Thứ sáu, 22/11/2024 16:13 (GMT+7)
Thứ tư, 17/11/2021 07:00 (GMT+7)

Quy hoạch điện VIII: Cần đẩy nhanh ‘điện sạch’, sớm từ bỏ điện than

Theo dõi KTMT trên

Với các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP26), nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, dự thảo Quy hoạch điện VIII cần đưa năng lượng tái tạo phát triển nhanh hơn, bên cạnh việc loại bỏ dần các dự án điện than.

Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục rà soát, hoàn thiện Quy hoạch Điện VIII theo hướng đảm bảo cao nhất cân bằng cung cầu nội vùng, cân đối dự phòng công suất nguồn điện và tiếp thu thông điệp của Việt Nam tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) vừa qua... 

Đây là lần thứ ba từ đầu năm, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương hoàn thiện lại quy hoạch này, sau khi bộ đã chỉnh sửa và trình cấp có thẩm quyền. Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, dự thảo này cần đưa năng lượng tái tạo phát triển nhanh hơn, bên cạnh việc loại bỏ bớt các dự án điện than.

Quy hoạch điện VIII: Cần đẩy nhanh ‘điện sạch’, sớm từ bỏ điện than - Ảnh 1
Nhà máy điện gió Trung Nam tại Ninh Thuận là nhà máy điện gió lớn nhất Việt Nam hiện nay. (Ảnh: VGP)

Với các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP26), Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý, cập nhật tại bản quy hoạch này. Ngoài ra, các tiêu chí xác định dự án trọng điểm, dự án ưu tiên trong Quy hoạch Điện VIII cũng cần được làm rõ.

Đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo

Nhận định về dự thảo Quy hoạch Điện VIII, trao đổi với Lao Động, ông Sean Huang - Quản lý phát triển của Copenhagen Offshore Partners (COP), đơn vị đang tham gia phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn cho hay, do những thách thức trong việc cung cấp nguồn tài chính cho nhiệt điện, dự thảo Quy hoạch Điện VIII cần xem xét điều chỉnh lại theo hướng phát triển năng lượng tái tạo với tốc độ nhanh hơn.

Với bờ biển dài và tốc độ gió lý tưởng, Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển điện gió ngoài khơi, tiềm năng kỹ thuật lên tới 175 GW. Để tận dụng tối đa tiềm năng này, Quy hoạch Điện VIII cần đặt ra những mục tiêu tham vọng hơn cho ngành điện gió ngoài khơi đến năm 2030. Theo đó, Chính phủ áp dụng giá ưu đãi FIT đối với các dự án điện gió ngoài khơi thí điểm cho một số công suất nhất định, chẳng hạn như 5 GW, trước khi chuyển sang đấu thầu, thay vì cơ chế chuyển đổi theo khung thời gian định sẵn để đảm bảo đúng việc cân đối giữa sự khởi động ngành điện gió ngoài khơi và việc đảm bảo khả năng tài chính cho dự án.

Ngoài ra, việc phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, theo ông Sean Huang  sẽ khiến Việt Nam có thể gặp rủi ro về "nguy cơ thiếu điện". Trung Quốc, Ấn Độ là "bài học nhãn tiền" khi đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng do phụ thuộc quá nhiều vào nhiệt điện, trong khi nguồn cung than đá lại thiếu trầm trọng.

"Sự biến động của giá than và khí thiên nhiên hóa lỏng trên thị trường toàn cầu là một thách thức đối với Việt Nam trong việc quản lý hoạt động và cân bằng giữa chi phí nhiên liệu và hiệu quả thời kỳ hậu Covid.

Chính vì vậy, việc gia tăng các nguồn năng lượng ít phụ thuộc hơn vào nhiên liệu hóa thạch, tức là năng lượng tái tạo và phát triển hệ thống lưới điện thông minh hơn với các hệ thống lưu trữ năng lượng sẽ giúp Việt Nam khắc phục và giảm thiểu rủi ro về an ninh năng lượng", ông Sean Huang nêu quan điểm.

Quan trọng hơn, việc có khung pháp lý và các cơ chế để đảm bảo các dự án thí điểm được phát triển và xây dựng bởi các tập đoàn lớn có kinh nghiệm về cả năng lực kỹ thuật và tiềm lực tài chính vững chắc sẽ là yếu tố trọng yếu để dẫn dắt ngành điện gió ngoài khơi tới thành công trong giai đoạn ban đầu...

Xem xét đóng cửa nhà máy điện than

Theo nhận định của ông Chu Bá Thi - Chuyên gia năng lượng của World Bank (WB) nhận định, để đảm bảo an ninh năng lượng và mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cần tích hợp năng lượng tái tạo ở mức cao hơn. 

Chuyên gia này đưa ra lộ trình giảm thải nhà kính với 3 kịch bản. Kịch bản cơ sở có tỉ lệ tăng điện than 3 lần vào 2030. Kịch bản 2 là tỉ lệ điện than tăng 2 lần 2030 và kịch bản 3 là điện than đạt đỉnh vào năm 2025, sau đó giảm dần để hoàn thành mục tiêu phát thải ròng 0% năm 2050.

Quy hoạch điện VIII: Cần đẩy nhanh ‘điện sạch’, sớm từ bỏ điện than - Ảnh 2
Đảm bảo an ninh năng lượng và mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam cần tích hợp năng lượng tái tạo ở mức cao hơn. (Ảnh: TPC Uông Bí)

Ở kịch bản 3, mức giảm phát thải 80% khi thay thế hết điện than bằng năng lượng tái tạo và công suất của các nguồn dự trữ. Ở kịch bản này cần phải đóng cửa sớm các nhà máy điện than với công suất 18 MW.

Ông Phạm Nguyên Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho rằng, trong thời gian tới, nguồn điện sẽ được chuyển dịch theo tập trung khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng mới và năng lượng tái tạo với cơ cấu hợp lý.

"Việc chuyển dịch nguồn năng lượng để phát triển bền vững là một lộ trình nhiều khó khăn đối với Việt Nam. Chính vì vậy, cần có sự hỗ trợ về công nghệ, tài chính của các quốc gia, tổ chức trên thế giới" - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nhấn mạnh.

Cụ thể, sẽ gia tăng tỉ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo lên khoảng 11,9-13,4% năm 2030 và khoảng 26,5-28,4% năm 2045. Đồng thời, giảm tỉ lệ điện năng sản xuất từ nguồn điện than trong cơ cấu sản xuất, từ 44,2-45,5% năm 2030 xuống 27,4-32,4% năm 2045.

Theo đánh giá của WB, Việt Nam có lợi thế về tiềm năng năng lượng tái tạo thuỷ điện, điện gió, điện mặt trời, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Đó là những nguồn năng lượng có thể đảm bảo trong việc cung cấp điện cho Việt Nam.

Nguy cơ đe dọa an ninh năng lượng quốc gia

Với Dự thảo Quy hoạch Điện VIII, 10 liên minh, tổ chức đại diện hơn 200 nhà khoa học Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng sạch, bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, chống biến đổi khí hậu đã không đồng tình và đề nghị xem xét cẩn trọng.

Theo đề án mới đệ trình, Bộ Công Thương sẽ tăng thêm khoảng 20.000 MW điện than mới, nâng công suất điện than từ khoảng 21.000 MW hiện nay lên 40.899 MW vào năm 2030 và tiếp tục tăng thêm khoảng 10.000 MW điện than trong giai đoạn tới 2045.

Với lộ trình này, năng lượng hóa thạch sẽ chiếm 68%-69% trong sản lượng điện quốc gia vào năm 2030, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 6 quốc gia có kế hoạch phát triển điện than lớn nhất toàn cầu.

Đến thời điểm này, có thể khẳng định rằng 2/3 công suất điện than dự kiến xây dựng mới ở Việt Nam sẽ không khả thi vì không thể tiếp cận được nguồn vốn và như vậy sẽ trở thành các dự án “treo”, đồng thời sẽ đe dọa an ninh năng lượng quốc gia.

Do đó, bản quy hoạch này đang tạo ra những hệ lụy có hại cho chính ngành điện. Đặc biệt, sẽ đặt đất nước vào thế bất ổn tiềm tàng khi đặt cược an ninh năng lượng vào sự bập bềnh của giá nhiên liệu than và khí đang dao động và ngày càng đắt đỏ do nguồn cung bị thu hẹp.

Trong khi đó, 10 liên minh nhấn mạnh, bối cảnh quốc tế thời điểm này có nhiều cơ hội thuận lợi cho Việt Nam để phát triển đột phá theo hướng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu mà vẫn đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Các đối tác phát triển như EU, Hoa Kỳ, WB, UNDP, UK... cũng cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam huy động nguồn lực cho chuyển dịch năng lượng. Mặt khác, công nghệ năng lượng sạch đã cạnh tranh với nhiên liệu hóa thạch và liên tục cải tiến đi kèm và ngày càng có nhiều đột phá vượt sức tưởng tượng.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Quy hoạch điện VIII: Cần đẩy nhanh ‘điện sạch’, sớm từ bỏ điện than. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới