Quản lý vi nhựa vẫn còn vướng mắc
Trước tác động của các hạt vi nhựa tới sức khỏe, môi trường, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật nhằm hạn chế ô nhiễm nhựa. Tuy nhiên, khi đi vào cuộc sống, hoạt động quản lý vẫn còn gặp không ít khó khăn.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường.
PV: Trong vài thập kỷ gần đây, vi nhựa đã trở thành chất ô nhiễm phổ biến trong đất và nước. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng ô nhiễm vi nhựa ở Việt Nam?
Ông Nguyễn Trung Thắng:
Về thực trạng ô nhiễm vi nhựa, Việt Nam chưa có số liệu thống kê chính thức, tuy nhiên, gần đây đã có một số nghiên cứu xác định sự phân bố và hàm lượng vi nhựa trong các mẫu trầm tích và môi trường nước. Trên sông Sài Gòn, mật độ vi nhựa dạng sợi tại mỗi điểm được dao động từ 172.000 - 519.000 MPs/m3 và mật độ vi nhựa dạng mảnh tại mỗi điểm được dao động từ 10 - 223 MPs/m3. Vi nhựa cũng được tìm thấy ở cả ba vùng biển Tiền Giang, Cần Giờ và Bà Rịa - Vũng Tàu với mật độ dao động từ 0,04 - 0,82 mẩu/m3 nước biển, thấp nhất ở vùng Cần Giờ và cao nhất ở vùng Tiền Giang.
Đến nay, chưa có đánh giá tổng thể về nguồn phát sinh (từ các sản phẩm tẩy rửa, mỹ phẩm, hoạt động giặt là, dệt may, giao thông…) và thực trạng vi nhựa trong môi trường (đất, nước, không khí) tại Việt Nam. Các vi nhựa có thể xâm nhập và phá hủy tế bào trong cơ thể của các loài sinh vật trong nước ngọt và trong môi trường biển; chúng có thể là vật trung gian gây tích tụ các loại hóa chất nguy hiểm, khi động vật ăn vào sẽ bị nhiễm độc, chất độc này lại được chuyển sang con người khi con người ăn các động vật đó.
PV: Ô nhiễm rác thải nhựa và vi nhựa đang trở thành mối quan tâm lớn của toàn xã hội, vậy Việt Nam đã có những chính sách gì để quản lý vấn đề này?
Ông Nguyễn Trung Thắng:
Nhận thức được vai trò trong giải quyết cuộc khủng hoảng chất thải nhựa toàn cầu, những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều có nỗ lực trong việc bảo vệ môi trường cũng như ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng. Điển hình là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định về quản lý chất thải nhựa và vi nhựa, về mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR) đối với bao bì, trong đó có bao bì nhựa… Theo đó, Chính phủ phải quy định lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa. Hiện nay, Bộ TN&MT đang khẩn trương, tích cực xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành.
Ngày 20/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa, trong đó, Bộ TN&MT có trách nhiệm nghiên cứu, xây dựng hàng rào kỹ thuật môi trường đối với các sản phẩm, hàng hóa chứa hạt vi nhựa, nano nhựa và túi ni lông để phòng ngừa các tác động xấu đến sức khỏe con người, môi trường sinh thái; nghiên cứu, đề xuất lộ trình cấm sử dụng hạt vi nhựa trong sản xuất hóa mỹ phẩm, may mặc, phân bón.
Quyết định số 1746/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 cũng đã đề ra nhiệm vụ tăng cường kiểm soát, quản lý việc xả thải vào nguồn nước và có biện pháp xử lý vi nhựa từ nước thải khu đô thị và khu công nghiệp; đánh giá các nguy cơ, rủi ro ô nhiễm và các tác động của rác thải nhựa, đặc biệt là vi nhựa đối với biển và đại dương, các hệ sinh thái biển, môi trường và sức khỏe con người.
Bên cạnh các văn bản đã ban hành, hiện nay, Bộ TN&MT đang xây dựng Dự thảo Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam và Dự thảo Chiến lược Bảo vệ môi trường Quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đề ra nhiệm vụ kiểm soát vi nhựa.
Nhìn chung, việc kiểm soát ô nhiễm vi nhựa trong sản phẩm, hàng hóa (vi nhựa sơ cấp) bắt đầu được đề cập chung trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, Chỉ thị 33/CT-TTg; Quyết định số 1746/QĐ-TTg. Trong khi đó, hoạt động kiểm soát nguồn gây ô nhiễm vi nhựa thứ cấp được gián tiếp thể hiện qua các chính sách giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa.
PV: Chúng ta đã đưa ra nhiều chính sách để quản lý chất thải nhựa cũng như vi nhựa nhưng vẫn chưa đạt kết quả mong muốn. Nguyên nhân do đâu, thưa ông?
Ông Nguyễn Trung Thắng:
Chính sách quản lý nhựa và vi nhựa đã có nhưng còn thiếu. Cho đến nay, vẫn còn nhiều quy định chưa cụ thể gây khó khăn trong quá trình quản lý.
Đơn cử như, chúng ta chưa có quy định về giảm chất thải từ các sản phẩm nhựa sử dụng một lần; việc tái chế chất thải nói chung, chất thải nhựa nói riêng, phần lớn đang do khu vực phi chính thức thực hiện. Thuế Bảo vệ môi trường với túi ni lông còn thấp; việc quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh túi ni lông còn khó khăn; túi ni lông thân thiện với môi trường không có khả năng cạnh tranh với túi ni lông thường. Việc thu hồi các sản phẩm thải bỏ trong Danh mục theo Quyết định 16/QĐ-TTG chưa được triển khai.
Thành phần vi nhựa cũng chưa được đề cập trong giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm tại các quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường và trong xử lý nước thải. Bụi từ việc mài mòn lốp xe trong giao thông vận tải cũng góp phần làm gia tăng vi nhựa thải ra môi trường, nhưng chưa có quy định về quản lý môi trường không khí về vấn đề này.
Việc quản lý tổng thể nguồn phát sinh ô nhiễm vi nhựa (từ các sản phẩm, hàng hóa như mỹ phẩm, chất tẩy rửa…; môi trường không khí; hoạt động giao thông do bào mòn lốp xe,...) cũng chưa được quy định cụ thể. Cùng với đó là các quy định thành phần vi nhựa trong mỹ phẩm, bột giặt, sơn... chưa rõ ràng. Chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn về thành phần vi nhựa trong các sản phẩm, hàng hóa này.
PV: Theo ông, giải pháp cần có để quản lý tốt hơn, hạn chế ô nhiễm vi nhựa là gì?
Ông Nguyễn Trung Thắng:
Để quản lý ô nhiễm vi nhựa ở Việt Nam một cách hiệu quả, việc hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý chất thải nhựa và vi nhựa là nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, về quản lý chất thải nhựa cần xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020 về quản lý chất thải nhựa và kiểm soát ô nhiễm vi nhựa; đưa nội dung về quản lý chất thải nhựa và kiểm soát ô nhiễm vi nhựa vào các quy định của Luật Tài nguyên môi trường biển, hải đảo sửa đổi, các luật có liên quan và các văn bản hướng dẫn thi hành; lồng ghép nội dung về phát triển kinh tế tuần hoàn, quản lý chất thải nhựa và kiểm soát ô nhiễm vi nhựa trong các chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực.
Về quản lý chất lượng môi trường không khí, cần xây dựng các quy định, hướng dẫn và thực hiện kiểm kê các nguồn thải, đặc biệt chú trọng các nguồn gây ô nhiễm bụi và bụi mịn; xác định các nguồn ô nhiễm vi nhựa trong môi trường không khí; xây dựng cơ chế, chính sách, lộ trình thúc đẩy phát triển giao thông công cộng, vận tải hành khách khối lượng lớn (MRT), xe buýt nhanh (BRT); nghiên cứu các vật liệu trong sản xuất lốp xe để giảm phát sinh vi nhựa từ bào mòn khi lưu thông.
Về quản lý các sản phẩm, hàng hóa, cần nghiên cứu kinh nghiệm các nước để đưa nội dung về kiểm soát ô nhiễm vi nhựa vào các quy định pháp luật về chất lượng hàng hóa, sản phẩm có liên quan. Nghiên cứu, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các loại sản phẩm, hàng hóa có chứa vi nhựa. Nghiên cứu, xem xét, xây dựng quy định về việc hạn chế, tiến tới loại bỏ việc sản xuất, sử dụng nhựa quang hóa (oxo-plastic) vì sau một thời gian loại nhựa này chỉ bị phân rã thành các mảnh nhựa chứ không phân hủy hoàn toàn.
Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng nhằm giảm thiểu việc thải bỏ chất thải nhựa, vi nhựa vào môi trường. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong quản lý chất thải nhựa, vi nhựa và sản xuất các nguyên liệu nhựa sinh học, sản phẩm thân thiện với môi trường. Tăng cường hợp tác quốc tế về quản lý nhựa và vi nhựa; tăng cường thực thi, tuân thủ chính sách pháp luật về quản lý chất thải nhựa và vi nhựa thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Hoàng Ngân