Rừng và Sức khỏe: “Bảo vệ rừng cũng chính là bảo vệ sức khỏe của bạn”
Năm 2023, chủ đề Ngày quốc tế Rừng là “Rừng và Sức khỏe”, với thông điệp “Hãy cho đi, đừng chỉ nhận lại vì bảo vệ rừng cũng chính là bảo vệ sức khỏe của bạn!”.
Rừng có vai trò rất quan trọng đối với cuộc sống của con người cũng như môi trường, như: cung cấp oxy, điều hòa khí hậu, là nơi cư trú động thực vật, bảo vệ và ngăn chặn gió bão, chống xói mòn đất, bảo vệ sức khỏe của con người…
Ngày Quốc tế về Rừng, viết tắt là IDF (International Day of Forests) là ngày 21/3, là ngày hành động quốc tế được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 28/11/2012 theo Nghị quyết A/RES/67/200.
Kể từ ngày Quốc tế về rừng đầu tiên tổ chức vào ngày 21/3/2013 đến nay, hàng năm sự kiện này sẽ được tổ chức và có chủ đề khác nhau. Năm 2023, chủ đề Ngày quốc tế Rừng là “Rừng và Sức khỏe”, với thông điệp “Hãy cho đi, đừng chỉ nhận lại vì bảo vệ rừng cũng chính là bảo vệ sức khỏe của bạn!”.
Rừng giữ vai trò chủ đạo trong mối quan hệ tương tác giữa môi trường và sinh vật. Rừng là lá phổi xanh của trái đất. Đây là một quần lạc địa sinh. Trong đó bao gồm đất, khí hậu và sinh vật rừng tạo nên một quần thể thống nhất. Có quan hệ tương trợ lẫn nhau.
Vai trò của rừng được thể hiện trong mọi mặt của đời sống của chúng ta từ sản xuất, kinh tế, xã hội… Do vậy, chúng ta cần phải nâng cao nhận thức về vai trò của rừng trong cuộc sống của con người để cùng nhau chung tay bảo vệ rừng và khai thác rừng bền vững.
Trồng rừng cùng với bảo vệ rừng cũng như nâng tỷ lệ che phủ rừng là một trong các chỉ tiêu để đánh giá phát triển bền vững ở các quốc gia trong bộ chỉ tiêu về tài nguyên và môi trường và chỉ tiêu phát triển bền vững.
Biến đổi khí hậu, suy thoái đất canh tác, bão lũ diễn ra khó lường đang có chiều hướng gia tăng và một trong những nguyên nhân căn bản đó đến từ nguy cơ hủy hoại rừng. Tỷ lệ rừng ngày càng suy giảm đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc đảm bảo cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của toàn cầu. Mỗi năm thế giới có hơn 13 triệu ha rừng bị mất.
Việt Nam cũng không ngoại lệ. Trong những năm qua, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ, thời tiết diễn biến phức tạp, thiên tai xảy ra ngày càng khốc liệt và thường xuyên đã ảnh hưởng không nhỏ tới tài nguyên rừng và hoạt động lâm nghiệp.
Độ che phủ của rừng nước ta giảm sút đến mức báo động. Những tổn thất về rừng là không thể bù đắp được và gây ra nhiều tổn thất lớn về kinh tế, về công ăn việc làm và phát triển đất nước bền vững.
Theo đánh giá của nhiều nhà khoa học, đề án 1 tỷ cây xanh (690 triệu cây phân tán ở đô thị và nông thôn, 310 triệu cây ở rừng phòng hộ, đặc dụng, trồng mới rừng sản xuất…) chính là một trong những tiền đề quan trọng để Việt Nam hướng đến phát triển bền vững, mang lại lợi ích môi trường và kinh tế.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện Đề án 1 tỷ cây xanh, trong hai năm 2021 và 2022, cả nước đã trồng mới được 450 triệu cây xanh, bao gồm: 227 triệu cây rừng trồng tập trung (tương đương 130.000ha rừng trồng mới) và 223 triệu cây xanh trồng phân tán, vượt 7,6% so với kế hoạch. Trong đó, nguồn kinh phí thực hiện từ xã hội hóa chiếm tỷ lệ tới 50%. Đây là kết quả rất tích cực, đáng khích lệ, cần được phát huy và nhân rộng trong những năm tới.
Theo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Việt Nam đặt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Trong 5 lĩnh vực đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính quốc gia, lâm nghiệp là ngành duy nhất phát thải âm – do khả năng hấp thụ CO2 khổng lồ, vượt xa lượng phát thải.
Đến năm 2030, lĩnh vực lâm nghiệp, sử dụng đất dự kiến sẽ giảm 70% lượng phát thải và tăng 20% lượng hấp thụ các-bon so với kịch bản phát triển thông thường, tổng lượng phát thải và hấp thụ đạt ít nhất -95 triệu tấn CO2tđ. Đến năm 2050, lượng phát thải sẽ giảm 90%, lượng hấp thụ các-bon tăng 30%, tổng lượng phát thải và hấp thụ đạt ít nhất -185 triệu tấn CO2tđ.
Chủ đề hoạt động của Ngày Quốc tế về Rừng qua các năm:
2014 - Rừng của ta - Tương lai của chúng ta
2015 - Rừng - Khí hậu - Thay đổi
2016 - Rừng và nước - Duy trì sự sống và sinh kế
2017 - Rừng và năng lượng
2018 - Rừng và Thành phố bền vững
2019 - Rừng và Giáo dục - Học cách yêu rừng
2020 - Rừng và Đa dạng sinh học: Quá quý giá để mất đi
2021 - Khôi phục rừng: Con đường dẫn tới khôi phục kinh tế và hạnh phúc
2022 - Rừng và sản xuất và tiêu dùng bền vững
2023 - Rừng và Sức khỏe
Lan Anh