Thực hiện kinh tế tuần hoàn tốt chính là đang thực hiện nền kinh tế xanh
"Thực hiện KTTH tốt chính là đang thực hiện nền kinh tế xanh", PGS.TS Nguyễn Thế Chinh nhấn mạnh tại Hội thảo “Thúc đẩy tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững: Kết nối tầm nhìn quốc gia với hành động của địa phương và doanh nghiệp” mới diễn ra.
Cần luận giải rõ nội hàm của kinh tế tuần hoàn
Theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường có 3 vấn đề cần luận giải đối với nền kinh tế tuần hoàn, đó là: Luận giải về kinh tế tuần hoàn; chủ trương, chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam; một số khuyến nghị về phát triển kinh tế tuần hoàn hướng đến nền kinh tế xanh.
Vị chuyên gia về môi trường cho biết, khái niệm “kinh tế xanh” (Green economy), “kinh tế carbon thấp” (Low carbon economy) ra đời trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu và duy trì hệ sinh thái tự nhiên vốn có của trái đất do sự mất mát quá nhiều hệ sinh thái và đa dạng sinh học.
Kinh tế xanh chính là giảm thiểu carbon và duy trì hệ sinh thái vốn có của thiên nhiên. Ông Chinh cũng nhấn mạnh, giữa kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh có mối quan hệ với nhau. Việc thực hiện kinh tế tuần hoàn tốt chính là đang thực hiện nền kinh tế xanh, hướng tới phát triển bền vững.
Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cũng khái quát chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tuần hoàn được thể hiện qua Điều 142 - Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Việt Nam khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất.
Trên cơ sở quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 tại điều 142, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ đã cụ thể hóa các điều khoản quy định về kinh tế tuần hoàn tại chương X, mục 3 như sau: Điều 138 quy định chung về kinh tế tuần hoàn; Điều 139 quy định về lộ trình, trách nhiệm thực hiện kinh tế tuần hoàn; Điều 140 về cơ chế khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn.
5 giải pháp để phát triển kinh tế tuần hoàn hướng đến nền kinh tế xanh
Thứ nhất, về nhận thức, ông Chinh nhấn mạnh, giải pháp đầu tiên và rất quan trọng đó là cần luận giải rõ nội hàm của các khái niệm và định nghĩa “kinh tế tuần hoàn” và “kinh tế xanh”, từ đó tuyên truyền và phổ biến nhân rộng cho toàn xã hội.
Thứ hai, về tiêu chí, kinh tế tuần hoàn có tiêu chí của kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh có tiêu chí của kinh tế xanh, giữa các tiêu chí này có sự giống nhau và khác nhau thế nào?
Thứ ba, về cơ chế chính sách, cần tiếp tục khắc phục sự bất cập trong các chính sách ban hành liên quan đến kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh. Chúng ta đang triển khai đồng thời “chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh” và “đề án kinh tế tuần hoàn”, hai nội dung này phải có sự bổ sung và là tiền đề cho nhau.
Thứ tư, đặt trong bối cảnh mở cửa và hội nhập kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, nhất là thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Do vậy, việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn đối với các sản phẩm hàng hóa, nhất là hàng hóa xuất khẩu vào các thị trường đòi hỏi chất lượng cao, như: EU, Mỹ, Nhật, Australia…, thực hiện kinh tế tuần hoàn trong quá trình sản xuất chính là đạt các tiêu chí môi trường và các tiêu chí khác, sản phẩm xuất khẩu thuận lợi cho những tiêu chí xanh có quy định về nhãn xanh, nhãn sinh thái.
Thứ năm, sự gắn kết của kinh tế tuần hoàn với các tiêu chí xanh khác để hướng đến nền kinh tế xanh.
Theo PGS.TS Chinh, về cơ bản, mô hình kinh tế tuần hoàn được thực hiện trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chủ các doanh nghiệp đóng vai trò chính, nền kinh tế xanh không chỉ thực hiện trong nội bộ doanh nghiệp, mà còn gắn với môi trường thiên nhiên như: không gian xanh, đa dạng sinh học và môi trường thiên nhiên.
Do vậy, sự gắn kết của thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn đặt trong môi trường cụ thể và bổ sung tiêu chí xanh thân thiện môi trường chính là kinh tế tuần hoàn hướng đến nền kinh tế xanh.
PV