Thứ năm, 28/03/2024 19:15 (GMT+7)
Thứ ba, 12/07/2022 13:00 (GMT+7)

Sửa đổi Luật Đất đai để đất đai trở thành nguồn lực lớn phát triển kinh tế - xã hội

Theo dõi KTMT trên

Đất đai là nguồn tài nguyên rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Việc xây dựng và sửa đổi Luật Đất đai nhằm bảo đảm quản lý, sử dụng, khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai phục vụ yêu cầu phát triển của đất nước.

Đất đai là nguồn tài nguyên quốc gia đặc biệt quan trọng và có ảnh hưởng sâu rộng tới mọi lĩnh vực, ngành nghề. Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ nguyên và Môi trường), khoảng 80% quyết định về các lĩnh vực kinh tế, chính trị hay xã hội của các cơ quan quản lý Nhà nước đều cần tới những thông tin có yếu tố vị trí địa lý hay thông tin về không gian.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ cũng cho biết, kể từ sau khi Luật Đất đai ra đời lần đầu tiên vào năm 1987, trải qua quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai theo từng thời kỳ phù hợp với quá trình đổi mới và phát triển đất nước, Luật Đất đai năm 1993, năm 2003 và năm 2013 đã được ban hành, cùng với nhiều lần sửa đổi, bổ sung.

Đến nay, hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai đã căn bản giải quyết được các vấn đề liên quan tới quản lý đất đai trong bối cảnh phát triển hiện tại của đất nước. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng trong thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cũng đã có chuyển biến rõ rệt, bảo đảm tốt hơn quyền lợi cho người có đất thu hồi.

Mới đây, Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vừa tổ chức phiên họp đầu tiên nhằm đánh giá lại toàn bộ Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trước khi trình lấy ý kiến rộng rãi.

Sửa đổi Luật Đất đai để đất đai trở thành nguồn lực lớn phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh 1
Luật Đất đai (sửa đổi) cần đặt lợi ích của nhân dân, của đất nước lên cao nhất, quan tâm đến lợi ích của người dân trong ngay trong từng chính sách cụ thể. (Ảnh minh họa)

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, trong những năm qua, Luật Đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Tuy nhiên, công tác quản lý và sử dụng đất vẫn chưa theo kịp tiến trình phát triển của thực tiễn.

Tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao". Đây là cơ sở chính trị rất quan trọng để hoàn thiện chính sách, pháp Luật Đất đai.

Ngay sau khi Nghị quyết số 18-NQ/TW được ban hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khẩn trương huy động các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để thể chế hóa các quan điểm, chủ trương mới vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các đại biểu tham dự cuộc họp cùng nhau đóng góp các ý kiến trên quan điểm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai tại Nghị quyết số 18-NQ/TW phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Luật Đất đai (sửa đổi) cần đặt lợi ích của nhân dân, của đất nước lên cao nhất, quan tâm đến lợi ích của người dân trong ngay trong từng chính sách cụ thể. 

Cùng quan điểm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là dự án luật quan trọng, cấp thiết cần khẩn trương xây dựng, ban hành nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về đất đai. Việc này nhằm bảo đảm quản lý, sử dụng, khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Xây dựng Dự án Luật chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ quy hoạch, kinh tế và hành chính để thúc đẩy sử dụng công bằng, hợp lý nguồn thu từ đất, khuyến khích sử dụng đất đai tiết kiệm, hiệu quả, bền vững…

Tại cuộc họp, các đại biểu cơ bản thống nhất với Dự thảo dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đồng thời tập trung thảo luận để thống nhất điều chỉnh mọi quan hệ quản lý, sử dụng đất đai, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất; thể chế hóa các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn đã được chứng minh nhưng chưa có trong quy định của pháp luật hiện hành; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực, giám sát thực hiện gắn với trách nhiệm của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý đất đai.

Các đại biểu cũng thảo luận hoàn thiện chế định quản lý đất đai theo chức năng là tài nguyên, tài sản, nguồn lực cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường; chế định cụ thể quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất để thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, các định hướng xã hội chủ nghĩa, quan tâm đến lợi ích của người dân trong ngay trong từng từng chính sách; thúc đẩy phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai. Ngăn ngừa, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai; khắc phục tình trạng sử dụng đất đai lãng phí, tham nhũng và đầu cơ đất đai.

Trước đó, đóng góp ý kiến vào việc sửa đổi Luật Đất đai, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần nhanh chóng sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và việc sửa đổi Luật phải giải quyết một cách căn cơ những bất cập trong việc đền bù, giải tỏa mặt bằng, định giá đất sát với thực tế, khơi thông được nguồn tiền đầu tư vào thị trường bất động sản một cách hiệu quả. Ngoài ra, việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 cũng góp phần tạo được sự chuyển biến trong quản lý nguồn tài nguyên đất và làm cho thị trường đất đai minh bạch, sử dụng đúng mục đích hơn.

Liên quan đến vấn đề này, Đại biểu Lê Xuân Thân – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hoà bày tỏ điểm quan điểm, khi sửa đổi Luật Đất đai cần chú trọng đến việc đóng góp ý kiến cho vấn đề bồi thường, giải tỏa mặt bằng, tái định cư cho người dân đến ở tại địa điểm khác khi Nhà nước, chính quyền địa phương có dự án xây dựng công trình xây dựng, cầu đường…

Ngoài ra, việc định giá đất trả cho người dân khi bị giải tỏa để địa phương xây dựng các công trình, dự án cũng cần xem xét kỹ lưỡng. Việc làm này nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân và góp phần giúp cho sử dụng nguồn lực đầu tư, giải tỏa mặt bằng từ đất đai một cách hiệu quả, không bị lãng phí nên cũng cần được Quốc hội khóa XV đưa ra bàn thảo kỹ lưỡng.

Trình Quốc hội dự án Luật Đất đai sửa đổi cuối năm 2022

Luật Đất đai sửa đổi sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10/2022, lùi một kỳ họp so với kế hoạch. Đây là kết quả của gần 92,8% đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Sau khi được trình tại kỳ họp cuối năm nay, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tiếp tục được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 tháng 5/2023 và được thông qua tại kỳ họp thứ 6 tháng 10/2023.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Sửa đổi Luật Đất đai để đất đai trở thành nguồn lực lớn phát triển kinh tế - xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Còn ai dám... ‘úp mặt’ vào sông quê!
Xin mượn lời bài hát “khúc hát sông quê” của nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo để mở đầu cho bài viết này: “Con cá dưới sông, cây trồng trên bãi… Bầy trẻ thơ tắm mát phía thượng nguồn, một dòng xanh trong chảy mãi tới vô cùng”…

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.