Thứ sáu, 22/11/2024 17:08 (GMT+7)
Thứ sáu, 21/10/2022 16:55 (GMT+7)

Quy hoạch năng lượng, xây dựng chiến lược trên cơ sở tiềm năng

Theo dõi KTMT trên

Việt Nam có nhiều tiềm năng khai thác năng lượng đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng nhanh trong hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, việc khai thác các nguồn năng lượng này vẫn còn hạn chế.

Quy hoạch phát triển năng lượng dựa trên số liệu tiềm năng

Góp ý về dự thảo Chiến lược, Quy hoạch năng lượng đang được Bộ Công thương chủ trì xây dựng và lấy ý kiến, không ít ý kiến cho rằng, việc xây dựng chiến lược hay quy hoạch phát triển năng lượng phải được dựa trên số liệu tiềm năng, trữ lượng tài nguyên đất nước theo từng phân ngành. Có như vậy, mới bảo đảm tính khả thi khi triển khai thực hiện.

Mới đây TS. Phan Ngọc Trung, nguyên Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) cho rằng, Trưởng ban Tư vấn và Phản biện Hội Dầu khí Việt Nam về Dự thảo Chiến lược, Quy hoạch năng lượng, nếu ví nền kinh tế là một “cơ thể sống” thì các sản phẩm của ngành năng lượng như điện, than, xăng dầu, khí… chính là “nguồn sống”, là “máu”, là “thức ăn” của nền kinh tế. Sự phát triển của ngành năng lượng là sự bảo đảm cho quá trình tăng trưởng, phát triển ổn định, bền vững của mọi quốc gia, vùng lãnh thổ.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt được Đảng, Chính phủ đặt ra đối với công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển của ngành năng lượng là “phải đi trước một bước” để tạo nền tảng, tiền đề cho các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế.

Với chiến lược và quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia cần phải bảo đảm tính khả thi ở mức cao nhất, các mục tiêu, kế hoạch được đề ra cũng phải sát với thực tế, bám sát với định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nói cách khác là phải có sự đồng điệu, hòa nhịp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế để thực sự là nền tảng, tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội như tinh thần đã được Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị đặt ra.

Vấn đề cần xem xét các mục tiêu, kế hoạch được đặt ra trong chiến lược, quy hoạch được xây dựng dựa trên cơ sở nào, có bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn và tiềm năng hay không. Điều này rất quan trọng, bởi đây là lĩnh vực có tính đặc thù cao, nguồn năng lượng sơ cấp vẫn chiếm tỷ trọng lớn lại nhiều rủi ro.

TS. Phan Ngọc Trung chia sẻ: “Chiến lược hay quy hoạch năng lượng phải được xây dựng trên cơ sở tiềm năng, trữ lượng tài nguyên theo từng loại hình/phân ngành năng lượng. Số liệu về tiềm năng và trữ lượng chỉ có thể tin cậy nhờ vào công tác điều tra cơ bản, tìm kiếm, thăm dò được triển khai thường xuyên theo chu kỳ thời gian. Sẽ không thực hiện được nếu như các mục tiêu, kế hoạch được đề ra vượt xa tiềm năng thực tế”.

Việc khảo sát, nghiên cứu để đưa ra các đánh giá chính xác nhất về tiềm năng, trữ lượng của các loại hình năng lượng cũng phải được thực hiện một cách thường xuyên, có tính liên tục để tạo cơ sở, tiền đề xem xét, điều chỉnh các kế hoạch khai thác, phát triển các nguồn năng lượng sao cho có hiệu quả.

Chiến lược, quy hoạch phát triển của từng phân ngành năng lượng

Khi đánh giá các dự thảo về chiến lược, quy hoạch phát triển năng lượng, cần phải xem xét đến tính liên thông, tương hỗ và liên kết giữa các phân ngành năng lượng đôi khi cần tạo thành chuỗi, đặc biệt là 3 lĩnh vực dầu khí, điện và than - những trụ cột, giữ vai trò chủ đạo trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Trong đó, điện là khâu cuối với tỷ phần cao cung cấp năng lượng trực tiếp, là đầu vào cho hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế cũng như đời sống nhân dân, TS. Phan Ngọc Trung lưu ý.

Việc tiến hành nghiên cứu, đưa đánh giá về tiềm năng, trữ lượng giúp chúng ta đề ra kế hoạch khai thác một cách hiệu quả nhất các nguồn lực tài nguyên năng lượng. Tùy bối cảnh, thời điểm, có thể điều chỉnh tỷ trọng khai thác các nguồn năng lượng khác nhau để “pha trộn” sao cho có hiệu quả nhưng vẫn phù hợp ngưỡng tiêu chuẩn môi trường cho phép.

Các chiến lược, quy hoạch phát triển năng lượng bên cạnh việc được xây dựng trên cơ sở đánh giá tiềm năng, trữ lượng của đất nước, có tính liên thông giữa các phân ngành năng lượng thì không nên quá đi vào chi tiết mà chỉ cần đặt ra những mục tiêu, định hướng chung nhất cho cả ngành và từng phân ngành năng lượng. Những yếu tố mang tính chi tiết, cụ thể sẽ được cụ thể hóa, đề cập trong các chiến lược, quy hoạch phát triển của từng phân ngành năng lượng.

Ông trung nhấn mạnh: “Các chiến lược, quy hoạch phát triển năng lượng cũng cần phải được thể chế hóa vào các quy định pháp luật có liên quan một cách nhanh nhất, sớm nhất và nhất là đối với tiến độ dự án trong quy hoạch. Có như vậy, các chủ thể tham gia mới có cơ sở pháp lý và xác định trách nhiệm triển khai thực hiện các mục tiêu, kế hoạch được đặt ra. Chỉ khi đó, tính khả thi của chiến lược và quy hoạch mới có cơ sở bảo đảm”.

Hình thành cơ chế liên kết giữa lực lượng nghiên cứu và phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo với các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo trong lĩnh vực năng lượng thông qua các chương trình khoa học và công nghệ; lồng ghép hoạt động nghiên cứu và phát triển trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển năng lượng. Tạo cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp năng lượng tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển; thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng. Tiếp tục triển khai chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia về nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng giai đoạn 2021-2030, trọng tâm là nghiên cứu chế tạo thiết bị năng lượng và ứng dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh, tiết kiệm năng lượng.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Quy hoạch năng lượng, xây dựng chiến lược trên cơ sở tiềm năng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới