Bộ Công Thương xin ý kiến đối với Dự thảo Quy hoạch năng lượng quốc gia
Bộ Công Thương đã rà soát, hoàn thiện Dự thảo Quy hoạch năng lượng quốc gia đồng bộ với Quy hoạch điện VIII và phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ.
Mới đây, Bộ Công Thương đã có công văn số 5642/BCT-DKT về việc xin ý kiến đối với Dự thảo Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch năng lượng quốc gia).
Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1743/QĐ-TTg ngày 03 tháng 12 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch năng lượng quốc gia.
Trong quá trình xây dựng, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị Tư vấn xây dựng Quy hoạch năng lượng quốc gia (Liên danh Viện Năng lượng và Viện Dầu khí Việt Nam) tổ chức các cuộc hội thảo, gửi Văn bản (số 9487/BCT-DKT ngày 09 tháng 12 năm 2020 và số 1177/BCT-DKT ngày 04 tháng 3 năm 2021) xin ý kiến các Thành viên Hội đồng thẩm định, cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan; các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng và tiếp thu, hoàn thiện nội dung của Quy hoạch năng lượng quốc gia.
Trên cơ sở triển khai các cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), ý kiến kết luận của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ tại các cuộc họp về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII), Bộ Công Thương đã rà soát, hoàn thiện Dự thảo Quy hoạch năng lượng quốc gia đồng bộ với Quy hoạch điện VIII và phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ.
Căn cứ quy định tại Điều 19, Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 và Điều 30 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy Hoạch, Bộ Công Thương xin ý kiến góp ý đối với Dự thảo Quy hoạch năng lượng quốc gia đã được hoàn thiện.
Theo Bộ Công Thương, nền kinh tế năng lượng Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng trong vài thập kỷ qua. Việt Nam có nhiều loại nguồn năng lượng nội địa như dầu thô, than, khí tự nhiên… Những nguồn năng lượng này đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế trong hai thập kỷ gần đây. Trước đây, xuất khẩu dầu thô và than là những nguồn đóng góp quan trọng cho ngân sách quốc gia. Nhưng những năm gần đây, nhập khẩu năng lượng lại có xu hướng tăng mạnh mẽ.
Để vượt qua các khó khăn thách thức, đảm bảo cung cấp năng lượng đầy đủ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước, việc xây dựng “Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” là thực sự cần thiết.
Quy hoạch được lập với những mục tiêu cụ thể như sau:
Khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý. Chủ động sản xuất được một số thiết bị chính trong các phân ngành năng lượng, nâng cấp, xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối điện tiên tiến, hiện đại.
Dựa trên hiện trạng và dự báo xu thế phát triển kinh tế - xã hội, đánh giá nhu cầu năng lượng giai đoạn 2011-2018, đưa ra các phương án dự báo nhu cầu năng lượng theo các loại nhiên liệu và theo các phân ngành kinh tế giai đoạn 2021-2030 và giai đoạn 2031-2050.
Nghiên cứu các phương án phát triển các phân ngành năng lượng và sử dụng hiệu quả năng lượng, lựa chọn một số phương án có chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật tốt và có tính khả thi cao, đảm bảo cung cấp năng lượng đầy đủ cho phát triển kinh tế xã hội, xem xét tới việc phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo.
Đánh giá về liên kết ngành, liên kết vùng; đánh giá sự liên kết, đồng bộ giữa kết cấu hạ tầng tổng thể ngành năng lượng trong nước với khu vực và quốc tế. Lập danh mục các dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư của các phân ngành năng lượng…
Ngọc Lan