Tăng cường hợp tác quốc tế, nắm bắt xu hướng phát triển kinh tế xanh và bền vững
Phát triển kinh tế xanh là xu hướng tất yếu của nền kinh tế trên toàn thế giới trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tiêu cực, tài nguyên thiên nhiên bị tàn phá nghiêm trọng.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có buổi tiếp và làm việc với ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham); ông Thomas Wiersing, Bí thư thứ nhất, Đại diện lâm thời Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam.
Được biết, ngay sau khi Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) kết thúc, EuroCham đã xây dựng các chương trình mục tiêu phát triển và thể hiện cam kết mạnh mẽ của mình đồng hành cùng nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh, ít phát thải carbon, hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050. EuroCham đã triển khai sáng kiến tổ chức Hội nghị cấp cao và Triển lãm Kinh tế xanh (GEFE 2022) thu hút hơn 200 doanh nghiệp của châu Âu tham gia triển lãm. Theo đó, đây là cơ hội cho Việt Nam và các doanh nghiệp trên thế giới chia sẻ và hợp tác toàn diện hơn nữa. Thông qua đó, Việt Nam tiếp cận nguồn vốn, công nghệ hiện đại trong việc phát triển kinh tế xanh, bền vững.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà trân trọng cảm ơn những đóng góp của cá nhân ông Alain Cany và EuroCham cùng các doanh nghiệp thành viên đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các cơ chế chính sách, đặc biệt là trong việc xây dựng Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn.
Bộ trưởng mong muốn ông Alain Cany và các thành viên của EuroCham sẽ tiếp tục có những phản hồi và đóng góp ý kiến cho quá trình hoàn thiện thể chế chính sách về tài nguyên và môi trường, có phản ánh kịp thời về những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam.
Trong thời gian tới, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu sẽ hợp tác chặt chẽ, đồng hành cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường để triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các nội dung liên quan đến các cam kết của Việt Nam về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Trước đó, ông Đào Xuân Lai, Trưởng phòng Biến đổi khí hậu và Môi trường của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, phát triển kinh tế xanh cần thời gian và đặc biệt nó thích ứng, phù hợp với các nước có tiềm lực kinh tế mạnh. Đối với Việt Nam, nguồn lực còn tương đối hạn chế và còn rất nhiều ưu tiên như thích ứng với biến đổi khí hậu hay các ưu tiên về giảm nghèo, phát triển kinh tế.
Để làm được điều này, Chính phủ cần phải có những định hướng để phát triển theo, bắt nhịp cũng như tận dụng được những cơ hội quốc tế mà thị trường thực tiễn đặt ra, đồng thời phát triển sao cho phù hợp với bối cảnh cũng như điều kiện của Việt Nam. Trên tinh thần đó thì về bản chất, bên cạnh sự cam kết hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ phải dựa vào chính nguồn lực trong nước.
Theo Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam 2021, Việt Nam có nhiều tiềm năng chuyển đổi xanh để trở thành một nền kinh tế có mức phát thải carbon ròng bằng không vào năm 2050 như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết tại COP26 ở Glasgow. Đặc biệt, Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam đã xem xét kịch bản để Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050 và nghiên cứu chuyên sâu về chuyển đổi năng lượng trong lĩnh vực giao thông theo đó điện khí hóa ngành giao thông, chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu điện phân, và tăng cường phương thức vận tải bằng đường sắt điện khí hóa sẽ giúp giảm đáng kể lượng khí thải carbon và ô nhiễm không khí.
Cũng trong giai đoạn này, lần đầu tiên, Việt Nam có Luật Đa dạng sinh học, Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu với các quan điểm mới tiếp thu từ quốc tế, vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong nước về phát triển bền vững, sử dụng khôn khéo các hệ sinh thái; ứng phó kịp thời với tác động của biến đổi khí hậu. Qua đó, đánh dấu bước hội nhập mới của Việt Nam với quốc tế,…
Đặc biệt, khi thế giới bước vào thời kỳ tăng cường ứng phó với thách thức lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ 21 là biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển kinh tế biển xanh, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, Việt Nam cũng đẩy mạnh thực hiện quá trình chuyển dịch mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” (sử dụng các nguồn tài nguyên có thể tái tạo, phát thải thấp), phát triển bền vững kinh tế biển.
Theo TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Việt Nam có rất nhiều tiềm năng về phát triển các lĩnh vực kinh tế xanh. Thực tế là các nước trên thế giới, kể cả những quốc gia phát triển ở châu Âu hay ở Hoa Kỳ, các hiệp hội kinh doanh năng lượng của họ đều đang “nhòm ngó” vào thị trường năng lượng xanh của Việt Nam và họ cũng đã có những can thiệp về mặt các thỏa thuận quốc tế để làm sao có thể tham gia vào thị trường Việt Nam.
Thế mạnh tiếp theo là nông nghiệp, Việt Nam có thể đáp ứng nhu cầu về thị trường sản xuất, mô hình sản xuất hữu cơ, sản xuất xanh theo mô hình kinh tế tuần hoàn của các thị trường khó tính, cũng như nhu cầu ngày càng cao của người dân Việt Nam được tiếp cận, tiêu thụ những sản phẩm tiêu dùng xanh hơn, sạch hơn.
Lan Anh