Thứ sáu, 22/11/2024 15:02 (GMT+7)
Thứ ba, 22/08/2023 11:49 (GMT+7)

Lãng phí tài nguyên nhìn từ câu chuyện vi phạm trong quản lý đất đai ở Hoài Đức

Theo dõi KTMT trên

Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt vấn đề trong công tác quản lý đất đai tại huyện Hoài Đức. Đây là một trong số những huyện có hoạt động bất động sản “nóng” tại Thủ đô Hà Nội.

Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều vấn đề

Vừa qua, sau quá trình thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt vi phạm trong quản lý đất đai tại huyện Hoài Đức (Hà Nội). Gần đây nhất, Công an huyện Hoài Đức đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự liên quan tới cán bộ xã An Thượng cũng về lĩnh vực đất đai.

Bên cạnh dự án Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch với nhiều sai phạm như Kinh tế Môi trường phản ánh, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra nhiều vi phạm của chính quyền huyện Hoài Đức trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn.

Điển hình nhất là vụ việc vi phạm tại khu đất đấu giá Trũng Trên – Đìa Các, thuộc xã Kim Chung. Ngày 27/4/2018, Hà Nội ban hành kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất năm 2018 và giai đoạn 2018 – 2020 trên địa bàn toàn thành phố. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, UBND huyện Hoài Đức đã “nhanh chân” thực hiện đấu giá trước thời điểm kế hoạch ban hành.

Lãng phí tài nguyên nhìn từ câu chuyện vi phạm trong quản lý đất đai ở Hoài Đức - Ảnh 1
KĐT Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch cũng có tên trong kết luận của Thanh tra Chính phủ. 

Khi làm rõ việc này, Thanh tra Chính phủ còn phát huyện, chính quyền huyện Hoài Đức đã tổ chức đấu giá 269 thửa đất với hình thức bỏ phiếu kín 1 vòng, không theo phương thức trả giá lên. Điều này hoàn toàn trái với quy định của Luật Đấu giá tài sản năm 2016.

Ngoài ra, nhiều vấn đề có dấu hiệu vi phạm trong việc phối hợp với đơn vị thẩm định giá cũng như đơn vị đấu giá cũng Thanh tra Chính phủ phát hiện. Việc ký hợp đồng với đơn vị đấu giá – Công ty cổ phần đấu giá và thương mại Việt Nam nhưng Trung tâm phát triển Quỹ đất lại đứng ra thu tiền đặt trước của khách hàng vào tài khoản đã vi phạm Luật Đấu giá tài sản.

Theo quy chế đấu giá, mỗi hộ gia đình chỉ được 01 người tham gia. Tuy nhiên, cả công ty đấu giá lẫn Trung tâm phát triển Quỹ đất lại mắt nhắm, mắt mở để 7 hộ gia đình có đến 2 – 3 người cùng hộ khẩu, phô tô chia tách hộ khẩu nhằm lọt vào phiên đấu giá. Điều này đã vi phạm quy định về Quy chế đấu giá quyền sử dụng đất theo Quyết định 216 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ.

Tại khu đất Cổ Bồng (xã Di Trạch), chính quyền huyện Hoài Đức cũng “qua mặt” chính quyền Hà Nội trong việc đấu giá. Cụ thể, ngày 16/02/2015, UBND TP Hà Nội mới ban hành quyết định, xác định giá đất khởi điểm phục vụ công tác đấu giá tại Cổ Bồng. Tuy nhiên, trước đó hơn một năm, ngày 22/01/2014, Trung tâm Quỹ đất Hoài Đức đã ký hợp đồng với đơn vị đấu giá.

Thanh tra Chính phủ khẳng định, việc lựa chọn và ký hợp đồng thực hiện trước quyết định phê duyệt giá khởi điểm là trái quy định của Chính phủ về bán đấu giá tài sản.

Cũng tại khu đấu giá Cổ Bồng, khi thanh tra làm rõ, cơ quan chức năng còn phát hiện Trung tâm Quỹ đất Hoài Đức và Công ty đấu giá đã tùy tiện hoãn tổ chức đấu giá 04 lô đất mà không hề được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

Khi tiến hành thanh tra tại xã Di Trạch, Thanh tra Chính phủ phát hiện ra nhiều sai phạm của địa phương này liên quan tới việc thu hồi và giao đất dịch vụ.

Cụ thể, lãnh đạo xã Di Trạch đã xác nhận giấy tờ liên quan đến chuyển nhượng đất dịch vụ trái thẩm quyền, cố ý vi phạm quy định quản lý đất đai, tạo cơ sở cho việc chuyển nhượng đất dịch vụ khi người dân chưa được giao đất theo quy định. Những trường hợp đã chuyển nhượng mà không đủ điều kiện được giao đã gây ra nhiều vụ tranh chấp, khiếu kiện phức tạp liên quan tới xác nhận của UBND xã Di Trạch.

Thanh tra Chính phủ khẳng định, trách nhiệm này thuộc về Chủ tịch UBND xã Di Trạch và các Phó Chủ tịch đã trực tiếp xác nhận giấy tờ nêu trên. Liên quan tới việc này, Thanh tra Chính phủ đã đề nghị thành phố Hà Nội chỉ đạo, giao cơ quan công an điều tra, xử lý các hành vi của lãnh đạo xã Di Trạch. Đặc biệt là việc xác nhận giấy tờ trai thẩm quyền nêu trên.

Trong khi đó, với cấp cao hơn, Thanh tra Chính phủ chỉ ra rằng, UBND huyện Hoài Đức đã thu hồi vượt nhu cầu diện tích đất dịch vụ hơn 8,7 nghìn mét vuông. Trong 1.237 hộ được xã Di Trạch lập danh sách gửi lên đề nghị huyện phê duyệt thì có tới 240 hộ chưa đủ điều kiện, với tổng diện tích đất dịch vụ dự kiện giao lên tới gần 11ha.

Cũng tại kết luận này, Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc thu tiền đất dịch vụ và ứng trước kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuận khu đất dịch vụ xã Di Trạch… cũng để xảy ra nhiều sai phạm, khuyết điểm, thiếu sót.  

Nhiều vấn đề phát sinh

Tương tự, về công tác cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (sổ đỏ) trên địa bàn huyện Hoài Đức, Thanh tra Chính phủ cho biết, còn xảy ra hàng loạt vi phạm, hạn chế, nhất là tình trạng chậm thực hiện thủ tục hành chính. Có những trường hợp để quá hạn thời gian dài, gây phiền hà cho người dân trong việc cấp sổ đỏ. Việc này xảy ra tại Thị trấn Trạm Trôi, một số xã như An Thượng, An Khánh, Kim Chung, Di Trạch…

Liên quan vấn đề này, thời gian qua, tại xã An Thượng đã xảy ra nhiều sự việc đáng buồn trong tranh chấp, mua bán đất đai.

Cụ thể, một số người mua đất tại xã An Thượng đã làm đơn tố cáo việc bị chủ đất, chính quyền xã “vòi” tiền, cò cưa gây khó khăn trong việc làm thủ tục chứng nhận liên quan đến hồ sơ đất dịch vụ.

Trong những người bị tố cáo, có bà Nguyễn Thị Thùy Linh, cán bộ tư pháp xã An Thượng vừa bị tố cáo hành vi nhận hối lộ thông qua việc làm thủ tục chứng thực hồ sơ, giả mạo hồ sơ chuyển nhượng đất. Bà Chu Thị Thúy, Phó Bí thư Đảng ủy xã An Thượng cũng bị tố cáo về hành vi làm giả hồ sơ tài liệu, thu tiền trái quy định pháp luật.

Về việc này, Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CA huyện Hoài Đức) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra theo quy định của pháp luật.

Ông Cao Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã An Thượng xác nhận vụ việc trên. Theo ông Tâm, việc này, chính quyền xã đã báo cáo lên UBND cũng như thường vụ huyện ủy Hoài Đức.

Chia sẻ trên báo chí, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, trong công tác quản lý sử dụng đất đang có những lỗ hổng, thậm chí là lỗ hổng rất lớn. Điều này dẫn đến sai phạm trong lĩnh vực đất đai trở nên phổ biến, ngày càng tăng và mức độ, quy mô càng lớn, tranh chấp liên quan đến đất đai nhiều năm liền chiếm tỷ lệ đa số.

“Nếu như rà soát toàn bộ quá trình từ quản lý đến sử dụng đất đai gần như nhìn vào khâu nào, lĩnh vực nào cũng thấy lỗ hổng, sai phạm. Từ khâu quy hoạch cho đến vấn đề giao đất có thu tiền sử dụng cho đến vấn đề đấu giá đất. Vấn đề định giá đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính với đất đai cũng đều thấy rất nhiều lỗ hổng và sai phạm”, ông Ánh phân tích.

Theo Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2020, tỷ lệ người dân phải trả chi phí ngoài quy định để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tiếp tục gia tăng trở lại (sau khi đã giảm vào năm 2017 - 2018). Có đến hơn 32% số người được hỏi cho biết phải “bôi trơn”.

Báo cáo chỉ ra rằng, có hơn 32% số người được hỏi cho biết, họ đã phải trả thêm tiền ngoài quy định mới làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho hộ gia đình. Tỷ lệ này gần tương đương với kết quả của 7 năm trước đó (năm 2013 là 33%) và cao hơn khá nhiều so với năm 2019 là 22,3% và năm 2018 là 15%.

Thành Nam

Bạn đang đọc bài viết Lãng phí tài nguyên nhìn từ câu chuyện vi phạm trong quản lý đất đai ở Hoài Đức. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới