Quảng Bình nghiêm cấm đốt thực bì trong thời tiết nắng nóng
Nắng nóng kéo dài tại Quảng Bình khiến nguy cơ cháy rừng luôn ở mức rất cao.
Nắng nóng kéo dài tại Quảng Bình khiến nguy cơ cháy rừng luôn ở mức rất cao. Để phòng chống cháy rừng, lực lượng chức năng và các chủ rừng tiến hành vệ sinh rừng, thu dọn vật liệu cháy, nghiêm cấm xử lý thực bì bằng biện pháp đốt trong thời điểm nắng nóng cao điểm, có gió phơn Tây Nam.
Năm 2019, tại tỉnh Quảng Bình đã xảy ra 16 vụ cháy rừng, diện tích rừng bị thiệt hại lên đến 152ha. Trong thời điểm nắng nóng kéo dài, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với các địa phương tuyên truyền và nâng cao ý thức người dân trong công tác phòng chống cháy rừng. Các xã, các đơn vị chủ rừng quản lý chặt chẽ nguồn lửa và nguồn nhiệt trong rừng.
Chủ rừng và lực lượng chức năng vệ sinh rừng, hạn chế cháy rừng. |
“Nguyên nhân xảy ra các vụ cháy trước đây là do ý thức chấp hành của người dân, bên cạnh đó công tác phòng chống cháy chưa được phổ biến rộng rãi, biện pháp chưa được nghiêm khắc”- ông Cảnh cho biết.Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, ở xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết, người dân được chính quyền tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức phòng chống cháy rừng và sử dụng lửa an toàn. Người dân ý thức được hậu quả của việc đốt lửa trái phép trong rừng, ven rừng nên không xử lý thực bì bằng cách đốt trong những ngày nắng nóng.
Xử lý thực bì giảm nguồn vật liệu cháy trong rừng. |
Đến nay, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã xử lý thực bì, vệ sinh rừng đạt trên 75%. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị chủ rừng chưa bố trí nguồn vốn để vệ sinh rừng, xử lý thực bì, như: Chi nhánh Lâm trường rừng thông Bố Trạch, Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Bắc Quảng Bình..., dẫn đến thực bì chưa được xử lý. Qua nhiều năm, cây bụi, dây leo, lá khô rất dày, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết, đối với những khu vực nguy cơ cháy rừng nhưng không có điều kiện vệ sinh rừng, huyện đã chỉ đạo xây dựng các vành đai cản lửa ngăn cách khu rừng dễ cháy với khu dân cư, đường giao thông và các khu vực khác. Các xã có rừng, đơn vị chủ rừng ưu tiên bố trí kinh phí tu bổ các công trình, mua sắm dụng cụ, thiết bị phòng cháy chữa cháy rừng. Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, huyện đã nghiêm cấm việc xử lý thực bì bằng biện pháp đốt trong thời điểm có gió phơn Tây Nam và thời tiết nắng nóng như hiện nay.
Lực lượng chức năng túc trực trong thời điểm nắng nóng. |
“Chúng tôi chỉ đạo xử lý thực bì, đồng thời kết hợp công tác kiểm tra kết quả xử lý thực bì trước mùa khô. Bên cạnh đó, kiên quyết rõ ràng, phê bình nghiêm túc các chủ rừng, các tổ chức cá nhân và các các địa phương có tỉ lệ xử lý thực bì thấp so với yêu cầu”- ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết.
Ông Đặng Minh Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình cho biết, tỉnh Quảng Bình hiện có hơn 486.000 ha rừng, phân bố không đồng đều, địa hình lại chia cắt, hiểm trở, gây khó khăn cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Với phương châm lấy phòng làm chính, lực lượng chức năng cùng các địa phương đã triển khai vệ sinh rừng, xử lý thực bì, làm giảm nguồn vật liệu cháy trong rừng, đồng thời cảnh báo 24/24 giờ tại các khu vực trọng điểm, nhất là ban đêm. Hiện nay, công tác chuẩn bị lực lượng, phương tiện, dụng cụ chữa cháy rừng của các đơn vị chủ rừng và các xã đều thiếu, chưa bảo đảm yêu cầu đặt ra.
“Trước mùa khô năm 2020, Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương và đơn vị chủ rừng tập trung triển khai các biện pháp phòng, cháy rừng trong đó tăng cường vệ sinh rừng để giảm vật liệu cháy tu bổ nâng cấp và làm mới các công trình phòng cháy, chữa cháy"- ông Đặng Minh Hùng cho biết.
Thanh Hiếu