Lâm Đồng: Xử lý tình trạng hồ Đan Kia - Suối Vàng cạn kiệt, ô nhiễm
Trước tình trạng hồ Đan Kia - Suối Vàng cạn kiệt và bị ô nhiễm do rác thải nông nghiệp trong mùa khô hạn, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức đi kiểm tra thực tế.
Qua kết quả kiểm tra, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở tập trung xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến hồ trữ nước cấp cho thành phố Đà Lạt và các vùng phụ cận; đẩy nhanh tiến độ Công trình hồ chống bồi lắng đã được triển khai từ năm 2018.
Cụ thể, ngày 24/3, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng đã kiểm tra công tác quản lý nguồn nước, xử lý bồi lắng hồ Đan Kia - Suối Vàng. Đoàn công tác đánh giá, khu vực thượng nguồn hồ và các nhánh suối đổ về hồ Đan Kia - Suối Vàng đang bị bồi lắng nghiêm trọng làm giảm dung tích chứa nước của hồ; phát sinh nhiều rác thải nông nghiệp, nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước ở mức cao. Nguyên nhân là do người dân san gạt đất đồi làm biến dạng địa hình; san gạt đất tạo mặt bằng làm nông nghiệp, xây nhà lưới, nhà kính trong khu vực; rác thải nông nghiệp chưa được thu gom, xử lý kịp thời.
Để xử lý tình trạng này, ngày 31/3, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản số 1927/UBND-MT giao UBND huyện Lạc Dương khẩn trương kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp san gạt, xây dựng nhà lưới, nhà kính, lấn dòng chảy trái quy định tại khu vực thượng nguồn hồ, trong hành lang bảo vệ hồ, sông, suối thuộc lưu vực hồ Đan Kia - Suối Vàng; đồng thời tiếp tục vận động nhân dân không lấn chiếm lòng hồ, không trồng trọt, sản xuất nông nghiệp, không triển khai công trình xây dựng trong hành lang bảo vệ hồ và xả rác gây ô nhiễm; di dời các công trình trong hành lang bảo vệ an toàn hồ Đan Kia.
UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Lạc Dương thường xuyên theo dõi, giám sát, đôn đốc Ban Quản lý dự án đầu tư và công trình công cộng huyện khẩn trương xây dựng, hoàn thành Công trình hồ chống bồi lắng, nhà máy xử lý nước thải khu vực Đan Kia- Suối Vàng trong thời gian sớm nhất.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng được UBND tỉnh giao trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn thành việc đánh giá bồi lắng hồ và đề xuất giải pháp phù hợp để tăng nguồn trữ ước cho hồ Đan Kia - Suối Vàng; vận hành quy trình hồ chứa nước Đan Kia - Suối Vàng để đảm bảo ưu tiên cho cấp nước phục vụ sinh hoạt. Sở Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp với các đơn vị và huyện Lạc Dương đẩy mạnh phòng, chống ô nhiễm, bảo vệ nguồn nước, môi trường hồ cấp nước cho Trung tâm tỉnh lỵ và các vùng phụ cận…
Trước đó, các phương tiện thông tin đại chúng đã đồng loạt đưa tin về tình trạng cạn kiệt bất thường của hồ Đan Kia - Suối Vàng trong mùa khô năm 2021. Đáng chú ý, mức nước của hồ đã giảm gần 2 m so với tất cả các năm trước. Tại nhiều khu vực, lòng hồ đã khô nẻ, nhiều du khách có thể chạy xe máy dưới đáy hồ.
Ông Lê Chí Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, cho biết: Theo thống kê sơ bộ, hồ chứa nước Đan Kia - Suối Vàng có khoảng 356 ha hành lang an toàn. Hiện đang có hơn 150 ha bị người dân lấn chiếm và canh tác. Hoạt động sản xuất nông nghiệp quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước, ảnh hưởng đến môi trường lòng hồ.
Hồ Đan Kia - Suối Vàng nằm trong vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang. Đây là nơi khởi nguồn của hệ thống sông Đồng Nai rộng lớn. Hồ có diện tích lưu vực khoảng 13.000 ha, độ sâu trung bình 6 m, phần lớn thuộc huyện Lạc Dương, còn lại thuộc thành phố Đà Lạt. Đây là hồ đa chức năng, vừa là thắng cảnh du lịch, vừa cung cấp nước cho Nhà máy Thủy điện Ankroet. Mỗi ngày, hồ cung cấp từ 45.000-55.000 m3 nước sinh hoạt cho thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương, đồng thời cung cấp nước sản xuất nông nghiệp cho các khu vực xung quanh hồ.
Chu Quốc Hùng