Quảng Trị tập trung các giải pháp ứng phó với nắng hạn, xâm nhập mặn
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị lượng mưa thiếu hụt lớn so với trung bình nhiều năm, đã xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước ở một số địa phương …
Nắng hạn khiến nhiều diện tích lúa bị ảnh hưởng do thiếu nước. |
Hiện tại, hầu hết các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh có mức trữ thấp, các hồ chứa ở trung bình đạt 30% dung tích thiết kế trong đó hồ La Ngà chỉ đạt 24,5%, hồ Bảo Đài chỉ đạt 23,4 %), các hồ chứa nhỏ chỉ đạt 20-30% dung tích thiết kế.
Với tình hình khí hậu, thời tiết và nguồn nước bất lợi như trên đã gây hạn hán, thiếu nước với diện tích bị ảnh hưởng là khoảng 1.484 ha lúa. Trong đó huyện Vĩnh Linh 541ha, tập trung ở các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Lâm, Hiền Thành, Vĩnh Hòa; huyện Gio Linh 847,1 ha, tập trung ở các xã Gio Mỹ, Gio Thành, Gio Phong, Trung Sơn; huyện Cam Lộ 75 ha, tập trung ở các xã Cam Hiếu, Cam Thủy, Cam Chính.
Ngành nông nghiệp Quảng Trị đang tận dụng lượng nước ở các hồ đập, sông ngòi, sử dụng tối đa công suất các trạm bơm điện để tưới chống hạn; khoanh vùng những khu vực khó tưới, vùng dễ bị hạn để lắp đặt thêm các trạm bơm dã chiến bơm tưới; tập trung nạo vét các sông, khơi thông các cửa sông lấy nước, kênh dẫn trạm bơm đảm bảo dẫn nước thông suốt; sửa chữa, nâng cấp các tuyến kênh xuống cấp gây lãng phí nước; khoanh vùng bơm, đắp các đập nội đồng, đắp bờ bao, bờ vùng để trữ nước.
Để chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống hạn hán, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh đã yêu cầu các ngành chức năng hướng dẫn, đôn đốc các địa phương xây dựng phương án, kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh theo hướng chủ động, linh hoạt bố trí cơ cấu sản xuất phù hợp.
Nhiều diện tích lúa ở huyện Gio Linh khô cháy. |
Phối hợp với Công ty TNHH MTV quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị phát động phong trào toàn dân ra quân làm thủy lợi như: Tổ chức nạo vét, sửa chữa kênh mương, cửa cống lấy nước, bể hút trạm bơm, đắp bờ giữ nước, tận dụng nước hồi quy để bơm tưới;
Hỗ trợ người dân đào thêm các giếng nước; tổ chức các điểm cấp nước tập trung dùng xe téc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân; cấp nước luân phiên từ các công trình cấp nước tập trung, hỗ trợ đường ống, trạm bơm dã chiến lấy nước từ nguồn xa về các cụm dân cư; tăng cường công tác truyền thông về giải pháp cấp và trữ nước hộ gia đình, sử dụng nước tiết kiệm trong thời kỳ còn lại của mùa khô năm 2020.
Chỉ đạo Công ty Điện lực Quảng Trị có phương án bảo đảm cấp điện phục vụ vận hành công trình thủy lợi, đặc biệt là các trạm bơm trong thời kỳ khô hạn để chủ động việc bơm tưới chống hạn.
Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra và thông báo kịp thời tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh để các địa phương, đơn vị chủ động trong công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn.
Thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, tổ chức vận hành, giám sát việc vận hành, điều tiết nước của các công trình thủy lợi, hồ chứa để đảm bảo chủ động nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất;
Tăng cường thực hiện các giải pháp thủy lợi như nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đào ao, giếng, đắp đập tạm ngăn mặn, lắp đặt trạm bơm dã chiến, khơi thông dòng chảy, tận dụng khai thác tối đa nguồn nước…
“Đối với vùng khả năng bị thiếu nước, cần tăng cường tích trữ nước, ưu tiên tạo nguồn cấp nước sinh hoạt, chăn nuôi, tưới để duy trì sức sống cho cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao” - ông Hà Sỹ Đồng nói.
Tiến Nhất