Quảng Ninh: Lãnh đạo tỉnh kiểm tra phương án chuẩn bị phòng chống thiên tai ở TP Cẩm Phả
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra phương án chuẩn bị và một số hạng mục trong phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam trên địa bàn TP Cẩm Phả.
Chiều 31/5, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra các phương án chuẩn bị và các hạng mục phòng, chống mưa bão tại bãi thải mỏ Bàng Nâu và bãi thải mỏ Đông Cao Sơn.
Theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam, bãi thải Bàng Nâu đã cơ bản kết thúc đổ thải. Để đảm bảo an toàn đối với bãi thải này, Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị thành viên thực hiện cắt tầng trong quá trình đổ thải. Đắp các tuyến đê chắn đất đá sạt trượt ở mỗi tầng. Hoạt động quan trắc biến động dịch chuyển của bãi thải được thực hiện định kỳ 6 tháng/1 lần.
Đối với bãi thải Đông Cao Sơn, Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị thành viên dừng hoạt động đổ thải tại bãi thải này từ năm 2015. Đồng thời, tiến hành trồng cây hoàn nguyên và xây dựng các đập chắn đất, đá sạt trượt tại chân bãi thải.
Tại buổi kiểm tra, Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam, nhất là các đơn vị trực tiếp được giao nhiệm vụ trong việc cải tạo các bãi thải mỏ và đầu tư các công trình bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, trước điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay và mùa mưa bão đang đến, Bí thư Tỉnh ủy lưu ý các đơn vị ngành Than không được chủ quan, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Trong đó, phải bám sát phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, từ xa, từ sớm, từ cơ sở. Đặc biệt với mục tiêu cao nhất giảm thiểu tối đa thiệt hại về tính mạng, tài sản khi có mưa bão; đảm bảo duy trì ổn định sản xuất trong mùa mưa bão. Đặc biệt là không để xảy ra sự cố ngập mỏ, sạt lở bờ trụ khi có mưa lớn.
Ngành Than phải chuẩn bị kỹ càng các phương án phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn ở các đơn vị, kể cả các đơn vị khai thác hầm lò, khai thác lộ thiên, chế biến kinh doanh than và các đơn vị liên quan khác, đảm bảo giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản và không ảnh hưởng đến tình hình địa phương. Đối với các bãi thải mỏ đã ổn định, phải tăng cường hoàn nguyên môi trường, trồng cây xanh, phủ xanh bãi thải mỏ đã ổn định để giảm phát tán bụi; thực hiện quan trắc thường xuyên tại các bãi thải để kịp thời cảnh báo những yếu tố có thể nảy sinh; đồng thời, kiểm soát tốt việc đổ thải, xả thải của khai thác hầm lò.
Phối hợp chặt chẽ với các địa phương, sở, ngành của tỉnh thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi xanh. Đặc biệt lưu ý rà soát các quy trình đảm bảo an toàn mỏ, an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ và các tai nạn rủi ro trong khai thác hầm lò, nhất là trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay.
Qua kiến nghị của các sở, ngành, địa phương tại buổi kiểm tra, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục rà soát lại các chủ trương phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, nhất là việc đẩy mạnh sử dụng đất đá thải mỏ hoàn toàn bỏ đi sau khai thác để phục vụ cho nhu cầu san lấp.
Qua đó vừa góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, tháo gỡ khó khăn về vật liệu san lấp mặt bằng các dự án, công trình hiện nay; hạn chế việc phải khai thác các mỏ mới, gây ảnh hưởng đến môi trường. Đồng thời, vừa giảm thiểu diện tích đất phục vụ cho hoạt động đổ thải, tránh được các nguy cơ tác động đến đời sống nhân dân, an ninh trật tự; hạn chế việc phát thải bụi về mùa khô và sạt lở về mùa mưa bão./.
Minh Hà