VSEA kiến nghị Chính phủ kiên quyết loại bỏ dự án điện than
Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam vừa có thư kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Quy hoạch điện VIII nên ưu tiên thực hiện ngay các giải pháp cải cách ngành điện để giải phóng vốn đầu tư tư nhân vào năng lượng sạch, đồng thời kiên quyết loại bỏ điện than.
Tiếp tục phát triển điện than là trái xu thế
Ngày 1/6, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) đã gửi Thư kiến nghị, góp ý cho dự thảo Quy hoạch điện Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) đến Chính phủ.
VSEA kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Quy hoạch điện VIII nên ưu tiên thực hiện ngay các giải pháp cải cách ngành điện để giải phóng vốn đầu tư tư nhân vào năng lượng sạch, đồng thời kiên quyết loại bỏ ra khỏi quy hoạch các dự án điện than không được địa phương ủng hộ, tính khả thi thấp và rủi ro cao.
Theo VSEA, quan điểm hạn chế phát triển điện mặt trời trong 10 năm tới là hoàn toàn đi ngược với xu thế của thế giới, lãng phí nguồn tài nguyên tự nhiên, lặp lại bài học đắt giá từ Quy hoạch điện VII điều chỉnh về sự chậm chễ trong chính sách, bỏ lỡ cơ hội thu hút dòng đầu tư dồi dào từ xã hội.
Quy hoạch cần ưu tiên tháo gỡ khó khăn về lưới điện và tăng tính linh hoạt của hệ thống đi kèm đẩy nhanh thực hiện thị trường điện cạnh tranh.
Tiếp tục phát triển các dự án điện than mới đến 2045 là trái với xu thế mới của khu vực và toàn cầu, rất khó khả khi vì nguồn tài chính quốc tế cho điện than ngày càng khó hơn, nhiệt điện than ngày càng đắt đỏ hơn, các địa phương và người dân không ủng hộ.
Tiếp tục phát triển điện than có thể gây ra hàng loạt hệ lụy với xã hội và nền kinh tế, tăng gánh nặng cho hệ thống y tế và tác động xấu đến sức khỏe của người dân, bất lợi cho hàng hóa của Việt Nam khi xuất khẩu sang các nước bị đánh thuế các bon, gây áp lực và rủi ro cho hệ thống ngân hàng trong nước.
Quy hoạch điện VIII vẫn dự kiến tăng điện than mới cho tới năm 2045, trong khi 16/34 dự án điện than thuộc nhóm dự án đặc thù đã chậm tiến độ và tiếp tục bị đẩy lùi thêm nhiều năm nữa.
Liên quan đến vấn đề này, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) cho rằng, tiếp tục phát triển nhiệt điện than sẽ đặt Việt Nam ở chiều ngược lại với xu thế chuyển dịch xanh của thế giới và nỗ lực thực hiện mục tiêu khí hậu của Thỏa thuận Paris. Bên cạnh đó, phát triển nhiệt điện với tỉ trọng cao sẽ gia tăng phụ thuộc nguồn than, khí nhập khẩu và đặt ra rủi ro cho an ninh năng lượng quốc gia.
Trong khi đó, tiềm năng của năng lượng tái tạo vẫn chưa được Việt Nam khai thác tối đa. Điện gió ngoài khơi cũng chưa được triển khai và nguồn vốn cho loại hình năng lượng này cũng khá đa dạng, đang nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong nước.
Ông Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng cũng chia sẻ, dự thảo Quy hoạch điện VIII đã chú ý đến vấn đề môi trường, phát triển bền vững khi lần đầu tiên lượng hóa được các ô nhiễm thành tiền. Tuy nhiên, quy hoạch vẫn đang xoay quanh việc phát triển điện than. Việc tiếp tục xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới sẽ chủ yếu sử dụng than nhập khẩu.
"Vậy tại sao lại không phát triển các dạng năng lượng khác thay thế than, trong khi tiềm năng điện gió và điện mặt trời của Việt Nam là rất lớn", ông Lâm đặt vấn đề.
Cần khuyến khích đầu tư tư nhân xây dựng lưới điện
Các dự báo và khuyến nghị mới nhất của các cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) đều chỉ ra rằng điện mặt trời sẽ tiếp tục được đầu tư phát triển mạnh trong thập kỷ tới. Nếu chọn kìm hãm điện mặt trời sẽ dẫn tới vừa lãng phí nguồn tài nguyên, vừa lặp lại bài học đắt giá từ Quy hoạch Điện VII điều chỉnh về sự chậm chễ trong chính sách.
Theo VSEA, Việt Nam có tiềm năng điện mặt trời phân tán và kết hợp rất lớn và là loại hình năng lượng huy động được rất tốt nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp tư nhân và người dân. Điều này phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng về thúc đẩy phân cấp phân quyền.
Thời gian gần đây, năng lượng mặt trời phát triển nhanh, với nguồn công suất lớn trong khi lưới truyền tải không đồng bộ kịp dẫn tới tình trạng quá tải, sa thải công suất của nguồn điện sạch, gây lãng phí đầu tư và nợ xấu.
VSEA khuyến nghị Chính phủ nên có giải pháp chính sách cho phép tư nhân tham gia đầu tư xây dựng lưới điện để giải tỏa công suất năng lượng tái tạo và giảm gánh nặng đầu tư cho nhà nước. Để đảm bảo an ninh hệ thống, khâu vận hành và quản lý lưới vẫn do Nhà nước đảm trách.
Năng lượng tái tạo sẽ phải tiếp tục cắt giảm trong 5 năm tới
Theo dự kiến của EVN, năm 2021, sản lượng điện không khai thác được của các nguồn năng lượng tái tạo tiếp tục tăng, đạt khoảng 1,68 tỉ kWh (trong đó, dự kiến tiết giảm 1,25 tỉ kWh điện mặt trời và 430 triệu kWh điện gió, tương đương khoảng 7-9% sản lượng khả dụng các nguồn điện này). Trong 3 tháng đầu năm 2021, điều độ quốc gia đã tiết giảm công suất điện mặt trời nối lưới/điện mặt trời mái nhà lớn nhất, lên đến hàng nghìn MW.
Theo các báo cáo của EVN về tình hình phát triển điện gió và tình hình vận hành hệ thống điện năm 2021 thì tới cuối năm 2021 tổng công suất điện gió có thể đưa vào vận hành thêm khoảng 5.400 MW, điện mặt trời tập trung vận hành thêm khoảng 300 MW, nhiệt điện than khoảng 3.000 MW (Hải Dương 2 là 600 MW, Sông Hậu 1 là 1.200 MW, Duyên Hải 2 là 1.200 MW). Tổng công suất đặt của hệ thống điện cuối năm 2021 vào khoảng gần 80 GW. Như vậy, điện gió và điện mặt trời (bao gồm điện mặt trời áp mái) sẽ chiếm lần lượt khoảng 7% và 22% tổng công suất đặt của hệ thống.
Sự gia tăng của điện mặt trời và điện gió sẽ gia tăng hiện tượng nghẽn mạch, tiết giảm năng lượng tái tạo trên hệ thống điện. Dự kiến giai đoạn 2021-2025, hệ thống điện Việt Nam sẽ tiếp tục tiết giảm.
Hà Lan