Tăng cường cải thiện chất lượng môi trường nước tại Hà Nội
Thông tin từ Sở TN&MT Hà Nội mới đây cho biết, đến hết tháng 8/2021, nhiều khu vực ô nhiễm môi trường nước trên địa bàn thành phố đã được xử lý, cải tạo.
Theo các chuyên gia nhận định, hiện các nguồn ô nhiễm môi trường ở Hà Nội chủ yếu là ô nhiễm nước mặt trong các sông, hồ, kênh thoát nước; ô nhiễm không khí và ô nhiễm chất thải rắn, rác thải sinh hoạt do chưa được phân loại, xử lý dứt điểm… Thống kê trong 6 tháng đầu năm 2021, công tác thanh tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường đã tiến hành xử lý hành chính 533 cơ sở trên tổng số 724 cơ sở kiểm tra, với tổng số tiền phạt hơn 5,7 tỉ đồng.
Trung bình mỗi ngày Hà Nội xả ra khoảng 900.000 m3 nước thải, trong khi công suất các nhà máy xử lý nước thải trên địa bàn hiện chỉ đạt 276.000 m3 (khoảng 28,8%). Phần còn lại được xả vào hệ thống ao hồ, kênh, mương và sông ngòi, dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là các sông nội đô như Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét, Nhuệ... một vài nơi có chỉ số ô nhiễm vượt quy chuẩn cho phép.
Mặc dù vậy, với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của các cơ quan chức năng, ý thức bảo vệ môi trường của người dân ngày càng cao, chất lượng môi trường trên địa bàn thành phố có chuyển biến tích cực.
Thông tin từ Sở TN&MT Hà Nội mới đây cho biết, đến hết tháng 8/2021, nhiều khu vực gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố đã được xử lý, cải tạo.
Cụ thể, các doanh nghiệp thoát nước, công ty vệ sinh môi trường đã tăng cường thu gom chất thải dọc các tuyến sông: Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét...; nạo vét 57 tuyến kênh mương trên địa bàn thành phố với 31.130 m3. Quận Nam Từ Liêm đã dừng hoạt động 2/8 trạm trộn bê tông, chuyển 2 cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư…
Điển hình như “điểm đen” mương Thuỵ Khuê (quận Tây Hồ) nhiều năm liền ô nhiễm nghiêm trọng, song đến nay đã được đầu tư bê tông cống hóa kiên cố, góp phần hạn chế phát sinh chất thải ra môi trường. Con mương ô nhiễm giờ đã thành tuyến đường giao thông sạch đẹp.
Tại quận Đống Đa, UBND quận đã xây dựng kế hoạch và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý ô nhiễm tại 3 hồ lớn là hồ Vuông, hồ Bán Nguyệt, hồ Khương Thượng.
Trong khi đó, UBND huyện Phú Xuyên đang tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng xử lý dứt điểm các điểm tập kết rác thải không đúng nơi quy định, các điểm tập kết rác lộ thiên trên địa bàn, cải tạo thành các đoạn đường, điểm trồng cây, trồng hoa, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.
Hay như tại huyện Mỹ Đức, hầu hết rác thải sinh hoạt đã được các cơ quan chức năng phân bổ, vận chuyển lên Khu xử lý chất thải Xuân Sơn nên lượng rác tồn đọng tại các bãi trung chuyển không nhiều. Huyện đang có chủ trương thực hiện xử lý ô nhiễm tại các bãi trung chuyển này bằng vôi bột, hóa chất diệt côn trùng và chế phẩm EM…
Ngoài ra, UBND các quận, huyện đã phối hợp kịp thời với các đơn vị chức năng tiến hành thanh, kiểm tra, xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường tại nhiều công trình xây dựng trên địa bàn thành phố. Trong số 11.071 công trình được kiểm tra, có 240 công trình vi phạm, trong đó có nhiều công trình gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới các công trình lân cận….
Trong những tháng cuối năm 2021, các đơn vị chức năng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, tập trung vào nhóm các cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình xây dựng phát sinh lượng chất thải lớn trên địa; kiểm tra xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường trên địa bàn TP.Hà Nội.
Theo báo cáo của Sở TN&MT Hà Nội, đến tháng 6/2021, Hà Nội có 1/3 cơ sở được chứng nhận hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để theo Quyết định 1788 của Thủ tướng Chính phủ là Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Còn lại 2/3 cơ sở đã hoàn thành việc xử lý ô nhiễm môi trường, đang chờ hướng dẫn của Bộ TN&MT để hướng dẫn thủ tục chứng nhận hoàn thành xử lý ô nhiễm môi trường.
Lan Anh (T/h)