Thứ sáu, 22/11/2024 16:47 (GMT+7)
Thứ hai, 09/10/2023 07:46 (GMT+7)

“Quảng Ninh cần quan trắc ô nhiễm ngay các dự án ven biển trước khi quá muộn” (Bài 12)

Theo dõi KTMT trên

PGS.TS Nguyễn Phương, Bộ môn Quản lý Tài nguyên và Môi trường (Đại học Mỏ - Địa chất) cho rằng, tỉnh Quảng Ninh cần quan trắc môi trường tại các dự án ven biển dùng chất thải mỏ tức thời.

Chủ trương tốt nhưng thực hiện có tốt!?

PGS.TS Nguyễn Phương khẳng định, chủ trương lấy đất đá thải mỏ để san lấp mặt bằng của tỉnh Quảng Ninh là rất tốt nếu xét về khía cạnh kinh tế. Việc này sẽ hạn chế được diện tích dùng để đổ thải. Cái tốt thứ 2 là địa phương sẽ giảm được diện tích cần khai thác để làm vật liệu xây dựng dùng trong san lấp dự án.

“Quảng Ninh cần quan trắc ô nhiễm ngay các dự án ven biển trước khi quá muộn” (Bài 12) - Ảnh 1
PGS.TS Nguyễn Phương, Bộ môn Quản lý Tài nguyên và Môi trường (Đại học Mỏ - Địa chất). Ảnh: Kế Toại.

Trên thế giới, hầu hết các dự án mỏ tại các quốc gia đều tái sử dụng đất đá thải mỏ. Điều này được khẳng định ngay trong quá trình thăm dò, đó là giá trị của mỏ sẽ nâng cao nếu có thể tái sử dụng đất đá thải. Nhưng về nguyên tắc chung, khi tái sử dụng chất thải mỏ vẫn phải đánh giá lại thực trạng, hiệu quả cũng như các tác động tới môi trường.

Theo Luật Khoáng sản 2010, bãi thải hiện nay chia làm 2 dạng. Loại thứ nhất ở dạng hoàn chỉnh, ở trong trạng thái tái tạo, phục hồi môi trường. Dạng này thuộc các mỏ đã khai thác xong, đã đóng cửa mỏ. Về phân cấp, những mỏ này được giao lại cho tỉnh để sử dụng.

Loại thứ là các bãi thải vẫn đang hoạt động, thuộc sự quản lý của các doanh nghiệp khai thác than (chủ yếu thuộc Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam – TKV). Với những bãi này, nếu muốn sử dụng chất thải mỏ buộc phải sự đồng ý của cơ quan liên Bộ gồm Công Thương và Tài nguyên và Môi trường. 

Theo PGS.TS Nguyễn Phương, từ trước năm 1990, trong quá trình khai thác, những vỉa than mỏng, than xấu thường bị doanh nghiệp xúc bỏ đổ luôn ra bãi thải. Chính vì vậy, những bãi thải trong giai đoạn này còn chứa rất nhiều than.

Giai đoạn sau, công nghệ và quy trình khai thác tốt hơn, tuy nhiên trong các bãi thải vẫn còn lẫn than dù phần trăm ít hơn. “Việc lẫn than trong chất thải mỏ là chuyện đương nhiên, chỉ là ít hay nhiều mà thôi. Với những mỏ than khai thác những năm 1990, than bị bỏ đi rất nhiều, vừa lãng phí tài nguyên, đồng thời gây ra các hệ lụy ô nhiễm môi trường”, PGS.TS Nguyễn Phương phân tích.

Khi lấy chất thải mỏ làm vật liệu san lấp, bắt buộc doanh nghiệp phải có các nghiên cứu về chỉ tiêu như độ nén chặt, có chứa các nguyên tố độc hại như chì, kẽm, asen, sunfua, pirit… hay không? Đây đều là những chất làm gây ô nhiễm môi trường nếu tồn dư trong chất thải mỏ.

Để làm việc này, địa phương phải tham vấn chuyên gia, cơ quan chức năng tiến hành thăm dò bãi thải công nghiệp. Một là để đánh giá, xác định lại các vật chất lẫn trong chất thải mỏ. Đồng thời, đánh giá lại khả năng hiệu quả nếu sử dụng chất thải mỏ trong lĩnh vực có nhu cầu như san lấp mặt bằng làm dự án.

PGS.TS Nguyễn Phương thông tin thêm, giai đoạn sau này, tại một số mỏ, khi phê duyệt trữ lượng khoáng sản chính, các doanh nghiệp đã tiến hành đánh giá chất lượng chất thải để xem xét khả năng tái sử dụng. Ví dụ như mỏ than tại Khánh Hòa, người ta đánh giá lớp đá vôi, đá sét nằm bên trên than xem có tái sử dụng làm xi măng hay không. Hay như mỏ đồng Tạ Khoa (Sơn La), doanh nghiệp họ cũng nghiên cứu, đánh giá và đề xuất luôn việc tái sử dụng chất thải mỏ làm vật liệu xây dựng trong báo cáo thăm dò. Nếu được hội đồng đánh giá trữ lượng ghi nhận, sau này khi cần tái sử dụng, doanh nghiệp đã có trong tay số liệu. Lúc này, doanh nghiệp chỉ cần xin phép cơ quan có thẩm quyền cấp phép tái sử dụng chất thải mỏ mà không cần thăm dò lại.

PGS.TS Nguyễn Phương khẳng định, tại tỉnh Quảng Ninh, hầu như chưa doanh nghiệp nào tiến hành những bước này. Chính vì vậy, muốn sử dụng chất thải mỏ, bắt buộc phải tiến hành thăm dò, đưa ra các số liệu chỉ tiêu cụ thể.

Trong đó, doanh nghiệp buộc phải làm rõ 3 tiêu chí sau: Một là xác định khối lượng chất thải trong phạm vi khu vực được phép khai thác, bao gồm khối lượng đất đá đã bóc và tập kết tại bãi thải; khối lượng đất đá thải khi tiếp tục khai thác theo Giấy phép khai thác khoáng sản. Hai là, phải làm rõ thành phần vật chất, thành phần hóa học, tính cơ lý, mục đích, nhu cầu sử dụng của đất đá thải mỏ. Ba là, chứng minh tại thời điểm hiện tại, việc khai thác, sử dụng đất đá thải mỏ này có hiệu quả kinh tế.

Quan trắc ngay trước khi quá muộn!

Trước kết quả nghiên cứu độc lập của các chuyên gia mà Tạp chí Kinh tế Môi trường đăng tải, PGS.TS Nguyễn Phương nhận định, việc đổ thải như hiện nay của tỉnh Quảng Ninh là vừa lãng phí tài nguyên, vừa gây ô nhiễm môi trường. Bởi bản thân trong than có pirit, khi gặp nước mưa sẽ tạo ra dòng thải axit mỏ. Lâu ngày, dòng thải axit này sẽ tích tụ, thải ra môi trường biển chắc chắn gây ô nhiễm môi trường. Nước biển sẽ bị axit hóa, điều này vô cùng nguy hiểm với hệ sinh thái môi trường biển.

PGS.TS Nguyễn Phương khẳng định, việc phát hiện những mẫu đất đá thải mỏ có chứa tới hơn 17,3% than là quá lớn. Với lượng than tồn dư nhiều như vậy, nếu đem san lấp làm dự án ven biển chắc chắn sẽ gây ô nhiễm.

PGS.TS Nguyễn Phương cho rằng, ngay lúc này, tỉnh Quảng Ninh cần kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ các dự án dùng chất thải mỏ san lấp ven vịnh Hạ Long và Bái Tử Long. Phải ngăn chặn quá trình ô nhiễm ngay từ đầu, nếu như xảy ra ô nhiễm thì rất nguy hiểm.

Cụ thể, tỉnh Quảng Ninh phải tiến hành quan trắc mức độ ô nhiễm toàn bộ các dự án. Qua đó đánh giá việc có hay không than ngấm xuống nước rồi đổ ra biển. Trong diện tích đã san lấp có bị tồn dư các kim loại nặng hay không. Nếu phát hiện ra nguồn nguy hại, phải tiến hành ngay việc ngăn chặn ô nhiễm.

PGS.TS Nguyễn Phương đề xuất, với những dự án ven biển sử dụng chất thải mỏ có nguy cơ ô nhiễm, buộc phải xử lý bằng cách xây tường bao ngăn chặn dòng axit thải mỏ trước khi thẩm thấu ra biển.

Tuy nhiên, với những bải tắm nhân tạo sử dụng chất thải mỏ, PGS.TS Nguyễn Phương đánh giá, không thể sử dụng phương pháp kỹ thuật này. Bởi ngay khi chất thải mỏ được đổ xuống lấn biển, nước biển, nước mưa đã cuốn trôi, phong hóa, hòa tan với nhau tạo thành dòng axit mỏ ngấm thẳng xuống biển. “Nếu như với một dự án làm nhà, công trình lấn biển dùng chất thải mỏ thì có thể kè bao ngoài để ngăn chặn. Nhưng nếu tỉnh Quảng Ninh cho dùng chất thải mỏ để làm bãi biển thì chịu rồi, không xử lý được”, PGS.TS Nguyễn Phương phân tích.

PGS.TS Nguyễn Phương cho rằng, tỉnh Quảng Ninh cần dừng ngay việc dùng chất thải mỏ để san lấp làm bãi tắm nhân tạo. Bởi càng đổ nhiều, tích lũy càng lớn, nguy cơ gây ô nhiễm càng nhiều, vô cùng khó xử lý. PGS.TS Nguyễn Phương chia sẻ, hệ lụy trước mắt là gây ô nhiễm môi trường, khách du lịch sẽ quay lưng, thương hiệu du lịch hay di sản của tỉnh Quảng Ninh chắc chắn bị ảnh hưởng không nhỏ.

“Cách duy nhất để đối phó với nguy cơ ô nhiễm môi trường, đó là phải nạo vét toàn bộ lượng than, bùn đã hòa cùng nước biển tại các bãi tắm. Sau đó dùng vật liệu thông thường san lấp, hồi phục môi trường để hạn chế nguy cơ ô nhiễm”, PGS.TS Nguyễn Phương nêu đề xuất.

Đừng vì lợi ích ngắn hạn mà đánh đổi môi trường

Quay trở lại câu chuyện Luật Khoáng sản 2010, PGS.TS Nguyễn Phương cho biết, quy định phân cấp là tỉnh được phép quản lý, sử dụng bãi thải mỏ nhưng với điều kiện đó là vật liệu xây dựng thông thường. Còn nếu bãi thải mỏ được ghi nhận còn chứa nhiều khoáng sản, bao gồm cả than, thì muốn sử dụng vẫn phải báo cáo, xin phép, phân loại tài nguyên.

Đặc biệt, với những bãi thải còn chứa nhiều than, bắt buộc địa phương phải khoanh vùng, tiến hành phân loại tận thu chứ không cấp phép vận chuyển, san lấp bừa bãi. Chỉ khi chất thải mỏ đó đáp ứng đúng tiêu chuẩn của vật liệu xây dựng, doanh nghiệp mới được phép dùng để san lấp dự án.

Theo PGS.TS Nguyễn Phương, khi có ý kiến hay số liệu nghiên cứu như trên của các chuyên gia, nhà khoa học, tỉnh Quảng Ninh buộc phải tiến hành quan trắc và báo cáo. Tỉnh buộc phải tiến hành quan trắc lại để đánh giá mức độ ô nhiễm nguồn đất, nước xem có hay không? Mức độ ra làm sao? So sánh chất lượng nguồn đất, nước trước và sau khi tiến hành đổ thải. Từ đó, tỉnh mới có số liệu, cơ sở để báo cáo bộ, ngành và trả lời các chuyên gia, nhà khoa học.

Nhắc lại chủ trương của tỉnh Quảng Ninh, PGS.TS Nguyễn Phương khẳng định, chủ trương này rất đúng và tốt. Nhưng thực hiện như thế nào và ở đâu lại là chuyện khác. Tuy nhiên, không nên đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế trước mắt. Dù rằng, việc thăm dò công nghiệp, phân loại sẽ gây tốn kém hơn nhưng sẽ đảm bảo không bị lãng phí tài nguyên, quan trọng hơn cả là giữ gìn được cảnh quan môi trường.

Tỉnh Quảng Ninh cũng như các doanh nghiệp cần nghiên cứu lại việc này, giữ cân bằng hài hòa giữa lợi ích kinh tế và môi trường. Thậm chí, nếu không giải quyết hài hòa, nếu sau này phát hiện vi phạm, sẽ mất đi nhiều thứ hơn là lợi ích ngắn hạn nêu trên.

Thêm nữa, nếu như tỉnh tiến hành lấy hết đất đá thải mỏ để san lấp, sau này cũng sẽ vướng trong việc cải tạo môi trường sau khi đóng cửa mỏ. Tỉnh hay doanh nghiệp lấy gì để đổ vào hoàn mỏ, cải tạo phục hồi. Chính vì vậy, thay vì giải bài toán trước mắt, Quảng Ninh cần có chiến lược dài hơi hơn trong tương lai.

(Còn nữa… )

Nhóm PV

Bạn đang đọc bài viết “Quảng Ninh cần quan trắc ô nhiễm ngay các dự án ven biển trước khi quá muộn” (Bài 12). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tiêu hủy 5 cá thể hổ đã chết tại Hà Tĩnh
Ngày 26/8, Hội đồng tiêu hủy vật chứng tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã tiến hành tiêu hủy 5 cá thể hổ đã chết vốn là tang vật trong một vụ án buôn bán động vật hoang dã.

Tin mới