Thứ sáu, 20/09/2024 13:21 (GMT+7)
Thứ sáu, 23/12/2022 17:50 (GMT+7)

Tạo nền tảng vững, sẵn sàng thực thi một thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa

Theo dõi KTMT trên

Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương” góp phần giảm ô nhiễm rác thải nhựa thông qua việc hỗ trợ xây dựng các văn bản hướng dẫn để thực hiện các chính sách ưu tiên, tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với chất thải nhựa.

Theo báo cáo của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới, ước tính Việt Nam lãng phí gần 3 tỷ USD mỗi năm vì không tái chế hết rác thải nhựa từ sinh hoạt. Còn chất thải hữu cơ ước tính lãng phí hơn 30 tỷ USD mỗi năm khi gần 70% không được tái chế.

Trong vài thập kỷ qua, Việt Nam đã chứng kiến tốc độ đô thị hóa và phát triển kinh tế nhanh chóng đã góp phần thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng cũng như gia tăng các nguồn thải. Tổng lượng rác thải hàng năm đã tăng gấp đôi trong vòng 15 năm qua và dự báo sẽ tăng từ 27 triệu tấn năm 2018 lên 54 triệu tấn vào năm 2030. 

Để tham gia Thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa đại dương, tiến tới một khung pháp lý về chấm dứt ô nhiễm nhựa trên toàn thế giới, Việt Nam cũng đã có sự chuẩn bị khá sớm về chính sách pháp luật và xây dựng các văn bản hướng dẫn để thực hiện các chính sách ưu tiên liên quan đến chất thải nhựa với sự hỗ trợ từ Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương”.

Tạo nền tảng vững, sẵn sàng thực thi một thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa - Ảnh 1
Việt Nam đã có sự chuẩn bị khá sớm về chính sách pháp luật và xây dựng các văn bản hướng dẫn để thực hiện các chính sách ưu tiên liên quan đến chất thải nhựa với sự hỗ trợ từ Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương”.

Dự án với sự hợp tác của Tổ chức bảo vệ thiên nhiên thế giới (WWF) và Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã thu được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, từ Hợp phần Chính sách đã có những đột phá mang tính kịp thời, liên quan đến các hoạt động nghiên cứu, đánh giá, tham vấn và khuyến nghị, góp phần hoàn thiện khuôn khổ chính sách và thể chế nhằm tăng cường quản lý hiệu quả chất thải rắn và đưa hệ thống thực thi trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) do nhiều bên tham gia vào thực hiện ở cấp địa phương và quốc gia. Hợp phần này đã triển khai những hoạt động mang tính hỗ trợ, đảm bảo cam kết của Việt Nam trong việc tham gia một hiệp ước toàn cầu đầy tham vọng ràng buộc về mặt pháp lý về ô nhiễm nhựa, bao gồm quản lý rác thải nhựa đại dương.

Thông qua dự án, Tổng cục Biển và Hải đã góp phần tham mưu để Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 với những quy định về quản lý rác thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn về nhựa; tham gia thúc đẩy hình thành cơ chế đối tác công – tư để các cơ quan chính phủ có hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp cùng tìm kiếm và thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa theo chuỗi vòng đời nhựa; tham gia xây dựng cơ chế mở rộng trách nhiệm nhà sản xuất, nhà tiêu thụ đối với vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa đại dương… Từ đó, Luật bảo vệ môi trường 2020 được ban hành và thực thi với nhiều tinh thần mới, mang đầy đủ tính chất pháp lý, tạo nền tảng cơ bản để sẵn sàng tham gia một thỏa thuận giảm nhựa mang tính chất toàn cầu.

Cụ thể, trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, trách nhiệm tái chế, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu được quy định cụ thể tại Điều 54, Điều 55. Nhà sản xuất, nhập khẩu được lựa chọn một trong bốn hình thức: Tự mình thực hiện tái chế; Thuê các đơn vị có chức năng tái chế; Liên kết với nhau thành lập tổ chức đại diện thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất để tổ chức hoạt động tái chế; và Đóng góp kinh phí cho Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để tổ chức tái chế.

Ngoài ra, Dự án cũng đã hỗ trợ mạnh mẽ và kịp thời để Việt Nam xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng cho việc triển khai hoạt động quản lý rác thải nhựa như Quyết định số 1855/QĐ- BTNMT ngày 4/12/2019 thực hiện Quyết định số 1746/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất thải nhựa đại dương đến năm 2030; Nghị định số 08/2022/NĐ- CP ngày 10/1/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT 2020 tích hợp khung EPR; Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản 2020 – 2030; Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bên cạnh đó, hiện các cơ quan chuyên môn của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương có liên quan để cùng xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động quản lý rác thải nhựa theo Quyết định 1746/QĐ-TTg; đã xây dựng được dự thảo số 02 kế hoạch hành động của Bộ Nông nghiệp và Phát triển về rác thải nhựa đại dương. Đến nay có 11/28 tỉnh, thành phố có biển đã ban hành kế hoạch hành động của mình như: Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre…

Tổng cục đã huy động các nguồn lực trong và ngoài nước, đặc biệt là các tổ chức quốc tế để thúc đẩy các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương tại nhiều vùng miền, địa phương ven biển trên cả nước. Tại các địa phương, nhiều sáng kiến, phong trào phân loại, thu gom, tái chế và xử lý chất thải nhựa, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường được phát huy.

Hiện Dự án được triển khai tại 9 tỉnh/thành và khu vực ven biển, góp phần giảm ô nhiễm rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam thông qua việc hỗ trợ xây dựng các văn bản hướng dẫn để thực hiện các chính sách ưu tiên liên quan đến chất thải nhựa, các hoạt động truyền thông, tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với chất thải nhựa, nhằm hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 tại Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Thi, Chuyên viên chính Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên Môi trường, để thúc đẩy một nền kinh tế tuần hoàn thì “Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR)” là một trong những công cụ được xem là một cách tiếp cận mới nhằm hướng tới mục tiêu tăng cường tái sử dụng, tái chế, giảm thiểu chất thải bằng việc thúc đẩy sự thay đổi thiết kế sản phẩm, bao bì.

Đồng thời cũng hướng tới việc tìm kiếm giải pháp tài chính xử lý vấn đề quản lý chất thải để giúp Chính phủ đạt được mục tiêu về môi trường mà không cần tăng thuế hay phí môi trường.

Thùy Dung - Thế Anh

Bạn đang đọc bài viết Tạo nền tảng vững, sẵn sàng thực thi một thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Lợi thế đắt giá đến từ vị trí của phân khu Victoria
Là phân khu hưởng trọn lợi thế siêu kết nối của đại đô thị, cùng vị trí đắc địa khi nằm tách biệt với các dự án khác, The Victoria trở thành giao điểm kết nối giữa nhịp sống sôi động và yên bình để trở thành một điểm nhấn khác biệt của Vinhome Smart City.