Thứ sáu, 22/11/2024 00:31 (GMT+7)
Thứ bảy, 05/10/2024 19:27 (GMT+7)

Sóc Trăng: Hướng tới sản xuất lúa giảm phát thải quy mô lớn

Theo dõi KTMT trên

Sau một vụ sản xuất, kết quả cho thấy giảm vật tư đầu vào không ảnh hưởng năng suất mà còn tăng lợi nhuận, tạo động lực cho Sóc Trăng phát triển lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Tỉnh Sóc Trăng đang tích cực triển khai kế hoạch mở rộng mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp theo Đề án 1 triệu ha vùng ĐBSCL. Cụ thể, tỉnh dự kiến nhân rộng mô hình này ra khắp các huyện và thị xã trên toàn tỉnh với 8 mô hình được thực hiện trên tổng diện tích 340 ha. Trong vụ lúa Hè Thu vừa qua, nông dân tham gia mô hình đã đạt lợi nhuận gần 49 triệu đồng/ha, con số ấn tượng này đã khẳng định hiệu quả kinh tế từ việc canh tác theo mô hình mới.

Một trong những thành công nổi bật là mô hình thí điểm 50 ha lúa tại Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hưng Lợi, xã Long Đức, huyện Long Phú. Đây là mô hình đầu tiên thực hiện theo Đề án 1 triệu ha canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh. Giống lúa ST25, một giống lúa nổi tiếng với chất lượng cao đã được chọn để canh tác trong mô hình này. Đến nay, toàn bộ diện tích lúa đã được thu hoạch với kết quả rất tích cực mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho người nông dân tham gia.

Sóc Trăng: Hướng tới sản xuất lúa giảm phát thải quy mô lớn - Ảnh 1
Ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng khảo sát vùng quy hoạch trồng lúa ở xã Long Đức, huyện Long Phú.

Nông dân Nguyễn Ngọc Hưởng, một thành viên HTX Nông nghiệp Hưng Lợi cho biết mô hình đã giúp giảm đáng kể chi phí đầu vào. Trước đây, khi trồng lúa theo phương pháp truyền thống, lượng giống sử dụng trung bình mỗi công từ 10-13 kg. Tuy nhiên, với mô hình mới chỉ cần khoảng 6 kg giống cho mỗi công tầm nhỏ. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm giống, mà còn giảm chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Ông Hưởng chia sẻ lượng phân bón cần sử dụng trong mô hình đã giảm từ 50-60 kg/công xuống còn 40-45 kg/công, đồng thời số lần phun thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm đáng kể nhờ sâu bệnh ít phát sinh.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, năng suất lúa trong mô hình đạt khoảng 6,5 tấn/ha với giá bán lúa ST25 lên tới 10.800 đồng/kg. Điều này giúp nông dân tham gia mô hình có lợi nhuận cao hơn 12% so với những khu vực sản xuất ngoài mô hình. Đặc biệt, mô hình còn góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Kết quả đo đạc tại HTX Hưng Lợi cho thấy, lượng phát thải trong mô hình chỉ khoảng 9.505 kg CO2/ha, giảm tới 3.996 kg CO2 tương đương/ha so với ruộng sản xuất truyền thống. Đây là bằng chứng rõ ràng cho thấy việc áp dụng các biện pháp canh tác phù hợp không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn giúp bảo vệ môi trường.

Sóc Trăng: Hướng tới sản xuất lúa giảm phát thải quy mô lớn - Ảnh 2
Mô hình thí điểm đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp đang được triển khai tại hợp tác xã nông nghiệp Hưng Lợi, xã Long Đức, huyện Long Phú.

Qua vụ sản xuất đầu tiên, có thể thấy rõ rằng việc giảm vật tư đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không ảnh hưởng đến năng suất mà còn giúp tăng lợi nhuận cho nông dân. Đây chính là động lực quan trọng để tỉnh Sóc Trăng khuyến khích người dân nhân rộng mô hình này trong tương lai hướng tới sản xuất bền vững và phát triển nông nghiệp xanh.

Ông Trương Văn Hùng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hưng Lợi cho biết HTX sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, hợp tác, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn kỹ thuật từ cơ quan chuyên môn để đảm bảo mô hình sản xuất bền vững. Đặc biệt, HTX sẽ đẩy mạnh ứng dụng quy trình xử lý rơm rạ, quản lý nước và phân bón để gia tăng hiệu quả kinh tế cũng như giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

Bên cạnh thành công ban đầu của mô hình thí điểm, tỉnh Sóc Trăng đang tích cực tham gia Đề án 1 triệu ha canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh. Theo ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng với diện tích gieo sạ hàng năm khoảng 320.000 ha và sản lượng khoảng 2 triệu tấn lúa, Sóc Trăng đã trở thành một trong những địa phương có thế mạnh về sản xuất lúa gạo trong khu vực. Năm vừa qua, giá trị xuất khẩu gạo của tỉnh đạt trên 400 triệu USD. Nhằm nâng cao giá trị và chất lượng gạo xuất khẩu, tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp thực hiện hàng loạt các dự án lớn như dự án phát triển lúa đặc sản và nông nghiệp hữu cơ. Đặc biệt, việc tham gia Đề án 1 triệu ha canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp đang là trọng tâm của tỉnh trong việc phát triển sản xuất lúa bền vững.

Sóc Trăng: Hướng tới sản xuất lúa giảm phát thải quy mô lớn - Ảnh 3
Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp đã làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của người nông dân trong việc sản xuất lúa, làm thay đổi rõ nét phương thức sản xuất lúa.

Với kết quả khả quan từ mô hình thí điểm 50 ha tại HTX Nông nghiệp Hưng Lợi, tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục triển khai các mô hình lúa chất lượng cao, phát thải thấp với diện tích 50 ha/mô hình tại nhiều địa phương khác, đồng thời huy động nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh, huyện và các chương trình dự án liên quan. Xa hơn, tỉnh đặt mục tiêu mở rộng diện tích mô hình lên hơn 72.000 ha vào năm 2030, đúng theo cam kết với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ngoài Sóc Trăng, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp còn được triển khai thí điểm tại các tỉnh, thành phố khác như Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh. Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, kết quả từ các mô hình thí điểm đã rất khả quan. Năng suất lúa trung bình đạt 6,452 tấn/ha, cao hơn 463 kg/ha so với sản xuất ngoài mô hình. Chi phí sản xuất giảm từ 1,6 đến 5,3 triệu đồng/ha, trong khi lợi nhuận tăng thêm từ 2,3 đến 7,6 triệu đồng/ha. Đặc biệt, mô hình giúp giảm phát thải khí nhà kính từ 30-83% so với sản xuất truyền thống.

Từ những kết quả ban đầu này, có thể khẳng định rằng mô hình canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn giúp bảo vệ môi trường, đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL.

Dù là cây lương thực quan trọng, trồng lúa lại là nguồn phát thải khí nhà kính đáng kể. Quá trình canh tác lúa trong môi trường ngập nước tạo điều kiện cho vi khuẩn phân hủy chất hữu cơ dưới dạng yếm khí, dẫn đến phát thải khí metan (CH4) – một loại khí có khả năng gây hiệu ứng nhà kính mạnh gấp nhiều lần CO2. Bên cạnh đó, việc sử dụng phân bón hóa học và quản lý nước không hiệu quả còn làm gia tăng lượng khí nitơ oxit (N2O) phát thải. Những yếu tố này khiến việc trồng lúa góp phần không nhỏ vào quá trình biến đổi khí hậu, đòi hỏi những giải pháp canh tác bền vững hơn để giảm thiểu tác động.

Trong buổi trao đổi mới đây với phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết: "Trong lĩnh vực nông nghiệp, cần phải thay đổi phương pháp canh tác để giảm phát thải khí metan. Ví dụ, thay vì giữ nước ngâm liên tục trong ruộng lúa nước, có thể áp dụng phương pháp canh tác mới bằng cách thay đổi chu kỳ ngâm và làm khô đất, điều này giúp giảm lượng khí metan phát sinh. Tức là bây giờ tôi thay việc để nước ngâm thường xuyên trong lúa thì cứ 10 ngày chúng ta để như vậy, 10 ngày sau chúng ta rút nước cho mặt đất lộ ra để không khí và oxi từ trong không khí nó hấp thụ vào đất, không tạo ra môi trường sản sinh khí metan". 

Việc giảm phát thải khí nhà kính thông qua canh tác lúa mang lại nhiều lợi ích đáng kể, không chỉ đối với môi trường mà còn cho người nông dân. Bằng cách áp dụng các kỹ thuật trồng lúa tiên tiến như sử dụng phân bón hợp lý, giảm lượng nước tưới và quản lý tốt hơn quy trình canh tác, lượng khí metan và nitơ oxit phát thải có thể được giảm đáng kể. Điều này giúp hạn chế tác động tiêu cực đến biến đổi khí hậu, nâng cao năng suất lúa, tối ưu hóa chi phí sản xuất và cải thiện lợi nhuận cho người nông dân. Bên cạnh đó, việc phát triển mô hình trồng lúa bền vững còn góp phần duy trì sự cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ nguồn tài nguyên đất và nước, đồng thời thúc đẩy xu hướng nông nghiệp xanh, phát triển lâu dài.

Thanh Trúc

Bạn đang đọc bài viết Sóc Trăng: Hướng tới sản xuất lúa giảm phát thải quy mô lớn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.