Thứ năm, 18/04/2024 12:23 (GMT+7)
Thứ ba, 07/02/2023 14:59 (GMT+7)

Saigonbank kinh doanh ra sao trong quý IV/2022?

Theo dõi KTMT trên

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank – Mã: SGB) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2022 với lợi nhuận trước thuế quý chỉ đạt 1 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận quý IV chỉ đạt 1 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank - Mã: SGB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2022 với lợi nhuận trước thuế quý cuối năm chỉ đạt 1 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thu nhập lãi thuần và lãi từ hoạt động dịch vụ, từ kinh doanh ngoại hối ghi đều ghi nhận mức tăng trưởng cao. Tuy nhiên, lãi từ hoạt động kinh doanh khác của Saigonbank trong quý 4/2022 giảm hơn một nửa, chỉ thu về 13 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2022, lợi nhuận trước thuế của Saigonbank đạt 237 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ và vượt 25% kế hoạch năm (190 tỷ đồng).

Saigonbank kinh doanh ra sao trong quý IV/2022? - Ảnh 1
Lợi nhuận trước thuế quý IV/2022 của Saigonbank chỉ đạt 1 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thu nhập lãi thuần vẫn là nguồn thu chính của ngân hàng, mang về 875 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối tăng lần lượt 38% và 20%. Ở chiều ngược lại, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác và thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần giảm 24% và 97% so với năm ngoái.

Trong năm 2022, Saigonbank cũng tăng cường trích lập chi phí dự phòng rủi ro. Cụ thể, ngân hàng đã trích hơn 250 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 61% so với cùng kỳ.

Tính tới ngày 31/12/2022, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn gần 27.700 tỷ đồng, tăng 12,6% so cùng kỳ. Cho vay khách hàng của ngân hàng tăng 13,4% lên trên 18.700 tỷ đồng. Huy động từ khách hàng cũng tăng mạnh 13,2% lên gần 20.500 tỷ.

Về chất lượng tài sản, nợ xấu của ngân hàng tăng 22,2% lên 398 tỷ đồng, do nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng gần 83% và nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng 32%. Điều này kéo theo tỷ lệ nợ xấu của Saigonbank tăng từ 1,97% lên 2,12%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt mức 153%.

Thay đổi thành viên HĐQT

Mới đây, SaigonBank cũng vừa công bố thông tin bất thường về việc thay đổi thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT). Theo đó, ông Nguyễn Cao Trí không còn là thành viên HĐQT SaigonBank nhiệm kỳ 2019-2024 kể từ ngày 19/1, quy định tại Điều 35 Luật các Tổ chức tín dụng (đã sửa đổi, bổ sung).

Điều 35 quy định nêu rõ, các trường hợp đương nhiên mất tư cách thành viên HĐQT, gồm: mất năng lực hành vi dân sự, chết; vi phạm quy định về những trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ; không còn là người đại diện phần vốn góp; khi tổ chức tín dụng bị thu hồi giấy phép...

Ông Nguyễn Cao Trí được biết đến là Chủ tịch hội đồng Trường ĐH Văn Lang.
Đầu năm 2022, Đại học Văn Lang phát hành thành công 2.200 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 36 tháng.

Ông Trí tham gia vào HĐQT SaigonBank 10/2021 sau khi mua 579.199 cổ phiếu SGB (tương đương 0,19% vốn điều lệ) từ tháng 6/2021. Đại gia Sài Gòn sinh năm 1970 và nổi danh trong lĩnh vực bất động sản, giáo dục, tài chính, dịch vụ nhà hàng… Ông Trí ban đầu có mặt trong ban lãnh đạo của một số doanh nghiệp có tiếng như: Bến Thành Group, Bến Thành Tourist, Địa ốc Bến Thành…

Địa ốc Bến Thành sau đó đổi tên thành Capella Holdings. Ông Trí khi đó bắt đầu nổi danh với vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Capella Holdings. Đây là doanh nghiệp đầu tư cao ốc The One Saigon.

Capella Holdings cũng thông qua CTCP Đầu tư và Dịch vụ Khánh Hội (Khahomex) sở hữu nhiều bất động sản tại TP.HCM.

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết Saigonbank kinh doanh ra sao trong quý IV/2022?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới