Thứ năm, 25/04/2024 09:03 (GMT+7)
Thứ năm, 11/03/2021 13:56 (GMT+7)

Rừng dừa nước ngập mặn – lá chắn sinh thái vùng

Theo dõi KTMT trên

Với sự đa dạng sinh học, đóng vai trò quan trọng đối với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, việc bảo tồn rừng dừa ngập mặn vùng cửa sông ven biển mang ý nghĩa lớn lao, góp phần váo sự phát triển bền vững vùng sông nước sinh thái này.

Rừng dừa nước ngập mặn – lá chắn sinh thái vùng - Ảnh 1

Rừng dừa nước Cẩm Thanh có vai trò quan trọng và mang ý nghĩa sống còn đối với hệ sinh thái vùng ngập mặn thuộc hạ lưu sông Thu Bồn (gồm khu vực Hội An, rừng ngập mặn Cửa Đại) và vùng lõi sinh quyền Cù Lao Chàm. Với tổng diện tích tự nhiên hơn 40 nghìn ha, hệ sinh thái vùng này rất đa dạng, đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới từ 10 năm trước. Việc Phát triển rừng dừa ngập mặn không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế, bảo vệ môi trường, ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu 

Với chừng 300 ha, trong đó khoảng 1/3 là đất và 2/3 là vùng ngập triều thuộc xã Cẩm Thanh, rừng dừa nước mọc ven bờ các kênh lạch, quanh năm xanh tốt, tạo nên một sinh cảnh rất đặc biệt cho Hội An.

Kết quả nghiên cứu, khảo sát cho thấy: Trên các cồn gò và vực nước xung quanh các rừng dừa nước từ vùng triều thấp trở xuống có hệ sinh thái cỏ biển đặc thù, chỉ có ở vùng nhiệt đới và ôn đới ấm. Chúng là những loài thực vật bậc cao, sống chìm trong môi trường nước, tồn tại và phát triển quanh năm, thích nghi trong môi trường luôn có dòng chảy, sóng gió nhờ có hệ thống ngầm vùi sâu trong trầm tích. Dọc triền sông phía ngoài dừa nước, trên các cồn gò ở gần khu vực Cửa Đại có hệ sinh thái cỏ biển với ưu thế tuyệt đối của loài cỏ lươn, cỏ lá dài (40 – 50 cm) và một loài cỏ xoan khác bao phủ, làm thành các tấm thảm xanh, mịn quanh triền sông.

Về hệ sinh thái, khu vực này có sự đa dạng sinh học rất cao, là nơi cư trú của nhiều loài động vật biển có giá trị. Các thảm cỏ biển là nơi sinh sống, ẩn nấp của ấu thể nhiều loài hải sản. Còn về phương diện sinh vật và môi trường, lưu vực sông Thu Bồn – Cửa Đại và Cù Lao Chàm có mối liên quan mật thiết với nhau về sự giao lưu thủy vực, sự tích tụ và phân hủy chất thải, lắng đọng trầm tích, làm trong sạch nguồn nước, về sự cư trú, nuôi dưỡng các loài sinh vật (sông, biển) có tính đa dạng sinh học và có giá trị cao.

Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh – Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết: “Vùng Cẩm Thanh là vùng trọng tâm, vùng rốn của sự kết nối giữa đất liền và biển. Gần đây Khu BTB chúng tôi đã phối hợp với nhiều nhà khoa học nghiên cứu về mặt chủng loại, nguồn lợi thì thấy rằng sự kết nối đó rất rõ ràng, qua từng loại cụ thể. Thí dụ như là cá mú, cá hồng, cá dìa và toàn bộ các loài cá khác. Đây là vùng giống cung cấp con nô ra đến vùng san hô, con thiện đi ra khơi. Như vậy rõ ràng về mặt nguồn lợi hỗ trợ cho sự phát triển các ngành kinh tế khác như nông nghiệp, như thủy sản… nó phải là hàng đầu!”.

Rừng dừa nước ngập mặn – lá chắn sinh thái vùng - Ảnh 2

Người dân hưởng lợi từ rừng dừa

Từ bao đời nay, người dân vùng đầm phá Tam Giang ở thôn Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi chỉ biết mưu sinh bằng nghề đánh bắt, khai thác thủy sản trên sông. Từ khi rừng dừa ngập mặn xanh tốt, không chỉ bảo vệ môi trường sinh thái, đê bao thủy lợi, khu dân cư, làm nơi trú ngụ, sinh sôi cho các loài thủy sản mà còn giúp dân có thêm nhiều nghề, cải thiện thu nhập đáng kể.

Đặc biệt, khi Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với các nghệ nhân ở Hội An tổ chức lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật khai thác, chế biến, bảo quản, sử dụng lá dừa nước cho đông đảo người dân và công nhân HTX Mây tre đan Thủy Lập đã tạo công ăn việc làm mới, giúp người dân có điều kiện cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống gia đình.

Ông Trần Lợi, Giám đốc HTX Mây tre đan chia sẻ: Từ lâu, Ban Giám đốc HTX đã có ý tưởng sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường như mặt hàng thủ công mỹ nghệ, mái lợp chòi du lịch từ sản phẩm lá dừa nước. Một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận cũng từng đặt vấn đề với HTX về việc sản xuất, chế biến các sản phẩm mỹ nghệ, quà lưu niệm từ lá dừa nước. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu tại chỗ không có nên không thể thực hiện được ý tưởng. Sau thời gian khá dài chờ đợi, cây dừa nước đến nay đã cho khai thác lá, mở ra cơ hội mới cho HTX cũng như người dân trong phát triển sản xuất

Các sản phẩm được HTX hướng đến sản xuất là nhằm thay thế thói quen sử dụng bao bì ni lông để bảo vệ môi trường, bởi chúng có thể sử dụng nhiều lần. Dự kiến trong năm nay, rừng dừa nước tại Quảng Lợi sẽ cho thu hoạch khoảng 100.000 cành.Tùy thuộc vào mẫu mã, kết cấu, kích thước… của từng loại sản phẩm sẽ có giá trị khác nhau, nhưng nổi bật nhất là tấm lợp, tường làm chòi hiện nay có giá 80.000 - 100.000 đồng/m2.

Theo các chuyên gia đến từ Hội An, dừa nước có giá trị về nhiều mặt. Cuống lá dừa nước qua dây chuyền sản xuất ván sợi ép được dùng làm vật liệu xây dựng nhà. Chồi non còn được chế biến thức ăn cho tôm hùm đất. Nội nhũ của quả dừa non có thể để ăn, bổ sung vào nguyên liệu làm kem; nội nhũ quả già làm nút áo, hoặc đồ mỹ nghệ giả ngà. Nhựa lấy từ buồng hoa, buồng quả để sản xuất rượu, giấm, nước giải khát…

Tới đây, HTX tiến hành nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại chỗ; đồng thời tìm kiếm thị trường, đối tác tiêu thụ sản phẩm để mở rộng quy mô sản xuất, tạo công ăn việc làm cho lao động tại địa phương.

Trong chuyến kiểm tra rừng dừa ngập mặn tại Quảng Điền mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đánh giá cao những nỗ lực của các cơ quan, ban ngành trong quá trình trồng, chăm sóc rừng ngập mặn. Thấy được tác dụng "đa mục tiêu", về kinh tế, bảo vệ môi trường, ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành kiểm lâm, chính quyền địa phương tiếp tục nghiên cứu, mở rộng diện tích, đồng thời có biện pháp bảo vệ an toàn, bền vững cho rừng ngập mặn.

Nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của hệ sinh thái rừng dừa ngập mặn ở Cẩm Thanh đối với môi trường và đời sống nhân dân trong vùng nói riêng và cả Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An nói chung, nhiều năm qua các cấp chính quyền và các ngành chức năng của thành phố đã nỗ lực tuyên truyền, vận động cộng đồng nhân dân tham gia bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái. Chính quyền đã đề ra nhiều biện pháp tăng cường quản lý rừng dừa nước, khắc phục và ngăn chặn tình trạng tùy tiện chặt, đốn dừa để làm ao, hồ nuôi tôm hoặc vì mục đích khác gây lệch dòng chảy và biến dạng sinh cảnh nơi đây, ngăn cấm các hình thức khai thác mang tính hủy diệt các loài hải sản sinh sống nơi này.

“Đối với thành phố, xác định tiếp tục bảo tồn nghiêm ngặt là một trong những nhiệm vụ đặt lên hàng đầu, vừa kết hợp cải thiện sinh kế, phát triển du lịch sinh thái trong khu vực, đồng thời cố gắng giữ diện tích đã có vừa phát triển, trồng mới thêm dừa nước ở những vị trí phù hợp”, ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND thành phố nói.

Tuy vậy, điều đáng quan tâm theo báo cáo của Ban quản lý Bảo tồn biển Cù Lao Chàm là hiện nay một số thảm cỏ vùng rừng dừa ngập mặn đang bị hủy hoại và ảnh hưởng đến hệ sinh thái khu vực; tại khu vực Bãi Ông – Cù Lao Chàm cũng vậy, do tác động của tàu thuyền, du khách và trầm tích đã làm mất hoàn toàn 20 ha thảm cỏ biển. Ban quản lý Khu bảo tồn biển đang có kế hoạch điều chỉnh phân vùng chức năng, nới rộng diện tích phân vùng bảo vệ nghiêm ngặt để thực hiện mục tiêu phục hồi các hệ sinh thái, trong đó có các thảm cỏ đã mất đi kèm với phục hồi quần thể rùa biển; đồng thời bảo vệ nguồn giống và duy trì nguồn lợi thủy sản từ vùng sông nước Hội An đến biển đảo Cù Lao Chàm.

Bảo vệ hệ sinh thái rừng dừa Cẩm Thanh chính là tạo ra sự kết nối liên hoàn giữa khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm với vùng hạ lưu sông Thu Bồn để trở thành hành lang bảo tồn thiên nhiên đi đôi với đẩy mạnh phát triển du lịch đa dạng, nhất là du lịch sinh thái bền vững ở Hội An.

Thanh Thúy

Bạn đang đọc bài viết Rừng dừa nước ngập mặn – lá chắn sinh thái vùng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WB: Kinh tế Việt Nam đang hồi phục tăng trưởng
Theo Báo cáo cập nhật kinh tế 6 tháng Điểm lại mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố ngày 23/4, Kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau, với dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025.