Bảo tồn giá trị đa dạng sinh học và hệ sinh thái vùng đất ngập nước: Đồng thuận là 'gốc' thành công
Hai khu bảo tồn đất ngập nước (ĐNN) được thành lập tại tỉnh Thái Bình và Thừa Thiên Huế là minh chứng cho thấy sự hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường.
Hai khu bảo tồn ĐNN mới - thành quả từ sự đồng thuận
“Không có sự đồng thuận lớn từ Trung ương, địa phương và người dân - sẽ không thể thành công” - Đây là bài học sâu sắc nhất mà PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách TN&MT, Giám đốc Dự án quốc gia “Bảo tồn các khu đất ngập nước quan trọng và sinh cảnh liên kết”, cho biết.
Trong 5 năm thực hiện Dự án, với kết quả ý nghĩa nhất là việc thành lập được 2 khu bảo tồn đất ngập nước (gồm Khu bảo tồn đất ngập nước Thái Thụy, tỉnh Thái Bình và Khu bảo tồn đất ngập nước Tam Giang – Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế), ông Chinh bày tỏ: “Phải làm thế nào để người dân hiểu rằng: việc thành lập khu bảo tồn có ảnh hưởng tích cực đến đời sống người dân, hay làm thế nào để phát triển kinh tế mà không ảnh hưởng đến diện tích đất, hệ sinh thái cần được bảo tồn? Cùng với đó, cơ cấu tổ chức về bảo tồn đa dạng sinh học ở cấp địa phương cũng chưa rõ ràng, khiến chúng tôi phải giải quyết được vấn đề làm rõ trách nhiệm quản lý giữa các bên để đảm bảo vận hành quản lý khu bảo tồn một cách thông suốt”.
Ghi nhận kết quả của Dự án, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đánh giá, hai khu bảo tồn được thành lập tại Thái Bình và Thừa Thiên Huế đã khẳng định sự cam kết của Chính phủ Việt Nam, thành viên của Công ước Ramsar trong bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, góp phần nâng cao tỉ lệ diện tích các khu bảo tồn, khu vực được bảo vệ theo mục tiêu Aichi - Công ước Đa dạng sinh học.
Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, hai khu bảo tồn đã được thành lập là minh chứng cho thấy sự hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường. Đây cũng là những khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước cấp tỉnh đầu tiên được thành lập theo Luật Đa dạng sinh học, tạo cơ sở cho việc hoàn thiện các hành lang pháp lý về thành lập, quản lý các khu bảo tồn đất ngập nước trên toàn quốc.
Hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý ĐNN
Để tạo cơ sở cho việc bảo tồn các vùng đất ngập nước, cơ quan quản lý Nhà nước đã tích cực xây dựng hành lang pháp lý về quản lý đất ngập nước.
Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn - Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường) cho biết, dù Việt Nam là thành viên Công ước Ramsar, tức là có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ và các yêu cầu của Công ước Ramsar đối với bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước. Thế nhưng, thực tế, Việt Nam lại chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Công ước Ramsar, các vùng đất ngập nước tiếp tục bị suy thoái.
Trong khi đó, về mặt pháp lý, Việt Nam chưa có hệ thống thống kê, kiểm kê, đánh giá, quan trắc báo cáo; các vùng đất ngập nước quan trọng chưa được xác định và có quy định về chế độ quản lý phù hợp; chưa có quy định về thành lập và quản lý các khu bảo tồn đất ngập nước; chưa có quy định về nguồn lực bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước quan trọng…
Trong bối cảnh đó, các đơn vị thuộc Bộ TN&MT đã phối hợp để xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 66/2019/NĐ-CP của Chính phủ về Bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước và các văn bản hướng dẫn thực thi Nghị định này.
“Với việc ra đời của Nghị định số 66/2019/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn, Việt Nam đã góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý đất ngập nước của Việt Nam, tăng cường hiệu quả quản lý các khu bảo tồn đất ngập nước trước các áp lực phát triển và tác động của biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng khốc liệt trên toàn cầu”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đánh giá.
Cần lồng ghép bảo tồn ĐNN vào kế hoạch, dự án phát triển
Từ kết quả của Dự án “Bảo tồn các khu ngập nước quan trọng và sinh cảnh liên kết”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị, thời gian tới, cần tập trung triển khai và hoàn thiện các văn bản pháp lý về quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học đất ngập nước.
Trước mắt, tổ chức thực hiện tốt các quy định của Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước trên toàn quốc; trình phê duyệt Quyết định ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước và danh mục các vùng đất ngập nước quan trọng trên toàn quốc làm nền tảng, kim chỉ nam cho các tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai quản lý đất ngập nước. Đặc biệt, cần khẩn trương xây dựng Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, lồng ghép các vùng đất ngập nước quan trọng vào quy hoạch tỉnh nhằm bảo đảm phát triển bền vững và ổn định sinh kế của người dân sinh sống tại các vùng đất ngập nước.
Cùng với đó, thúc đẩy việc xây dựng và triển khai các mô hình về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước, chú trọng sự tham gia của cộng đồng và hướng tới lợi ích bền vững của cộng đồng; nhân rộng các kết quả thành công của Dự án trong thành lập, quản lý khu bảo tồn đất ngập nước đối với các tỉnh, thành phố có các vùng đất ngập nước quan trọng.
Đẩy mạnh công tác truyền thông về ý nghĩa, vai trò, giá trị và phương thức quản lý, bảo vệ và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng lưới cộng tác viên, các tổ chức chính trị, xã hội.
Theo Thứ trưởng, cần huy động sự tham gia, tăng cường hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước về bảo tồn và phát triển các vùng đất ngập nước; đề nghị hai tỉnh Thái Bình và Thừa Thiên Huế cũng như các đối tác tiếp tục quan tâm, triển khai vận hành hiệu quả hai khu bảo tồn đất ngập nước Thái Thụy và Tam Giang – Cầu Hai trên quan điểm “bảo tồn để phát triển”, hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường tại các vùng đất ngập nước.
Động lực cho việc bảo vệ và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước cần được tiếp tục và tất cả các bên liên quan cần tăng cường hợp tác với nhau. UNDP tin tưởng lãnh đạo của Bộ TN&MT trong việc huy động các nguồn lực tài chính từ Nhà nước và tư nhân để đảm bảo đủ nguồn lực cho việc bảo vệ và quản lý hiệu quả các vùng đất ngập nước.
Bà Sitara Syed, Phó Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam
Tống Minh