Thứ ba, 30/04/2024 20:00 (GMT+7)
Thứ ba, 19/09/2023 10:06 (GMT+7)

Bịt "lỗ hổng" quản lý đất đai - Nhìn từ việc giao đất dịch vụ tại xã An Thượng

Theo dõi KTMT trên

Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt vi phạm trong quản lý đất đai tại huyện Hoài Đức (Hà Nội). Trong đó, tập trung trọng điểm ở một số hoạt động như đấu giá đất, chuyển nhượng đất dịch vụ.

Lùm xùm đất dịch vụ

Như Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã phản ánh, vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt vi phạm trong quản lý đất đai tại huyện Hoài Đức (Hà Nội). Trong đó, tập trung trọng điểm ở một số hoạt động như đấu giá đất, chuyển nhượng đất dịch vụ, cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất.

Bịt "lỗ hổng" quản lý đất đai - Nhìn từ việc giao đất dịch vụ tại xã An Thượng - Ảnh 1
Khu đất dịch vụ 12,5 ha tại xã An Thượng. Ảnh: KT.

Riêng tại xã An Thượng, hàng loạt cán bộ xã như cán bộ tư pháp, Phó Bí thư Đảng ủy… bị nhiều người dân đồng loạt tố về hành vi “vòi” tiền làm giấy tờ, giả mạo giấy tờ để thu tiền trái quy định. Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CA huyện Hoài Đức) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra theo quy định của pháp luật.

Mới đây nhất, một số người dân đã tiếp tục có đơn thư tố cáo tập thể lãnh đạo xã An Thượng liên quan khu đất dịch vụ 12,5 ha. Bà Nguyễn Hồng Hạnh, đại diện gửi đơn cho biết, lãnh đạo xã này bị người dân gửi đơn tố hai dấu hiệu vi phạm là tham ô tài sản và làm giả giấy tờ tài liệu của cơ quan tổ chức Nhà nước.

Theo bà Hạnh, khu đất dịch vụ 12,5 ha đã được UBND xã An Thượng quyết toán nghiệm thu giai đoạn 1, giai đoạn 2. Sau đó, vào cuối tháng 12/2021 đã bàn giao toàn bộ giai đoạn 1. Quý 2/2022 tiếp tục bàn giao hơn 100 ô đất của giai đoạn 2 cho người dân nhưng chính quyền xã An Thượng đã không thực hiện thi công các hạng mục xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo đúng quy định của nhà nước.

Cụ thể, trong đơn gửi Thanh tra Chính phủ và Ban Nội chính (Thành ủy Hà Nội), người dân cho biết, xã An Thượng được nhà nước giao 12,5 ha đất dịch vụ để đền bù cho người dân. Cuối năm 2021, UBND xã An Thượng tiến hành bàn giao 319 ô đất dịch vụ giai đoạn 1. Đến đầu quý 2/2022, đã bàn giao thêm 115 ô đất dịch vụ giai đoạn 2 cho người dân. Nhưng tại thời điểm bàn giao đất, UBND xã đã không thực hiện xây dựng hạ tầng theo đúng quy trình cơ bản đối với đất ở khu đô thị.

Thời điểm này, sau khi nhận đất dịch vụ giai đoạn 1, nhiều người dân xã An Thượng đã vô cùng bức xúc gửi đơn thư phản ánh và kiến nghị đến cơ quan chức năng và báo chí.

“Tôi và đội khảo sát đã xuống kiểm tra thực trạng, khảo sát thực tế nhiều điểm tại khu đất dịch vụ. Kết quả khảo sát cho thấy không có lớp cát, đất đồi hoặc đá base trên cùng. Như vậy, chính quyền xã An Thượng đã không triển khai xây dựng hạ tầng theo đúng quy định, cụ thể là không thực hiện quy trình đào vét đất hữu cơ hiện hữu, không  đổ cát, đất đồi hoặc đá base lên trên. Đồng thời không lu nên không đảm bảo độ chặt K95 của đất theo quy định của đất ở đô thị. Nghiêm trọng hơn, do không thực hiện quy trình đổ đất nên sẽ không đủ “cos 0” theo quy định của thiết kế khu đất dịch vụ An Thượng”, nội dung đơn nêu rõ.

Bịt "lỗ hổng" quản lý đất đai - Nhìn từ việc giao đất dịch vụ tại xã An Thượng - Ảnh 2
Trụ sở UBND xã An Thượng, nơi nhiều cán bộ bị người dân tố cáo. Ảnh: KT

Người dân đề nghị Thanh tra Chính phủ và Ban Nội chính (Thành ủy Hà Nội) sớm vào cuộc, làm rõ những dấu hiệu vi phạm của lãnh đạo xã An Thượng liên quan tới khu đất dịch vụ 12,5ha.

Mới đây, sau khi tiếp nhận đơn thư phản ánh của người dân, Ban Nội chính (Thành ủy Hà Nội) đã chuyển đơn đến Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội để giải quyết theo quy định.

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, ông Cao Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã An Thượng cho biết, chính quyền địa phương đã nhận được thông tin người dân phản ánh. Theo ông Tâm, về việc này, UBND huyện Hoài Đức cũng đang rốt ráo giao các cơ quan liên quan, phối hợp xã An Thượng xác minh, làm rõ thông tin. Vị này khẳng định, ngay sau khi có kết quả xác minh, sẽ thông tin công khai đến cơ quan báo chí. 

Sớm bịt lỗ hổng quản lý đất đai

Ngày 13/6/2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết 50/2022/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Bịt "lỗ hổng" quản lý đất đai - Nhìn từ việc giao đất dịch vụ tại xã An Thượng - Ảnh 3
Người dân, chuyên gia đang rất kỳ vọng vào Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh minh họa

Theo đó, tại kỳ họp thứ 6 diễn ra vào tháng 10 tới đây, Quốc hội dự kiến sẽ thông qua 06 luật, trong đó có Luật Đất đai (sửa đổi).

Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, việc quản lý đất đai và chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của công dân, người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đối tượng áp dụng bao gồm các cơ quan nhà nước thực hiện quyền hạn và trách nhiệm đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, thực hiện nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về đất đai; người sử dụng đất (như tổ chức, cá nhân trong nước; hộ gia đình; công đồng dân cư;...); và các đối tượng khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất.

Đầu tháng 6 vừa qua, Quốc hội đã cho ý kiến lần 2 đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, đã có hơn 12 triệu lượt ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các nội dung được Nhân dân quan tâm góp ý tập trung vào bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Cũng tại đây, nhiều Đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ kỳ vọng Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ giải quyết nhiều vướng mắc, sớm bịt các lỗ hổng quản lý đất đai.

Theo thống kê, tính từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực (ngày 01/7/2014) đến ngày 31/12/2021, các Tòa án trong cả nước đã thụ lý 187.743 vụ án liên quan đến đất đai. Trong đó, tranh chấp đất đai xảy ra nhiều nhất là trong lĩnh vực dân sự với 161.187 vụ, sau đó là hành chính với 26.443 vụ và hình sự là 113 vụ.

Chia sẻ trên báo chí, Tiến sĩ, Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, trong công tác quản lý sử dụng đất đang có những lỗ hổng, thậm chí là lỗ hổng rất lớn. Điều này dẫn đến sai phạm trong lĩnh vực đất đai trở nên phổ biến, ngày càng tăng và mức độ, quy mô càng lớn, tranh chấp liên quan đến đất đai nhiều năm liền chiếm tỷ lệ đa số.

“Nếu như rà soát toàn bộ quá trình từ quản lý đến sử dụng đất đai gần như nhìn vào khâu nào, lĩnh vực nào cũng thấy lỗ hổng, sai phạm. Từ khâu quy hoạch cho đến vấn đề giao đất có thu tiền sử dụng cho đến vấn đề đấu giá đất. Vấn đề định giá đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính với đất đai cũng đều thấy rất nhiều lỗ hổng và sai phạm”, ông Ánh phân tích.

Thành Nam

Bạn đang đọc bài viết Bịt "lỗ hổng" quản lý đất đai - Nhìn từ việc giao đất dịch vụ tại xã An Thượng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giá nhà tăng liên tiếp 19 quý, mua nhà rẻ chỉ có trên tivi
Thời gian qua, thị trường bất động sản đang bị đẩy giá lên cao ở hầu hết các phần khúc. Nếu tình trạng này vẫn diễn ra thì nhu cầu mua nhà ở thực của người dân sẽ không được đáp ứng mà chỉ là cơ hội cho hiện tượng đầu cơ.

Tin mới

Điện Biên Phủ: Điểm hẹn lịch sử
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức khai mạc Triển lãm “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024).