Thúc đẩy cam kết và hành động vì “một đại dương không rác thải nhựa”
Hội nghị liên Chính phủ Cơ quan Điều phối các Biển Đông Á lần thứ 25 là sự kiện có tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực và trên trường quốc tế, góp phần thúc đẩy cam kết và triển khai hiệu quả Kế hoạch về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.
Rác thải nhựa và những hiểm họa khó lường
Báo cáo mới đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy, trong năm 2021, thế giới đã sử dụng 460 triệu tấn nhựa, gần gấp đôi so với con số ghi nhận năm 2000. Mặc dù, rác thải nhựa gia tăng, song chỉ có 15% được phát hiện là đã được thu gom để tái chế, nhưng chỉ có 9% được tái chế thực sự, 6% còn lại được xử lý làm chất cặn bã. Nhiều chất dẻo đã bị rò rỉ vào môi trường nước, với 1,7 triệu tấn chảy ra đại dương trong năm 2019. Ước tính có khoảng 30 triệu tấn rác thải nhựa trong đại dương và 109 triệu tấn khác tích tụ trong các dòng sông.
Theo báo cáo của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF), trên toàn thế giới, có khoảng từ 19 - 23 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển mỗi năm - tương đương một xe container rác đổ ra biển mỗi phút - trong đó, phần lớn là rác thải sản phẩm nhựa dùng 1 lần. Rác này chiếm tới 60% nguyên nhân gây ô nhiễm đại dương, mặc dù, ngày càng nhiều quốc gia áp dụng các quy định cấm sử dụng sản phẩm nhựa này. Theo đó, rác thải nhựa đã xuất hiện ở những vùng xa xôi nhất và những vùng nguyên sinh của trái đất như vùng băng Bắc Cực và trong các loài cá sinh sống tại khu vực sâu nhất của đại dương là Rãnh Mariana.
Hiện tại, Việt Nam là nước có tỷ lệ rác thải nhựa đại dương cao, cộng với ô nhiễm nguồn nước nên dự kiến Việt Nam thiệt hại 3,5% tổng sản phẩm nội địa (GDP) vào năm 2035, cùng với đó là dự báo biến đổi khí hậu và thiên tai sẽ ảnh hưởng tới 11% GDP của Việt Nam đến năm 2030.
Tác động tiêu cực các hoạt động phát triển của con người đến môi trường, các hệ sinh thái trên lưu vực sông và ở vùng bờ biển ngày càng nhiều, đặc biệt khi dân số, nhu cầu tiêu thụ tài nguyên ngày càng gia tăng.
Theo một nghiên cứu năm 2021, trong số 555 loài cá được kiểm tra, có tới 386 loài đã ăn phải rác thải nhựa. Một nghiên cứu khác được tiến hành với các loài cá đánh bắt phục vụ thương mại cho thấy, 30% cá tuyết trong một đợt đánh bắt tại biển Bắc chứa hạt vi nhựa trong dạ dày của chúng.
Báo cáo của WWF cho biết, 88% các loài sinh vật biển mà tổ chức này nghiên cứu bị ảnh hưởng bởi sự ô nhiễm nhựa rất nghiêm trọng. Ít nhất có 2.144 loài phải sống trong môi trường ô nhiễm nhựa. Báo cáo cũng dự đoán sản lượng nhựa sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040, khiến lượng rác thải nhựa trên đại dương tăng gấp 4 lần. Hiện mỗi năm có khoảng 14 triệu tấn rác thải nhựa trôi ra đại dương.
Đáng chú ý, trong 2 năm gần đây, khi đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu, lượng rác thải nhựa phát sinh do dịch Covid-19 quá tải và việc thu gom, xử lý của các quốc gia càng trở nên khó khăn. Các nghiên cứu cho thấy, đại dịch Covid-19 đã phát sinh khoảng 26 nghìn tấn rác thải nhựa, tương đương với 2.000 xe buýt 2 tầng xả ra đại dương. Trong đó chủ yếu là các thiết bị bảo hộ cá nhân như: Khẩu trang, găng tay.
Các nhà khoa học dự đoán rằng vào cuối thế kỷ này, gần như toàn bộ lượng rác thải nhựa liên quan đến đại dịch Covid-19 sẽ trôi dạt trên mặt biển hoặc nằm sâu dưới đáy đại dương. Đáng chú ý, các loại chất thải nhựa chủ yếu từ nguồn chất thải y tế trong các bệnh viện. Thực tế này đã đặt ra bài toán lâu dài trong việc bảo vệ môi trường biển, đặc biệt trên bề mặt đại dương và khu vực trầm tích ven biển.
Việt Nam chủ trì Hội nghị Điều phối các Biển Đông Á
Hội nghị liên Chính phủ Cơ quan Điều phối các Biển Đông Á lần thứ 25 Phần 2 do Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam chủ trì tổ chức, diễn ra từ ngày 10 – 14/10 tại Hà Nội.
Đây là sự kiện quan trọng, tạo được tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực và trên trường quốc tế, góp phần thúc đẩy cam kết và triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2025, đặt mục tiêu giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; 80% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; bảo đảm tối thiểu một năm hai lần phát động tổ chức chiến dịch thu gom, làm sạch các bãi tắm biển trên toàn quốc; 80% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa.
Đến năm 2030, đặt mục tiêu giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa.
Bên cạnh đó, đây là sự kiện nhằm triển khai mạnh mẽ đường lối đối ngoại của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII về hội nhập quốc tế sâu rộng; góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 08/8/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030; Quyết định số 1746/QĐ-TTg 4/12/2019 về việc Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; Quyết định số 1407/QĐ-TTg ngày 16/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương; Quyết định 647/QĐ-TTg 18/5/2020 phê duyệt Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030.
Sự kiện này góp phần thể hiện vai trò chủ động và tích cực, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực ASEAN và trên thế giới; thể hiện là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng tham gia vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, đặc biệt là vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa đại dương nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Qua đó, truyền đạt thông điệp đến cộng đồng quốc tế về quyết tâm, nỗ lực và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về phát triển bền vững, đặc biệt trong việc thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về phát triển bền vững kinh tế biển, chống rác thải nhựa đại dương. Đồng thời, góp phần tăng cường, thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương; tìm kiếm các cơ hội tiếp nhận hỗ trợ tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực trong các lĩnh vực: quản trị biển và đại dương, điều tra đánh giá rác thải nhựa đại dương, xử lý rác thải nhựa đại dương.
Hội nghị liên Chính phủ của Cơ quan Điều phối các Biển Đông Á (COBSEA) (sau đây gọi tắt là IGM) được tổ chức luân phiên 02 năm một lần. Trước đó, từ ngày 2-5/11/2009 Việt Nam đã chủ trì tổ chức thành công Hội nghị liên Chính phủ COBSEA lần thứ 20 tại TP.Hạ Long. Hội nghị có sự tham dự của đại diện 7 nước thành viên của COBSEA.
Năm 2021, Việt Nam là quốc gia luân phiên tổ chức Hội nghị liên Chính phủ Cơ quan Điều phối các Biển Đông Á lần thứ 25 (sau đây gọi tắt là IGM25). Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Hội nghị IGM25 được các quốc gia thành viên thống nhất tổ chức thành 2 phần. Phần 1, Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tuyến. Phần 2, Hội nghị sẽ tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Việt Nam do Tổng cục biển và Hải đảo Việt Nam chủ trì vào các ngày 10– 14/10.
Lan Anh