Thứ năm, 25/04/2024 00:15 (GMT+7)
Thứ sáu, 22/10/2021 14:00 (GMT+7)

Tại sao người Việt không kiếm tiền từ hơn 40 triệu tấn rơm mỗi năm?

Theo dõi KTMT trên

Khảo sát thị trường cho thấy, mỗi tấn rơm được rao bán trên Amazon có giá từ 80-100 USD, nhưng Việt Nam lại bỏ lãng phí cả tỉ USD khi đến gần 50% phụ phẩm rơm bị vứt bỏ.

Chưa tận dụng hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp

Nước ta có nền nông nghiệp nhiệt đới phát triển, có sản lượng nông sản lớn, đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho trên 97 triệu dân và xuất khẩu trên 41 triệu USD tới trên 180 nước, vùng lãnh thổ. Trong quá trình sản xuất, bảo quản, sơ chế, chế biến các nông sản đó, tỉ lệ phụ phẩm từ ngành lâm nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản là rất lớn.

Ở góc độ nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh, nông phụ phẩm này phải được xem là nguồn tài nguyên tái tạo, chứ không phải là chất thải, mà phải được xem là nguồn đầu vào quan trọng của quá trình tuần hoàn khác nhằm kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp.

Mỗi năm Việt Nam có khả năng sản xuất 43 triệu tấn thóc, theo đó sẽ có 43 triệu tấn rơm. Nhưng Việt Nam chỉ sử dụng được khoảng 23% sử dụng lại cho mục đích chăn nuôi, một phần sử dụng trong trồng trọt, còn đa phần là đang để phí hoài, chưa tái sử dụng được.

Tại sao người Việt không kiếm tiền từ hơn 40 triệu tấn rơm mỗi năm? - Ảnh 1
Phụ phẩm nông nghiệp còn đang bị lãng phí. (Ảnh minh họa)

Ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) bày tỏ tiếc nuối khi Việt Nam không thể chế biến, bỏ phí 50% lượng rơm với gần 20 triệu tấn/năm. Các phụ phẩm từ chăn nuôi, lâm nghiệp cũng chưa được tận dụng hiệu quả.

Mặt khác, đối với ngành chăn nuôi với 61,4 triệu tấn phân gia súc gia cầm cũng chỉ tận dụng được 23% để sản xuất phân bón hữu cơ. Còn lại đang bị bỏ phí chưa tái sử dụng.

Tuy nhiên theo hướng tích cực khác thì ngành thủy sản tận dụng tốt nhất phụ phẩm sau chế biến, điển hình là tách chiết collagen trong da cá tra để làm mỹ phẩm (colagell), vảy cá được sấy khô, nghiền nhỏ để chế biến nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thậm chí xuất khẩu.

Bỏ lỡ nhiều cơ hội rao bán

Phụ phẩm có nhiều vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Giá trị của phụ phẩm sẽ được nâng lên rất nhiều, nếu có định hướng đầu tư, chế biến nâng cao giá trị gia tăng. Hàng năm, sau khi thu hoạch vụ lúa đông xuân, người dân thường đốt rơm ngay trên đồng ruộng.

Đây là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, chất lượng không khí giảm sút. Cho nên, thay vì đốt rơm, việc ứng dụng sản xuất nấm rơm hay chế biến thành thức ăn phục vụ ngành chăn nuôi cần được đẩy mạnh hơn.

Tại sao người Việt không kiếm tiền từ hơn 40 triệu tấn rơm mỗi năm? - Ảnh 2
Đốt rơm ngoài đồng vẫn tiếp diễn nhiều năm (Ảnh: Anh Thắng)

Khảo sát thị trường cho thấy, mỗi tấn rơm được rao bán trên Amazon có giá từ 80-100 USD, nhưng Việt Nam lại bỏ lãng phí cả tỉ USD khi đến gần 50% phụ phẩm rơm bị vứt bỏ. Đây là tiềm năng lớn nhưng Việt Nam chưa tận dụng hết vì thiếu thốn về công nghệ. Muốn khai thác phụ phẩm rơm từ cây lúa, cần có công nghệ và cơ giới hóa đồng bộ, ví dụ có máy móc để đồng thời vừa tuốt lúa, vừa đóng vào bao, phun hóa chất để biến rơm thành phụ phẩm để xuất khẩu.

Ngoài rơm, hiện còn một số phế phụ phẩm ngoài việc thu gom, phân loại, sản phẩm đệm lót sau chăn nuôi gà thịt, gà đẻ trứng. Bên cạnh đó, còn có các phế phẩm của nhà máy giết mổ như lông, tiết… đều có thể bán, các cơ sở giết mổ đều có thể thu hoạch, xử lý để làm gối, sản phẩm nào không dùng đến thì có thể làm sản phẩm phân bón cho ngành trồng trọt.

Để khai thác hiệu quả nguồn nguyên liệu này, Việt Nam đang có nhiều biện pháp cụ thể để phụ phẩm nông nghiệp được sử dụng hữu hiệu, thiết thực hơn... Điều quan trọng, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền để nông dân hiểu, tiếp cận và ứng dụng các biện pháp kỹ thuật trong tái sử dụng hiệu quả nguồn phế phụ phẩm trong nông nghiệp nhằm đạt đa lợi ích.

Thu Hà (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Tại sao người Việt không kiếm tiền từ hơn 40 triệu tấn rơm mỗi năm?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới