huyện Đông Hưng (Thái Bình), mở ra nhiều cơ hội, đem lại hiệu quả kinh tế cho nhiều người dân, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Sông Hồng