Năm 2025, xử lý 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Trong chỉ tiêu đến năm 2025, ngành tài nguyên môi trường sẽ xử lý 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, 90% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý…
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Theo đó, ngành TN&MT xác định nhiều mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể để thực hiện đến năm 2025, phấn đấu đến năm 2025, xử lý 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Bên cạnh đó, từng bước kiềm chế xu hướng ô nhiễm môi trường không khí ở các đô thị lớn. 90% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý; phấn đấu tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp dưới 30% tổng lượng chất thải được thu gom; 100% chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế được thu gom, xử lý.
Bảo đảm 100% KCN, khu chế xuất đã đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 30% tổng lượng nước thải tại các đô thị loại II trở lên và 10% đối với các đô thị từ loại V trở lên được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường.
Xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường tại các khu vực bị ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu, dioxin. Góp phần bảo đảm độ che phủ rừng được duy trì ở mức 42%; 13 khu đất ngập nước Ramsar, 12 khu dự trữ sinh quyển được thành lập và công nhận. Tăng diện tích các khu đất ngập nước quan trọng được bảo vệ; có ít nhất 10 loài nguy cấp được đưa vào chương trình bảo vệ.
Để thực hiện kế hoạch trên, Bộ TN&MT xác định triển khai hàng loạt các giải pháp thực hiện như: Nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Tập trung hoàn thiện chính sách pháp luật, kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước; Nâng cao năng lực và hiệu quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, tăng cường giám sát thực thi pháp luật.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Đổi mới cơ chế tài chính, tăng chi ngân sách và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư; Chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đối với chuyên đề về quản lý tài nguyên, biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường cũng xác định các giải pháp cụ thể, phù hợp.
Mới đây, Luật Bảo vệ Môi trường 2020 đã đưa kiểm toán môi trường thành một nội dung trong Luật. Theo đó: “Kiểm toán môi trường là công cụ kiểm tra các hoạt động bảo vệ môi trường nhằm đánh giá mức độ tuân thủ chính sách, quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường để nâng cao hiệu quả sử dụng tiết kiệm tài nguyên, quản lý chất thải, ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ môi trường của các tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ”.
Để tăng cường kiểm toán môi trường, ông Vũ Văn Hồng, Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chuyên ngành III cho rằng cần sớm trình Chính phủ xây dựng, ban hành các Nghị định về công tác kiểm toán môi trường, đặc biệt xác định quyền hạn và trách nhiệm của KTNN trong công tác kiểm toán môi trường. Bổ sung nội dung cụ thể về kiểm toán môi trường trong Luật KTNN. Xây dưng hệ thống cơ sở dữ liệu về kiểm toán môi trường một cách đầy đủ, chính xác và khoa học, giúp kiểm toán viên thu thập thông tin để lựa chọn chủ đề kiểm toán tiềm năng.
Xuân Hòa (t/h)