Thứ tư, 24/04/2024 14:03 (GMT+7)
Thứ năm, 25/11/2021 08:00 (GMT+7)

Tăng cường quản lý môi trường vì một bầu 'không khí xanh'

Theo dõi KTMT trên

Đô thị hóa phát triển kéo theo nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Khí thải từ các phương tiện giao thông đường bộ và các hoạt động sản xuất gây ra để lại nhiều hệ lụy đòi hỏi phải sớm có giải pháp kiểm soát.

Thời gian qua, ô nhiễm không khí tại nhiều địa phương trên cả nước vẫn có chiều hướng gia tăng cả về quy mô, mức độ, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và sức khỏe cộng đồng.

Đáng chú ý, xe cũ đang là một trong những nguồn phát thải khí độc hại ra ngoài môi trường, gây ô nhiễm không khí đòi hỏi các đơn vị chức năng cần sớm thu hồi, không cho lưu hành tham gia giao thông.

Phân tích từ các cơ quan chuyên môn, một chiếc xe máy hoạt động sẽ thải ra 80-90% khí CO và khí NO, 50% lượng NOx trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới. Đáng lo ngại là trong quá trình hoạt động, xe cũ sẽ thải ra môi trường lượng khí độc cao gấp nhiều lần so với những loại xe được bảo dưỡng định kỳ.

Trước thực trạng đó, Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021-2025 (Kế hoạch) vừa được ban hành. 

Theo kế hoạch, mục tiêu nhằm kiểm soát tốt các nguồn khí thải công nghiệp thuộc đối tượng quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đảm bảo các cơ sở sản xuất công nghiệp kiểm soát, xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường và đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động liên tục.

Tăng cường quản lý môi trường vì một bầu 'không khí xanh' - Ảnh 1
Đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng sử dụng nhiên liệu sinh học, góp phần bảo vệ môi trường. (Ảnh: Shutterstock.com)

Đồng thời, rà soát, hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành lộ trình áp dụng tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam. Tăng cường công tác giám sát, cảnh báo, dự báo chất lượng không khí xung quanh tại các đô thị, các khu vực tập trung nhiều nguồn thải. Kiểm soát hiệu quả các nguồn khí thải phát sinh từ các hoạt động dân sinh, xây dựng, nông nghiệp.

Phòng ngừa, giảm thiểu phát thải khí thải

Một trong các nhiệm vụ và giải pháp của Kế hoạch là phòng ngừa, giảm thiểu phát thải khí thải. Cụ thể, tiếp tục thực hiện Đề án “Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tập trung vào nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến kiến thức về nhiên liệu sinh học và đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng sử dụng nhiên liệu sinh học.

Ngoài ra, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ thực hiện đầu tư, đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, thiết bị sản xuất, nâng cao năng lực, trình độ công nghệ quản trị; Phát triển, ứng dụng các công nghệ xử lý môi trường; Lắp đặt, vận hành các hệ thống xử lý khí thải đảm bảo đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường; Lắp đặt và vận hành thiết bị quan trắc khí thải tự động, liên tục.

Đặc biệt, tổ chức thực hiện lộ trình áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và đang lưu hành ở Việt Nam; Áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật môi trường, tiêu chuẩn quốc gia về quản lý chất lượng không khí và khí thải cho các ngành sản xuất và phương tiện giao thông vận tải; Rà soát, đánh giá năng lực sản xuất, xây dựng kế hoạch cung ứng nhiên liệu phù hợp với quy chuẩn khí thải và lộ trình áp dụng quy chuẩn khí thải đối với phương tiện cơ giới tham gia giao thông. Kiểm soát chất lượng nhiên liệu đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Tổ chức thực hiện chính sách kiểm soát khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; Phát triển các phương tiện giao thông vận tải sử dụng năng lượng, nhiên liệu thân thiện với môi trường; Tăng cường kiểm soát ô nhiễm bụi, khí thải trong hoạt động thi công xây dựng. Nghiên cứu, xây dựng, ứng dụng mô hình đánh giá lan truyền ô nhiễm không khí và dự báo chất lượng môi trường không khí.

Tăng cường quản lý môi trường vì một bầu 'không khí xanh' - Ảnh 2
Cần nghiên cứu, xây dựng, ứng dụng mô hình đánh giá lan truyền ô nhiễm không khí và dự báo chất lượng môi trường không khí. (Ảnh: Shutterstock.com)

Tăng cường kiểm định khí thải các phương tiện giao thông đường bộ

Nhiệm vụ và giải pháp khác là thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường không khí. Trong đó, đẩy mạnh thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường không khí tại các công trường xây dựng, cơ sở công nghiệp, năng lượng, y tế và giao thông vận tải.

Tăng cường công tác kiểm định khí thải đối với các phương tiện giao thông đường bộ, đảm bảo các phương tiện tham gia giao thông đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường.

Huy động sự tham gia của cộng đồng đối với việc giám sát khí thải phát sinh từ các cơ sở công nghiệp, năng lượng, giao thông, xây dựng và các nguồn khí thải khác.

Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Môi trường, TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông nhận định, phương tiện cũ nát là một trong những thủ phạm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hiện nay. Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, việc hạn chế những chiếc xe cũ nát thải nhiều khí độc hại ra môi trường là điều cần thiết. Tuy nhiên, để kiểm soát cũng như thu hồi các phương tiện cũ nát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường phải có biện pháp đồng bộ toàn diện và theo lộ trình chứ không thực hiện nửa vời.

Trước đó, từ ngày 12/11 đến 30/11, Hà Nội triển khai chương trình “Xe sạch – Trời xanh” thí điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cải thiện chất lượng không khí chính thức được khởi động.

Chương trình nhằm đánh giá hiện trạng phát thải của xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố, thực thi các giải pháp cải thiện chất lượng không khí và quản lý giao thông hiệu quả. Từ kết quả của đánh giá này sẽ làm cơ sở xây dựng các khuyến nghị, chính sách bảo vệ môi trường và giao thông bền vững. Do đó, các phương tiện vẫn tiếp tục được lưu vẫn được tiếp tục lưu hành sau khi được kiểm tra khí thải. Trong đó, thí điểm đo phát thải 18.000 xe máy trên toàn quốc (trong đó 5.000 xe máy tại Hà Nội).

Trao đổi về vấn đề này, ông Trịnh Xuân Báu - trưởng bộ môn công trình, phân hiệu Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM cho rằng việc giảm thiểu ô nhiễm, giảm thiểu các tác động xấu đến sức khỏe người dân đô thị, cũng là giảm thiểu thiệt hại về kinh tế là vấn đề cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Việc kiểm soát khí thải còn góp phần để người dân hình thành một thói quen tốt là khi tham gia giao thông, xe phải đảm bảo những điều kiện cơ bản về an toàn, kể cả khí thải - đây là vấn đề mà xã hội văn minh nào cũng muốn hướng tới.

Bên cạnh đó, việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông một cách trọng tâm để phát triển nhanh và bền vững, đồng thời đáp ứng được mức tăng trưởng kinh tế, xã hội và phương tiện giao thông. Ưu tiên xây dựng các tuyến đường riêng cho phương tiện công cộng, xe đạp và người đi bộ...

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tăng cường quản lý môi trường vì một bầu 'không khí xanh'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ứng phó nguy cơ cháy rừng
Tình trạng nắng nóng gay gắt dự báo diễn ra tháng 4-6/2024, nhiều địa phương cần chủ động phòng, chữa cháy rừng tại các khu vực có nguy cơ cao. Vừa qua Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng cấp quốc gia.

Tin mới