Thứ bảy, 23/11/2024 00:18 (GMT+7)
Thứ ba, 26/01/2021 06:15 (GMT+7)

Không phá rừng dừa nước ở Hội An làm khu đô thị: Quyết định sáng suốt

Theo dõi KTMT trên

Quyết định rút tờ trình đề nghị chuyển mục đích sử dụng hơn 1 ha rừng dừa nước ở xã Cẩm Thanh để phát triển dự án Khu đô thị Cồn Tiến ở TP.Hội An nhận được sự hoanh nghênh của giới chuyên môn.

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã quyết định rút, không trình lên kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh về việc đề nghị chuyển mục đích sử dụng hơn 1 ha rừng dừa nước ở xã Cẩm Thanh, TP.Hội An để phát triển dự án khu đô thị Cồn Tiến.

Trước đó ông Hồ Quang Bửu - Phó chủ tịch UBND tỉnh - đã ký tờ trình gửi HĐND tỉnh về việc đề nghị quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để xây dựng dự án đầu tư xây dựng nhà ở khu đô thị Cồn Tiến do Công ty cổ phần Đạt Phương Hội An làm chủ đầu tư.

Tờ trình HĐND thông qua nghị quyết cho chuyển đổi hơn 1 ha rừng dừa nước ở xã Cẩm Thanh, giao cho chủ đầu tư lập hồ sơ, thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, phát triển dự án đầu tư xây dựng nhà ở.

Không phá rừng dừa nước ở Hội An làm khu đô thị: Quyết định sáng suốt - Ảnh 1
Rừng dừa nước Cẩm Thanh có vai trò quan trọng và mang ý nghĩa sống còn đối với hệ sinh thái vùng ngập mặn thuộc hạ lưu sông Thu Bồn. (Ảnh: Internet)

Trong tờ trình ông Bửu ký nêu việc chuyển đổi diện tích rừng dừa nước khoảng 1 ha phân tán manh mún không ảnh hưởng đến độ che phủ chung về rừng của tỉnh. Bởi theo ông, chỉ tiêu về độ che phủ rừng đến năm 2020 của tỉnh là 54%, nhưng đến 12/2019, tỉnh này đã che phủ được 628.573 ha, chiếm 59,44%.

UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở NN&PTNT đưa ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng đối với diện tích đất rừng bị ảnh hưởng bởi dự án trong quy hoạch của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030.

Thế nhưng ngay tại kỳ họp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh đã ra quyết định khá bất ngờ là xin rút tờ trình, chưa trình lên HĐND tỉnh xem xét, lý do để cân nhắc kỹ hơn về những tác động đến cảnh quan, môi trường khi triển khai dự án.

"Việc rút tờ trình là để nghiên cứu đánh giá kỹ hơn về tác động của khu đô thị khi hình thành và đi vào hoạt động tại khu vực này" - ông Thanh cho hay.

Được biết, dự án đầu tư xây dựng nhà ở Khu đô thị Cồn Tiến, do Công ty Cổ phần Đạt Phương Hội An làm chủ đầu tư, có diện tích 311.073,73 m2, tổng mức đầu tư hạ tầng kỹ thuật của dự án: 518 tỉ đồng, quy mô dân số 2.000 người.

Năm 2018, dự án đầu tư xây dựng nhà ở Khu đô thị Cồn Tiến được HĐND tỉnh cho ý kiến chấp thuận đầu tư được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng nhà ở Khu đô thị Cồn Tiến, dùng nguồn thu từ mức thu tiền sử dụng đất của dự án để hoàn vốn đầu tư xây dựng cầu Km 0+317 (cầu Đế Võng) trên tuyến đường dẫn phía Bắc cầu Cửa Đại theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (hợp đồng BT) tại Công văn số 4027/UBND-KTN ngày 23/7/2018 và điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Công văn số 2322/UBND-KTN ngày 02/5/2019.

Rừng dừa nước Cẩm Thanh với diện tích gần 100 ha có vai trò quan trọng và mang ý nghĩa sống còn đối với hệ sinh thái vùng ngập mặn thuộc hạ lưu sông Thu Bồn, gồm vùng trung tâm Hội An, rừng ngập mặn Cửa Đại và khu vực Cù Lao Chàm trước biến đổi khí hậu.

Quyết định rút tờ trình của UBND tỉnh Quảng Nam được giới chuyên môn đánh giá cao.

Mới đây, trao đổi với Đất Việt, TS Chu Mạnh Trinh, chuyên gia bảo tồn của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam hoan nghênh quyết định của UBND tỉnh Quảng Nam.

Vị này cho biết, khi tham khảo về dự án khu đô thị Cồn Tiến, ông đã rất lo lắng trước những lập luận của nhà đầu tư.

Xét về độ che phủ của rừng nói chung tại Quảng Nam có tỉ lệ che phủ tốt hơn so với các địa phương khác, tuy nhiên, mỗi loại rừng sẽ có một vai trò, chức năng khác nhau. Ví dụ rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, trồng làm kinh tế và đặc biệt là rừng ngập nước vùng ven biển, rừng vùng cửa sông, mỗi loại rừng đều có một vai trò rất quan trọng.

Rừng Cẩm Thanh nói riêng cũng như các khu rừng ngập mặn, rừng vùng cửa sông nói chung không chỉ đặc biệt vì đây là nguồn sinh kế nuôi sống hàng trăm, nghìn hộ dân vùng cửa sông mà nó còn vì vai trò bảo vệ gió, bão, sóng, giữ gìn đất làng.

Đặc biệt là vai trò trung gian kết nối giữa thượng nguồn và biển khơi của những khu rừng ngập mặn.

Theo ông, rừng dừa nước Cẩm Thanh, vốn có nguồn gốc từ miền Nam được người dân mang về trồng, dần dần hình thành lên những khu rừng dừa, tạo thành những giá trị lớn về mặt sinh thái. Đó là tài sản rất lớn, là tài sản chung của cả cộng đồng người dân vùng Hội An. Chính nhờ tài sản này, người dân vùng cửa biển Hội An đã dựa vào đó khai thác lá dừa để làm nhà, làm đồ thủ công mỹ nghệ, phát triển du lịch. Trước thời điểm dịch bệnh bùng phát, đây là điểm thu hút lượng khách du lịch rất lớn, có thời điểm lên tới hàng nghìn khách thăm quan.

Không phá rừng dừa nước ở Hội An làm khu đô thị: Quyết định sáng suốt - Ảnh 2
Rừng dừa nước Cẩm Thanh cũng là địa điểm thu hút lượng khách du lịch rất lớn. (Ảnh: Internet)

Rừng dừa nước Cẩm Thanh hiện đã trở thành khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng vô cùng hút khách, tạo ra những sản phẩm du lịch bền vững.

"Nhìn từ khía cạnh này, rừng dừa nước Cẩm Thanh chính là một tài nguyên sinh thái có giá trị rất lớn trong vai trò bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, duy trì sinh kế, ổn định đời sống cho người dân và hướng tới mô hình phát triển du lịch bền vững cần phải được bảo vệ", vị TS phân tích.

Đặc biệt, rừng dừa Cẩm Thanh còn là vùng đệm của khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Tràm đã được thế giới công nhận.

Rừng dừa nước đóng vai trò là vùng đệm của khu sinh quyển Cù lao Chàm, như một “máy lọc sinh học”, là “lá phổi xanh” cho không chỉ Cẩm Thanh mà cả đô thị cổ Hội An. Khu rừng dừa nước này còn là nơi trú ngụ, sinh trưởng của nhiều loài động vật dưới nước lẫn trên cạn, các loài thủy sinh vùng ven biển, cửa sông; là nơi chắn gió, chắn bão của ngư dân và tàu thuyền theo các mương lạch vào.

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, bảo vệ và phát triển vùng rừng dừa nước Cẩm Thanh có ý nghĩa thiết thực cho hiện tại và mai sau.

Hà My

Bạn đang đọc bài viết Không phá rừng dừa nước ở Hội An làm khu đô thị: Quyết định sáng suốt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới