Thứ sáu, 22/11/2024 02:19 (GMT+7)
Thứ hai, 02/10/2023 07:34 (GMT+7)

Phó Trưởng ban Dân nguyện: San lấp dự án bằng đất đá thải mỏ có gây lãng phí tài nguyên? (Bài 9)

Theo dõi KTMT trên

Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, việc sử dụng đất đá thải mỏ để san lấp dự án ven biển phải xem xét có gây tổn hại đến môi trường và gây lãng phí tài nguyên không.

Thời gian gần đây, Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường nhận được nhiều ý kiến của cử tri và nhân dân tỉnh Quảng Ninh lo lắng về vấn đề tác động đến môi trường xoay quanh hiện tượng sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp một số dự án, công trình ven biển.

Trong quá trình khảo sát và tìm hiểu của Phóng viên, tại huyện Vân Đồn, dự án được ghi nhận đã và đang sử dụng đất đá thải mỏ để sản lấp mặt bằng tương đối lớn là dự án Khu đô thị Ao Tiên Vân Đồn, nằm trên địa phận xã Hạ Long, Khu Đô thị Dragon City, Khu đô thị Hà Khánh thuộc phường Hà Khánh, TP.Hạ Long...

Bên cạnh dự án, Phóng viên cũng ghi nhận được lượng lớn than còn nằm lẫn trong khu vực bãi đổ thải của dự án Ao Tiên. Bãi này nằm ở vị trí đối diện khu du lịch của doanh nghiệp Mai Quyền, đua tận ra Vịnh Bái Tử Long.

Để làm rõ hơn về các ý kiến phản ánh của người dân và những lo lắng của cử tri, Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phó Trưởng ban Dân nguyện: San lấp dự án bằng đất đá thải mỏ có gây lãng phí tài nguyên? (Bài 9) - Ảnh 1
Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Văn Chương.

Nếu cần thiết phải kiến nghị lên Thủ tướng

-Thưa ông, thời gian gần đây, không ít người dân, cử tri tỉnh Quảng Ninh có phản ánh và bày tỏ sự lo lắng về việc một số sự án ven biển trên địa bàn tỉnh được san lấp bằng đất đá thải mỏ. Là Phó trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông có nắm được thông tin này?

-Tôi có nhận được đơn phản ánh của người dân, cử tri tỉnh Quảng Ninh thể hiện những lo lắng liên quan đến việc các doanh nghiệp dùng đất, đá thải mỏ để san lấp các dự án, công trình ở ven biển, trong đó có khu vực Vịnh Bái Tử Long. Người dân gửi các hình ảnh làm chứng cứ và nêu rõ các địa điểm xảy ra việc dùng đất, đá thải mỏ để san lấp dự án.  

Về vấn đề này, tôi cũng đã đề nghị các cơ quan báo chí vào để xem xét, xác minh những thông tin phản ánh của người dân có đúng không. Nếu những phản ánh, lo ngại này là đúng, báo chí phải ý kiến đến các cơ quan có thẩm quyền tỉnh Quảng Ninh xem xét để trả lời người dân. Trong trường hợp tỉnh Quảng Ninh không xem xét, không có câu trả lời thỏa đáng, cần thiết chúng ta có thể kiến nghị nghị lên Thủ tướng Chính phủ vào cuộc và có chỉ đạo cụ thể. Thậm chí, các cơ quan hữu quan cần tiến hành một cuộc thanh tra việc dùng đất, đá thải san lấp các dự án ở Quảng Ninh nói chung, Vịnh Bái Tử Long, Vịnh Hạ Long nói riêng.

Phó Trưởng ban Dân nguyện: San lấp dự án bằng đất đá thải mỏ có gây lãng phí tài nguyên? (Bài 9) - Ảnh 2
Khu Đô thị Ao Tiên thuộc xã Hạ Long huyện Vân Đồn nằm giáp biển, nhìn ra Vịnh Bái Tử Long.

-Theo ông, đối với việc dùng đất, đá thải mỏ san lấp ở một số dự án ven biển Quảng Ninh thì các cơ quan nào cần vào cuộc xem xét?

-Vịnh Bái Tử Long, Vịnh Hạ Long còn liên quan đến vấn đề bảo tồn, du lịch. Mới đây, vịnh Hạ Long vừa được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Trong khi đó, Vịnh Bái Tử Long cũng ghi dấu nền văn hóa Hạ Long từ hàng nghìn năm trước. Tôi đặt vấn đề, liệu chúng ta san lấp dự án bằng đất đá thải mỏ như thế có ảnh hưởng đến việc thế giới công nhận Vịnh Hạ Long không, có ảnh hưởng đến việc tham quan du lịch của các du khách trong nước và quốc tế đối với hai vịnh này không. Đây là vấn đề cần phải xem xét. Không chỉ các cơ quan về môi trường, tôi nghĩ cần thiết có sự vào cuộc của Bộ Văn hóa Thể thao vào Du lịch.

Phó Trưởng ban Dân nguyện: San lấp dự án bằng đất đá thải mỏ có gây lãng phí tài nguyên? (Bài 9) - Ảnh 3
Đất đá thải mỏ được san lấp mặt bằng dự án ở Quảng Ninh.

Nhìn sâu hơn một chút, chúng ta nên xem xét việc quy hoạch, quá trình kêu gọi đầu tư ở Quảng Ninh trong việc xây dựng các dự án ven biển. Trong đó, có việc dùng đất, đá thải mỏ để san lấp ở các dự án ven biển. Cần làm rõ lại, các loại đất đá nào thì được dùng để san nền, san lấp dự án ở biển. Địa điểm nào được phép san lấp, san lấp bằng vật liệu gì chứ không thể san lấp một cách tùy tiện. Hoặc, những dự án được quy hoạch ở ven biển có thích hợp không nhìn cả dưới góc độ cảnh quan và môi trường.

Không được lãng phí tài nguyên

-Bảo vệ môi trường nói chung, bảo vệ môi trường biển nói riêng được xem là một trong số những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam đối với việc chống biến đổi khí hậu. Ông nghĩ sao về điều này?

-Đúng vậy. Chúng ta đều biết rằng, hiện nay, biến đổi khí hậu được xem là vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu. Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần khẳng định không đánh đổi môi trường lấy sự phát triển kinh tế.

Nếu chúng ta làm giàu trên cơ sở thế hệ sau này chịu hậu quả lớn về môi trường là điều không thể được. Phát triển kinh tế kiểu như vậy người ta gọi là phát triển nóng, “ăn xổi ở thì”.

-Hiện nay Quảng Ninh cho phép một số dự án được san lấp bằng đất đá thải mỏ. Ông đánh giá thế nào về chủ trương này?

-Tôi cho rằng, những nơi có chủ trương đổ đất, đá thải xuống để san lấp cần phải đánh giá lại. Việc này cần có sự đánh giá một cách cẩn trọng từ các cơ quan chức năng và lắng nghe những tham vấn chuyên sâu của các nhà khoa học. Chúng ta cân đối giữa lợi ích và thiệt hại từ việc này và có đánh giá tác động môi trường một cách kỹ lưỡng nhất, chính xác nhất.

Phó Trưởng ban Dân nguyện: San lấp dự án bằng đất đá thải mỏ có gây lãng phí tài nguyên? (Bài 9) - Ảnh 4
Bãi tắm Cột 8 thuộc phường Hồng Hà, TP.Hạ Long cũng bị người dân phản ánh có màu nước đục và chất lượng nước không đảm bảo. Bãi tắm công cộng này mới được đầu tư xây dựng và đi vào phục vụ người dân ngày 30/4/2021.

Đối với đổ đất, đá thải mở xuống san lấp, cần xét nghiệm, phân tích để trả lời một loạt câu hỏi như: Trong đất đá thải mỏ đó có quặng không, có than không? Nếu có thì quặng đó là nghèo hay giàu và khi san lấp nó có ảnh hưởng đến môi trường không? Việc dùng đất đá thải mỏ để san lấp có phải là việc gây lãng phí tài nguyên hay không? Nhiều người cho rằng, việc đổ tài nguyên để san lấp là điều bình thường. Nhưng điều tôi muốn nói là việc này cần phải tuân thủ theo quy định của pháp luật và làm sao không được lãng phí tài nguyên và tránh gây ảnh hưởng đến môi trường.

Còn đối với tỉnh Quảng Ninh, nên chăng phải xem xét lại chủ trương cho phép đổ đất, đá thải, xỉ thải để san lấp, đặc biệt là ở những khu ven biển. Tôi đưa ra hai trường hợp. Có thể chủ trương của tỉnh là đúng nhưng quá trình tổ chức thực hiện bị sai. Hoặc có thể chủ trương đó chưa đúng. Nếu chủ trương chưa đúng thì phải xem xét để thay đổi.

Xin cảm ơn ông!

Đất đá thải mỏ dùng để san lấp có chất lượng ra sao?

Trong quá trình thực hiện nghiên cứu khoa học hiện tượng sử dụng đất đá thải mỏ để san lấp một số dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, cuối tháng 8/2023 các nhà khoa học thuộc Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã có chuyến khảo sát độc lập, lấy mẫu đất đá, cũng như mẫu nước tại một số vị trí sử dụng đất đá thải mỏ.

Theo kết quả phân tích mẫu đất đá thải được lấy tại các vị trí như KĐT Ao Tiên (Vân Đồn), Cụm Công nghiệp Cẩm Thịnh (Cẩm Phả), KĐT Dragon City (Cẩm Phả), KĐT Cao Xanh - Hà Khánh (Hạ Long), Dự án đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, một số mẫu tại các bãi thải mỏ: Hà Lầm; Cao Sơn; Đông Dương; Vàng Danh; Hòn Gai; Uông Bí cho thấy có Hàm lượng % than trong mẫu đã lấy. Có những mẫu Hàm lượng % than lên đến 17.3%.

Theo đánh giá của các nhà khoa học: Tất cả các mẫu phân tích lấy từ bãi thải đã đưa san lấp và đất đá thải mỏ khác đều chứa than. Có 2 mẫu đất đá thải san lấp chứa hàm lượng than rất cao (15,2 và 17,3 %).

Các mẫu đất đá thải Hà Lầm và Vàng Danh cần tuyển để thu hồi than chứa trong đất đá thải > 5%. Các mẫu đất đá thải của các mỏ Cao Sơn và Uông Bí chứa lượng than có thể gây ra ô nhiễm biển vùng đổ đất đá thải lấn biển.

Tiếp đó, các nhà khoa học của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đưa ra lưu ý: Cần có quy trình phân loại đất đá thải (tách ra khỏi bước nghiền sàng) trước khi nghiền sàng (tránh tạo ra lỗ hổng chứa nước ô nhiễm trong nền đất) và tạo ra nguy cơ gây thương tích cho người ở các bãi tắm.

Ô nhiễm than và kim loại nặng trong trầm tích có nguồn gốc từ nước thải chứa than từ các mỏ và dây truyền tuyển than chưa xử lý, đất đá thải đổ san lấp mặt bằng, cũng như hoạt động vận chuyển than.

Theo các nhà khoa học kiến nghị, đây cũng chỉ là nghiên cứu độc lập và cần thêm các tổ chức khác cùng vào nghiên cứu đánh giá và đưa ra các kết quả tiếp đó. Nếu vẫn đúng với kết quả này thì cần phải có những định hướng chỉ đạo từ tỉnh Quảng Ninh để tuyên truyền, phổ biến và có biện pháp ngăn ngừa rủi ro.

Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

Văn Chương (Thực hiện)

Bạn đang đọc bài viết Phó Trưởng ban Dân nguyện: San lấp dự án bằng đất đá thải mỏ có gây lãng phí tài nguyên? (Bài 9). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.